Giá vàng trong nước mở phiên giao dịch sáng nay tiếp tục đà tăng nóng khi được điều chỉnh tăng thêm hơn 1 triệu đồng/lượng, lên mốc 62,5 triệu đồng/lượng. Với đà tăng này, giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới cả 3 triệu đồng/lượng, rất rủi ro cho người đầu tư vàng lúc này.

Giá vàng trong nước lập đỉnh mới, bỏ xa đà tăng của thế giới

07/08/2020, 11:02

Giá vàng trong nước mở phiên giao dịch sáng nay tiếp tục đà tăng nóng khi được điều chỉnh tăng thêm hơn 1 triệu đồng/lượng, lên mốc 62,5 triệu đồng/lượng. Với đà tăng này, giá vàng trong nước đang cao hơn thế giới cả 3 triệu đồng/lượng, rất rủi ro cho người đầu tư vàng lúc này.

Giá vàng SJC được điều chỉnh tăng mạnh - Ảnh: Internet

Giá vàng đang cao nhất lịch sử

Vào lúc 10 giờ 30 ngày 7.8, giá vàng miếng SJC tại Hà Nội theo niêm yết của Tập đoàn DOJI là 60,6 triệu đồng/lượng (mua vào) và 62,2 triệu đồng/lượng (bán ra), tăng 1,1 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1,3 triệu đồng/lượng so với chốt phiên giao dịch trước.

Giá vàng SJC tại TP.HCM được Công ty SJC niêm yết giao dịch ở mức 60,8 – 62,4 triệu/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán so với cuối phiên hôm qua.

Giá vàng SJC tại Bảo Tín Minh Châu cũng được niêm yết ở mức 60,9 – 62,2 triệu đồng/lượng, tăng 1,3 triệu đồng/lượng ở chiều mua và tăng 1,2 triệu đồng ở chiều bán ra so với chốt phiên giao dịch trước.

Giá vàng Phú Quý SJC giao dịch ở mức 61– 62 triệu đồng/lượng, tăng 1,4 triệu đồng/lượng ở chiều mua và 1 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Ở PNJ, giá vàng cũng đang niêm yết ở mức 60,6 – 62,2 triệu đồng/lượng, tăng 1 triệu đồng ở chiều mua và 1,2 triệu đồng ở chiều bán.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức cao, quanh 60 triệu đồng/lượng mua vào và 62,5 triệu đồng/lượng bán ra. Cụ thể, tại Sacombank, giá vàng đang giao dịch ở mức 60 – 62,5 triệu đồng/lượng, tăng 800.000 đồng/lượng ở chiều mua và 1,9 triệu đồng/lượng ở chiều bán. Còn ở TP Bank, giá vàng niêm yết ở mốc 60,6 – 62,5 triệu đồng/lượng, tăng 1,2 triệu đồng/lượng ở chiều bán và 1,15 triệu đồng/lượng ở chiều mua.

Trước đó, trong phiên giao dịch chiều qua, giá vàng SJC tăng lên 61,5 triệu đồng/lượng. Ở một vài doanh nghiệp, giá vàng có lúc còn được điều chỉnh lên mốc 62 triệu đồng/lượng, nhưng mốc giá này chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn. Giá vàng trong ngày 6.8 tăng cao và liên tiếp xô đổ các mốc giá 60, 61 rồi đến 62 triệu đồng/lượng.

Giá vàng trong nước phiên sáng nay tiếp tục tăng mạnh do giá vàng trên thị trường thế giới dồn dập tăng lên các đỉnh cao kỷ lục mọi thời đại mới. Giá vàng đã vượt xa ngưỡng cản 2.000 USD/ounce và đang hướng tới các đỉnh cao mới.

Hiện tại, giá vàng thế giới giao ngay ở mức 2.070 USD/ounce, tăng hơn 10 USD/ounce so với phiên giao dịch trước. Giá vàng giao tháng 8.2020 trên sàn Comex New York cũng đứng ở mức 2.080 USD/ounce.

Nhiều rủi ro khi mua vàng lúc này

Hiện nay, vàng thế giới quy đổi theo giá USD ngân hàng có giá khoảng 58,7 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí, thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 3,5 triệu đồng/lượng.

Nhiều chuyên gia nhìn nhận chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới cao do nguồn cung trong nước không quá dồi dào khi doanh nghiệp kinh doanh vàng không được nhập khẩu vàng miếng theo quy định của Nghị định 24. Hiện tại, Ngân hàng Nhà nước là cơ quan duy nhất được nhập khẩu vàng, vì vậy nguồn cung thế giới và trong nước không liên thông, có thời điểm nguồn cung không đáp ứng được nhu cầu thị trường nên giá vàng lên cao. Tuy nhiên, về lâu dài, giá vàng thế giới là cơ sở để thị trường vàng trong nước điều chỉnh.

Dù giá vàng trong nước liên tục điều chỉnh tăng rất mạnh song Ngân hàng Nhà nước cho biết giao dịch trên thị trường không đột biến. Tình hình mua, bán vàng miếng trầm lắng khi doanh số mua, bán vàng giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái. Giá vàng nguyên liệu và một số loại vàng miếng thương hiệu khác SJC vẫn ở mức thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi.

Đáng chú ý, trước tính trạng giá vàng trong nước và thế giới cách nhau khoảng 2-3 triệu đồng/lượng, chuyên gia tài chính TS Nguyễn Trí Hiếu nói rằng việc đầu cơ vàng trong thời điểm này là rất rủi ro. Nguyên nhân là về lâu dài giá vàng trong nước sẽ điều chỉnh theo giá vàng thế giới, thế nên thị trường trong nước sẽ điều chỉnh giảm để cùng nhịp với giá vàng thế giới.

Ngoài ra, chênh lệch giữa giá mua và giá bán trong nước hiện rất cao, từ 1,5 - 2 triệu đồng nên rủi ro cao. Do đó, doanh nghiệp kinh doanh vàng sẽ phải mua vào với giá thấp nhưng bán ra cao, từ đó rủi ro sẽ đẩy hết về phía người mua vàng. Ông Hiếu nói rằng nếu mua vàng như một loại tài sản để tích trữ thì nên vì về lâu dài, giá vàng sẽ lên nhưng nếu “lướt sóng” đầu tư theo thời điểm thì bây giờ là thời điểm khá rủi ro.

Giá vàng tiếp tục tăng vượt ngưỡng trong lịch sử nhờ thế giới đang kỳ vọng Mỹ sẽ phê duyệt gói kích thích kinh tế mới để ngăn chặn thiệt hại về kinh tế do dịch COVID-19 gây ra. Cạnh đó, giá vàng đã được thổi bùng lên sau thông tin về vụ nổ ở Beirut, Lebanon khiến hơn 4.000 người thương vong. Đặc biệt, việc đồng đô la Mỹ suy yếu khi nền kinh tế Mỹ đang đi xuống cũng hỗ trợ đà tăng mạnh của giá vàng.

Hiện tại, vàng đang được đánh giá là nơi trú ẩn an toàn trong bối cảnh thế giới lo ngại về đại dịch COVID-19, diễn biến địa chính trị khó lường và lo ngại về lạm phát trong những tháng tới.

Phan Diệu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá vàng trong nước lập đỉnh mới, bỏ xa đà tăng của thế giới