Ngành y tế TP.HCM cho phép các đơn vị tư nhân tham gia vận chuyển bệnh nhân nhưng lại chưa có một khung giá thu cụ thể khiến bệnh nhân thắc mắc, thậm chí bức xúc cho rằng bị ép giá hay giá "cắt cổ".

Giá thu vận chuyển bệnh nhân của các đơn vị tư nhân bao nhiêu là hợp lý?

Hồ Quang | 24/08/2023, 17:00

Ngành y tế TP.HCM cho phép các đơn vị tư nhân tham gia vận chuyển bệnh nhân nhưng lại chưa có một khung giá thu cụ thể khiến bệnh nhân thắc mắc, thậm chí bức xúc cho rằng bị ép giá hay giá "cắt cổ".

Phải có công thức tính rõ ràng

Hiện nay, các đơn vị công lập tham gia vận chuyển bệnh nhân đều có giá thu quy định của Nhà nước, không thể nào thu cao hơn so với quy định.

Trong khi đó, các đơn vị tư nhân tham gia vận chuyển bệnh nhân được quyền quyết định giá thu đối với dịch vụ kỹ thuật được cấp phép và thực hiện kê khai giá theo quy định với Sở Y tế. Tuy nhiên, giá thu vận chuyển bệnh nhân như thế nào là hợp lý vẫn chưa có cơ sở.

Đây chính là nguồn cơn dẫn đến những thắc mắc, thậm chí là bức xúc của người dân trong thời gian qua khi phải chi trả một mức giá mà họ gọi là quá cao hay “cắt cổ”.

gia-thu-van-chuyen-benh-nhan-cua-cac-don-vi-tu-nhan-bao-nhieu-la-hop-ly-hinh-anh(1).png
Một đơn vị tư nhân tại TP.HCM tham gia vận chuyển bệnh nhân - Ảnh: PV

Mới đây nhất, một người đàn ông ở Cà Mau tố cáo Công ty TNHH vận chuyển 115 Xuyên Việt vận chuyển người nhà ông từ Cà Mau lên TP.HCM cấp cứu với giá “cắt cổ” lên đến 16 triệu đồng.

Chia sẻ về điều này, PGS.TS Đỗ Văn Dũng – Trưởng khoa Y tế Công cộng, Trường Đại học Y dược TP.HCM cho rằng, trong lĩnh vực y tế, nếu nói về giá sẽ khác so với các ngành nghề khác. Với các ngành nghề khác thì “thuận mua vừa bán”, nhưng ở lĩnh vực y tế thì không thể như thế.

“Đối với những dịch vụ không thiết yếu, người dân có quyền suy nghĩ, có thời gian tính toán “thuận mua vừa bán” nên không thể nói là giá cao hay thấp. Còn ở lĩnh vực y tế, nhất là trong trường hợp vận chuyển bệnh nhân cấp cứu thì không còn cách lựa chọn nào khác, bởi trong tình huống khẩn cấp, dù có không đồng ý với mức giá đưa ra cũng không được. Vì thế lúc này, giá có thể hợp lý hoặc không hợp lý”, ông Dũng lý giải.

Do đó, đối với lĩnh vực y tế, ông Dũng cho rằng, cách tốt nhất Nhà nước nên cung cấp dịch vụ vận chuyển bệnh nhân và đưa ra một định mức rõ ràng. Khi đó, người dân sử dụng dịch vụ vận chuyển bệnh nhân trả đúng với mức quy định trên thì sẽ không có chuyện phản ánh giá “cắt cổ”. Nếu dịch vụ đó thu với giá cao hơn mức quy định thì người dân có quyền khiếu nại, đòi lại quyền lợi chính đáng của mình.

Trong trường hợp Nhà nước không thể cung cấp hết dịch vụ vận chuyển bệnh nhân thì nên tạo điều kiện cho các đơn vị tư nhân tham gia, nhưng mức giá đưa ra phải được công khai và có kiểm soát.

“Mức giá đó phải dựa trên một công thức tính rõ ràng, minh bạch. Công thức tính phải cụ thể thì bệnh nhân sử dụng dịch vụ vận chuyển đó sẽ không trách được. Do hiện nay, các đơn vị tư nhân tham gia vận chuyển bệnh nhân chưa có một công thức tính rõ ràng khiến người dân thắc mắc và nghĩ mức giá trên là “cắt cổ”. Thật ra, giá vận chuyển 1 bệnh nhân từ Cà Mau lên TP.HCM là 16 triệu đồng mà Công ty TNHH vận chuyển 115 Xuyên Việt thu của bệnh nhân cũng không phải là quá lớn. Có những trường hợp vận chuyển bệnh nhân gấp gáp hay trong tình huống nguy hiểm thì giá phải cao hơn nhiều”, ông Dũng chia sẻ.

Cần có một khung giá cho các đơn vị tư nhân

Theo bác sĩ Nguyễn Duy Long – Giám đốc Trung tâm cấp cứu 115 TP.HCM, Nhà nước nên có một khung giá hướng dẫn cho các đơn vị tư nhân tham gia vận chuyển bệnh nhân. Khung giá này bao gồm xăng, xe, khấu hao, lương nhân viên… nhưng phải có hướng dẫn cụ thể. Đối với doanh nghiệp khi xây dựng khung giá phải tính cả lợi nhuận, nhưng phải khống chế theo quy định.

“Chúng ta phải có khung giá cho các đơn vị tư nhân tham gia vận chuyển người bệnh, chứ không thể để mỗi nơi một kiểu sẽ không phù hợp. Quan trọng nhất là giá phải công khai để người dân có sự so sánh và đánh giá”, bác sĩ Long nói.

Liên quan đến giá thu vận chuyển bệnh nhân của các đơn vị tư nhân, Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ kiến nghị thành lập Hội đồng thẩm định các trường hợp kê khai giá cao bất thường. Hội đồng thẩm định sẽ có trách nhiệm xem xét, đề xuất và báo cáo UBND TP đối với các trường hợp này. Đề xuất UBND TP đưa nội dung kiểm tra yếu tố hình thành giá đối với giá thu dịch vụ kỹ thuật khám chữa bệnh (bao gồm giá thu vận chuyển cấp cứu) để phục vụ công tác quản lý, điều hành giá của TP.

Song song đó, Sở đang xây dựng phần mềm quản lý việc kê khai giá các dịch vụ khám, chữa bệnh. Trong thời gian tới, các cơ sở sẽ tự kê khai giá qua phần mềm. Qua đó giúp cơ quan quản lý Nhà nước kiểm soát giá một cách hiệu quả hơn, phát hiện được các trường hợp kê khai giá cao bất thường.

Sở Y tế sẽ tiếp tục kiến nghị Bộ Y tế xem xét và sớm có quy định và hướng dẫn cho 2 loại hình xe vận chuyển người bệnh gồm: vận chuyển người bệnh không cấp cứu và vận chuyển người bệnh cấp cứu.

Theo đó, các cơ sở tư nhân phù hợp hơn khi tham gia loại hình vận chuyển người bệnh (không cấp cứu), còn hệ thống các cơ sở cấp cứu công lập (Trung tâm Cấp cứu 115) và các bệnh viện (công lập và tư nhân) vận chuyển người bệnh cấp cứu

Đối với loại hình vận chuyển người bệnh không cấp cứu, xe không được trang bị còi hụ, không được gắn đèn cấp cứu, dụng cụ theo xe rất đơn giản và không có bác sĩ, chi phí vận chuyển chắc chắn sẽ thấp hơn nhiều.

Riêng loại hình vận chuyển người bệnh cấp cứu, buộc xe được trang bị còi hụ, đèn cấp cứu, trên phải đầy đủ các dụng cụ cấp cứu, từ đơn giản đến chuyên sâu và nhân viên theo xe phải là bác sĩ hoặc chuyên viên cấp cứu chuyên nghiệp, chi phí vận chuyển chắc chắn sẽ cao hơn nhiều.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá thu vận chuyển bệnh nhân của các đơn vị tư nhân bao nhiêu là hợp lý?