Ngay từ đầu năm 2019, TP.HCM đặt mục tiêu tỷ lệ giải ngân vốn trung ương của từng dự án đạt ít nhất 95% trở lên. Tuy nhiên, tính đến ngày 15.9, tổng số vốn đã giải ngân là 11.443 tỉ đồng, chỉ đạt 43% kế hoạch.
Theo UBND TP.HCM, giai đoạn 2016-2020, TP.HCM đang có 12 dự án triển khai thực hiện với tổng vốn đầu tư là 104.932 tỉ đồng; trong đó vốn ODA là 89.376 tỉ đồng, vốn đối ứng là 15.556 tỉ đồng.
Về lũy kế giải ngân từ đầu năm đến tháng 9, vốn vay ODA là 383,5 tỉ đồng, đạt 16,27% so với kế hoạch vốn được giao. Trong đó, vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương là 364,5 tỉ đồng, đạt 45,6% so với kế hoạch vốn được giao; vốn ODA vay lại vốn vay nước ngoài của Chính phủ là 19 tỉ đồng, đạt 1,22% so với kế hoạch vốn được giao; vốn đối ứng là 382,314 tỉ đồng, đạt 40% so với kế hoạch vốn được giao.
Tại hội nghị trực tuyến toàn quốc về thúc đẩy phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công năm 2019 diễn ra ngày 26.10 vừa qua, Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến cũng cho biết, trong năm 2019, TP.HCM đã giao kế hoạch đầu tư công 33.771 tỉ đồng, tính đến ngày 15.9, tổng vốn đã giải ngân 11.443 tỉ đồng, đạt 43% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách TP.HCM giải ngân 9.591 tỉ đồng, đạt 31%; vốn trung ương giải ngân 1.210 tỉ đồng, đạt 61%; vốn ODA giải ngân 641 tỉ đồng, đạt 80%.
UBND TP.HCM cho rằng, qua theo dõi tình hình giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2019, thành phố nhận thấy một số nguyên nhân giải ngân chậm. Nguyên nhân thứ nhất là công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn chậm. Hiện tại, do nguyên nhân này mà thành phố chưa giải ngân 3.000 tỉ đồng, chiếm 10% kế hoạch vốn.
Thứ hai, về thủ tục đầu tư, chương trình hỗ trợ phát triển chính sách do đang vướng thủ tục đầu tư nên chưa giải ngân 2.000 tỉ đồng, chiếm 6,5% kế hoạch. Thứ ba, hiện nay, các cơ quan, đơn vị chủ đầu tư đang thực hiện đề án sắp xếp lại các Ban Quản lý dự án của thành phố nên việc thay đổi tư cách pháp nhân của chủ đầu tư cũng ảnh hưởng đến tiến độ lập hồ sơ thủ tục giải ngân vốn của các dự án.
Thứ tư, do kế hoạch vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương vừa được Trung ương giao bổ sung vào tháng 6.2019, nên các dự án có tiến độ thực hiện tốt nhưng kết quả giải ngân chưa cao.
Thứ năm, trong các tháng đầu năm tiến độ giải ngân chủ yếu tập trung công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, tổ chức đấu thầu… nên tỷ lệ giải ngân thấp. Cuối cùng, một số chủ đầu tư chưa quyết liệt thực hiện theo kế hoạch, tiến độ được giao.
Để TP.HCM sớm có nguồn vốn thực hiện các dự án trọng điểm và tránh tình trạng phải điều chỉnh, bổ sung kế hoạch vốn ODA hằng năm, UBND TP.HCM cho biết vừa kiến nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư sớm phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu phương thức giao kế hoạch vốn ODA để đảm bảo đáp ứng đủ vốn theo tiến độ giải ngân thực tế của dự án và tiến độ cấp vốn của các nhà tài trợ.
Bộ Kế hoạch-Đầu tư phối hợp với Bộ Tài chính hướng dẫn TP.HCM về việc đăng ký số vốn ODA cấp phát từ ngân sách trung ương còn lại cho dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên; đồng thờichủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính tổ chức thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối vốn của dự án xây dựng đường sắt đô thị số 1 Bến Thành - Suối Tiên và dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 Bến Thành - Tham Lương.
Ngoài ra, thành phố cũng kiến nghị các bộ ngành quan tâm, tiếp tục hỗ trợ TP.HCM trong việc vận động nguồn vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ cho các dự án ưu tiên đầu tư vào lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông và môi trường có quy mô đầu tư lớn. Đơn cử như dự án cải tạo hệ thống thoát nước mưa và nước thải TP.HCM (lưu vực Tham Lương - Bến Cát - Nước Lên) và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 3A, tuyến Bến Thành - Bến xe Miền Tây.
Đáng chú ý, TP.HCM còn kiến nghị Trung ương bổ sung nguồn vốn trung hạn 2016 - 2020 cho các dự án ODA do thành phố quản lý. Bộ Tài chính hỗ trợ các chủ đầu tư trong việc hoàn thành các thủ tục cần thiết để giải ngân vốn cho các dự án.
Phan Diệu