Dự báo năm 2019, giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) có thể đạt mốc 6,7 tỉ USD.
Trao đổi với báo chí ngày 23.7, Ban Tổ chức Diễn đàn Mua bán – Sáp nhập doanh nghiệp (M&A Vietnam Forum 2019) cho biết tổng giá trị M&A tại Việt Nam năm 2018 đạt 7,64 tỉ USD, bằng 74,9% so với năm 2017.Tuy nhiên, nếu loại trừ đóng góp của thương vụ kỷ lục Sabeco, yếu tố gây đột biến cho hoạt động M&A tại Việt Nam năm 2017, thì giá trị M&A năm 2018 tại Việt Nam tăng 41,4%.
Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng giá trị các thương vụ M&A được công bố tại Việt Nam chỉ đạt 1,9 tỉ USD (bằng 53% cùng kỳ năm 2018, 3,55 tỉ USD). Các lĩnh vực sôi động nhất trong giai đoạn 2018-2019 tập trung vào sản xuất hàng tiêu dùng và bất động sản. Các thương vụ đáng chú ý cũng tập trung trong ngành tài chính tiêu dùng, bán lẻ, thủy sản, logistic, giáo dục…
Nổi bật trong các thương vụ là vụ thoái vốn An Quý Hưng – Vinaconex, thương vụ lớn nhất trong diện nhà nước thoái vốn và Saigon Coop – Auchan, thương vụ một doanh nghiệp Việt Nam mua lại chuỗi siêu thị do nhà đầu tư nước ngoài thoái vốn và rút khỏi thị trường Việt Nam.
Nói về những thách thức, đại diện Ban Tổ chức Diễn đàn M&A cho biết do sự thay đổi chính sách thương mại quốc tế của Mỹ, Trung Quốc. Bên cạnh đó là các trở ngại từ cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước, chất lượng doanh nghiệp và quy mô nền kinh tế chưa đủ hấp dẫn, những rào cản chính sách còn chưa được khơi thông của nền kinh tế Việt Nam.
Theo đó, tiến trình cổ phần hóa và thoái vốn trong giai đoạn 2018 và 6 tháng đầu năm 2019 dù có những nỗ lực và kết quả nhất định nhưng có dấu hiệu chững lại. Vì vậy đề xuất đưa ra là cần tháo gỡ các rào cản thì mới đạt mục tiêu và kỳ vọng của Chính phủ cũng như các nhà đầu tư.
Dự báo năm 2019, giá trị M&A có thể đạt mốc 6,7 tỉ USD, bằng 88,16% so với 2018. Trong giai đoạn trung hạn, quy mô thị trường M&A Việt Nam đã vượt qua mốc 5 tỉ USD của giai đoạn 2014-2016 để ổn định ở mốc 6 – 6,5 tỉ USD.
Tuyết Nhung