Sau hơn 10 ngày thực hiện quy định áp trần giá sữa bán lẻ đối với các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đến nay giá bán lẻ sữa bột cho trẻ em có giảm dao động từ 10% đến hơn 20%, tùy sản phẩm. Tuy nhiên, giá giảm rất nhỏ giọt, không đồng bộ. Điều này khá khác so với mức giảm 20-40% giá theo quy định.

Giá sữa giảm rất “nhỏ giọt” sau khi áp giá trần

Một Thế Giới | 02/07/2014, 16:56

Sau hơn 10 ngày thực hiện quy định áp trần giá sữa bán lẻ đối với các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi, đến nay giá bán lẻ sữa bột cho trẻ em có giảm dao động từ 10% đến hơn 20%, tùy sản phẩm. Tuy nhiên, giá giảm rất nhỏ giọt, không đồng bộ. Điều này khá khác so với mức giảm 20-40% giá theo quy định.

Giảm không đồng bộ
Ghi nhận tại thị trường sữa TP.HCM, phần lớn cửa hàng, đại lý và siêu thị đều đã giảm giá bán mặt hàng sữa. Tuy nhiên, số lượng sản phẩm được giảm giá còn rất hạn chế so với danh mục mà các doanh nghiệp đăng ký với cơ quan quản lý giá. 
Chưa kể, biên độ giảm giá sản phẩm mỗi nơi mỗi khác, thậm chí có đại lý, cửa hàng bán lẻ chưa thực hiện theo giá bán mới.
Chiều ngày 1.7, có mặt ở một số cửa hàng bán sữa trên các đường Nguyễn Thông (Q.3), Hai Bà Trưng (Q.1), Lý Thường Kiệt (Q.Tân Bình), Quốc lộ 13 (Q.Thủ Đức), các mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi phần lớn đều giảm giá bán lẻ, từ 10.000 đồng đến 100.000 đồng/hộp.
Chị Nguyễn Thanh Vân, ngụ đường Cách Mạng Tháng Tám (Q.3) chia sẻ: “Con nhà tôi đang dùng sữa cho trẻ biếng ăn, trước tôi vẫn mua 366.000 đồng giờ chỉ còn 303.000 đồng thôi”.
Cũng đi mua sữa cho con, anh Nguyễn Thành Công (quận Thủ Đức) tâm sự: “Con trai tôi đang dùng sữa Similac 2 loại 900 gam. Tôi thường mua với giá 554.000 đồng/hộp ở siêu thị CoopMart Bình Triệu nhưng giờ tiện đường đi làm về ghé qua đại lý sữa Kim Hồng (Xô Viết Nghệ Tĩnh, Bình Thạnh) mua chỉ 500.000 đồng/hộp/900 gam, tiết kiệm được 54.000 đồng".
Tuy nhiên, một số sản phẩm sữa Abbott, sau khi tính theo giá trần của Bộ Tài chính, không những không giảm giá mà còn cao hơn mức giá các cửa hàng bán lẻ đang áp dụng cho người tiêu dùng. 
Chẳng hạn, với sản phẩm Abbott Grow 3 dành cho trẻ trên 1 tuổi, các cửa hàng đang bán lẻ giá 295.000 đồng/hộp 900g. Đối chiếu với mức giá trần bán buôn Bộ Tài chính áp cho mặt hàng này 258.000 đồng/hộp thì giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng (được phép tăng tối đa 15%) là 296.700 đồng/hộp, tức chênh gần 2.000 đồng so với giá bán ngoài thị trường.
Theo chị Thanh - chủ một đại lý sữa trên đường Nguyễn Thông cho biết: “Bên cạnh những mặt hàng sữa đã giảm giá vẫn có một số loại sữa không giảm giá. Điển hình như một số dòng sữa của NutiFood hoặc sản phẩm Optimum 123 dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Vinamilk không giảm giá theo quy định áp giá trần của Bộ Tài chính”.
Nhiều người tiêu dùng bức xúc trước việc giá sữa bán lẻ chưa giảm đồng bộ sau quyết định áp giá trần của Bộ Tài chính. Anh Phạm Đình Dũng (ngụ đường Hoàng Hoa Thám, Q. Tân Bình) bức xúc: “Việc áp trần giá sữa dường như chỉ mang tính chất áp đặt, có hãng giảm giá sản phẩm nằm trong diện bị áp giá trần nhưng lại tăng giá các dòng sản phẩm khác”.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: Những gì đang diễn ra trên thị trường sữa cho thấy việc áp trần giá chỉ được đại lý sữa, doanh nghiệp (DN) thực hiện một cách đối phó, giảm rất nhỏ giọt. Khả năng duy trì ổn định là rất khó.
Tung chiêu “né luật”
Để “né” quy định áp trần giá sữa bán lẻ cho trẻ dưới 6 tuổi của Bộ Tài Chính, có DN sữa ngoại còn lách luật bằng cách giảm trọng lượng hộp 900g nay còn 850g.
Chẳng hạn, nhãn sữa Pediasure của Abbott loại 900g giá 580.000 đồng, mức giá này sau khi áp giá trần vẫn giữ nguyên nhưng trọng lượng hộp chỉ còn 850g. Hãng Mead Johnson cũng mới đưa ra thị trường sản phẩm mới Enfamil A+ 360 độ Grain Plus thay dòng Enfamil A+ cũ và Enfa Grow A+ 360 độ Brain Plus thay mẫu Enfa Grow A+.
DN nước ngoài còn có nhiều hình thức lách giá trần khác là rút dần những mặt hàng đang trong diện bị áp giá trần khỏi thị trường, đồng thời đưa các sản phẩm thay thế chưa bị áp giá trần vào. 
Cụ thể, các sản phẩm của Mead Johnson như Enfamil A+1,2 và Enfagrow A+3 sẽ được thay thế dần bằng các sản phẩm Enfamil A+1 360* Brain Plus và Enfagrow A+2 360* Brain Plus… Các sản phẩm mới đều có giá bán cao hơn sản phẩm cũ khoảng 50.000 đồng/lon 900g.
Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Tài Chính sẽ xử lý mạnh tay những DN cố tình lách luật bằng cách thay đổi trọng lượng, mẫu mã, thành phần chất dinh dưỡng sản phẩm sữa để bán với giá cũ hoặc nâng giá cao hơn.
Tuy nhiên, việc giám sát kiểm tra, xử lý các đại lý, DN cố tình lách luật hiện khá chậm trễ nên người tiêu dùng vẫn chưa mua được sữa giá rẻ như chính sách tích cực mà Nhà nước đưa ra.
Thúy Liễu

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
10 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Giá sữa giảm rất “nhỏ giọt” sau khi áp giá trần