Giá vàng nhẫn lần đầu tiên bán ra vượt 85,5 triệu đồng/lượng, trong khi chiều mua vào lên cao hơn cả giá vàng miếng SJC.
Cụ thể, Công ty SJC giao dịch vàng nhẫn mua vào 83,85 triệu đồng/lượng, bán ra 84,95 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn tại Tập đoàn Vàng bạc đá quý Doji mua vào - bán ra là 84,60 - 85,6 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với sáng 18.10. Giá vàng nhẫn tròn trơn ở Phú Quý niêm yết là 84,6 - 85,6 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). So với ngày 17.10, giá vàng nhẫn tăng gần 1 triệu đồng/lượng, còn so với cuối tuần trước, tăng trên 2 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn tròn trơn mua vào - bán ra tại Công ty TNHH Bảo Tín Minh Châu là 84,58 - 85,58 triệu đồng/lượng, tăng 600.000 đồng/lượng so với sáng 18.10.
Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận niêm yết giá vàng nhẫn giao dịch 84,4 - 85,39 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra), tăng 650.000 đồng/lượng so với sáng 18.10.
So với hôm trước, mỗi lượng vàng nhẫn đã tăng thêm hơn 1 triệu đồng. Đây cũng là mức chưa từng có của giá vàng nhẫn trong lịch sử.
Trong khi đó, giá vàng miếng SJC được niêm yết ở mức 84 - 86 triệu đồng/lượng. Giá vàng trong nước tăng mạnh trong bối cảnh giá kim loại quý thế giới đi lên.
Giá vàng trong nước nhảy vọt theo đà tăng sốc của giá vàng thế giới. Trên thị trường quốc tế, giá vàng cuối ngày (theo giờ Việt Nam) tiếp tục vượt 2.710 USD/ounce, lên tới 2.713 USD/ounce - tăng tổng cộng gần 50 USD mỗi ounce so với phiên trước. Đây cũng là mức kỷ lục của giá vàng thế giới và vượt mọi dự báo trong năm nay đối với kim loại quý này.
Theo phương án ổn định thị trường vàng miếng SJC của Ngân hàng Nhà nước, có 4 ngân hàng thương mại, gồm: Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank và Công ty vàng SJC triển khai bán vàng miếng trực tiếp cho người dân. Mới đây, BIDV đã mở rộng các điểm bán vàng miếng SJC tại Hà Nội và TP.HCM nhằm đáp ứng nhu cầu và tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng.
Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, cơ quan quản lý cần nhanh chóng sửa Nghị định 24 quy định về hoạt động kinh doanh vàng, bởi có những điểm không phù hợp với quy luật thị trường, không phù hợp thông lệ quốc tế.
Theo Ngân hàng Nhà nước, thời gian tới, cơ quan này sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đồng bộ đối với thị trường này. Cụ thể, tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo quy định để kiểm soát chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới ở mức phù hợp theo chỉ đạo của các cấp thẩm quyền; phối hợp với các bộ, ngành liên quan quyết liệt triển khai công tác thanh tra, kiểm tra đối với thị trường vàng, hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng.
Trong đó, tập trung nguồn lực để hoàn thành việc thanh tra theo Quyết định số 324 ngày 17.5 đối với 2 tổ chức tín dụng và 4 doanh nghiệp kinh doanh vàng theo đúng kế hoạch; kiên quyết đấu tranh làm rõ, xử lý và đề xuất các cấp thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các vi phạm, kể cả vi phạm pháp luật hình sự (nếu có).
“NHNN đang hoàn thiện báo cáo đề xuất sửa đổi Nghị định 24, trong đó có nội dung về quản lý sản xuất vàng miếng để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho việc quản lý hoạt động kinh doanh vàng, đảm bảo bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc quản lý thị trường vàng; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm quốc tế trong việc quản lý thị trường vàng, đặc biệt từ các quốc gia có môi trường kinh doanh, thể chế chính trị tương đồng”, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết.