Ngay sau khi biết cầu Ghềnh bị sập, ông Huỳnh Ngọc Sơn nhanh chóng lao về phía nhân viên gác chắn để thông báo. Chính những thông tin kịp thời này đã cứu đoàn tàu không bị lao thẳng xuống sông Đồng Nai.
Sau cú va mạnh từ chiếc sà lan, cầu Ghềnh bị sập khiến không ít người và xe đang lưu thông trên cầu bị rớt xuống sông. Tuy nhiên, đó chưa phải là thảm họa kinh hòang nhất trong vụ tai nạn này nếu đoàn tàu đang lao tới không được chặn lại kịp thời.
Trưa ngày 20.3, thời điểm xảy ra vụ tai nạn làm sập cầu Ghềnh cũng là lúc có một đoàn tàu xuất phát từ ga Sóng Thần mang số hiệu 2542 đang lao đến. Vì tình thế cấp bách nên ông Huỳnh Ngọc Sơn (53 tuổi, ngụ TP. Biên Hòa, Đồng Nai) đã vừa chạy, vừa la để báo hiệu cho mọi người biết.
Ngay sau khi nhận được tín hiệu của ông, các nhân viên gác đã tiến hành các biện pháp thông báo khẩn để báo hiệu cho đoàn tàu được biết.
Khi đoàn tàu 2542 ngừng lại thì khoảng cách với chiếc cầu đã bị sập chỉ còn hơn 150m. Đoàn tàu này di chuyển với vận tốc hơn 40km/h. Tức là, với khoảng cách nói trên thì chỉ thông báo trễ hơn 6 giây thì thảm họa đã xảy ra.
Thật không ai tưởng tượng nổi viễn cảnh cả đoàn tàu này lao xuống sông. Khi đó, ngoài thiệt hại về tài sản, thiệt hại về sinh mạng thật khó tưởng tượng .
|
Ông Huỳnh Ngọc Sơn kể lại hành động của mình - Ảnh: Hồ Đông |
Khi được hỏi về việc đã được cơ quan ban ngành nào khen, thưởng chưa, ông Sơn trả lời rất mộc mạc: “Khen thưởng gì chú, đó là việc ai cũng sẽ làm trong hoàn cảnh đó chứ chẳng riêng gì tôi. Khen thưởng không quan trọng, cái quan trọng là đã ngăn chặn được vụ tai nạn thảm khốc đoàn tàu lao xuống sông”.
Trước đó ba nhân viên trạm gác chắn tàu Bửu Hòa đã được Công đoàn Tổng công ty đường sắt Việt Nam khen thưởng.
Trong diễn biến liên quan, sau nhiều ngày dò tìm để xác định vị trí dầm cầu Ghềnh bị chìm dưới sông, đến chiều 22.3 vị trí đã được xác định cụ thể. Tàu bè qua khu vực này cũng đã được lưu thông vào sáng 23.3; ngay sau đó đã có hàng trăm tàu, sà lan cỡ lớn đi qua. Các phương tiện lưu thông một chiều theo hướng Cát Lái (Nhơn Trạch, Đồng Nai) lên TP.Biên Hòa.
Ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, kinh phí xây dựng cầu có thể mất khoảng 250-300 tỉ đồng. Trong khi đó, chi phí trục vớt các hạng mục cầu bị chìm được một nhà thầu đưa ra con số ước lượng hơn 12 tỉ đồng. Dự kiến việc trục vớt hai dầm cầu này sẽ được hoàn thành trước tháng 4.2016.
|
Ông Ba Sơn hoài niệm về cây cầu Ghềnh - Ảnh: Hồ Đông |
Cầu Ghềnh được xem là nơi lưu giữ nhiều hoài niệm, thậm chí là “chứng nhân lịch sử” trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ. Với nhiều người dân sống quanh khu vực cầu Ghềnh, đây được xem là một biểu tượng của làng quê từ xưa cũ đến nay.Ông Nguyễn Thanh Sơn (SN1933), từng hoạt động cách mạng tại địa phương này, tỏ ra tiếc nuối:
“Ngày còn đi kháng chiến tôi hay đi qua lại khu vực có chiếc cầu Ghềnh này. Với tôi nó gắn bó với nhiều sự kiện lịch sử, nó còn là con đường giao thông huyết mạch từ lúc được xây dựng cho đến bây giờ” - ông Ba Sơn nói.
Có lẽ không còn lâu nữa chiếc cầu Ghềnh này chẳng còn tồn tại nữa, nó chỉ còn trong tâm thức của những người hoài niệm, bởi theo bộ GTVT phương án khả thi nhất là xây cầu mới.
Hồ Đông