Đêm xuống, sau khi chờ cha đi ngủ, đứa bé mới trốn cha đi học hát. Người chị cột sợi dây ở ngón tay, đầu dây kia móc ở ngách cửa, lơ mơ ngủ. Khuya, cô em gái về, khẽ giật sợi dây, cánh cửa được hé ra, một bóng nhỏ loắt choắt nhanh nhẹn len vào trong, bóng đêm im lìm phủ lấy ngôi nhà, không một ai hay biết. Khán giả bức xúc vì BTV đọc nhầm cố nghệ sĩ Thanh Nga tự sát

Gặp lại nữ ca sĩ được vua Bảo Đại 'hâm mộ' đặc biệt

Một Thế Giới | 01/02/2015, 10:00

Đêm xuống, sau khi chờ cha đi ngủ, đứa bé mới trốn cha đi học hát. Người chị cột sợi dây ở ngón tay, đầu dây kia móc ở ngách cửa, lơ mơ ngủ. Khuya, cô em gái về, khẽ giật sợi dây, cánh cửa được hé ra, một bóng nhỏ loắt choắt nhanh nhẹn len vào trong, bóng đêm im lìm phủ lấy ngôi nhà, không một ai hay biết. Khán giả bức xúc vì BTV đọc nhầm cố nghệ sĩ Thanh Nga tự sát

Gian nan học nghề

Trong căn nhà nhỏ nằm sâu trong con hẻm đường Nhật Lệ (TP.Huế, tinh Thừa - Thiên - Huế), nghệ nhân Minh Mẫn đang nằm trên giường bệnh, một chân bị bó bột. Ở tuổi 90, cơ thể mang nhiều bệnh tật của tuổi già, nhưng nhắc đến nghề, khuôn mặt bà bỗng rạng rỡ hẳn, ánh mắt hằn lên những tia lấp lánh. Kể về những truân chuyên sóng gió của nghiệp cầm ca, người nghệ sĩ cho biết, ngoài những kỳ thị của xã hội thời bấy giờ, con đường ca hát của bà còn ướt đẫm mồ hôi và nước mắt, và có cả những đòn roi của những ngày trốn cha đi học hát.

Sinh ra trong một gia đình buôn bán ở chợ Sịa, mới 13, 14 tuổi, cô bé Minh Mẫn đã theo cha và các chị tập tành buôn bán. Cô bé Mẫn sớm trở thành cô hàng xén duyên dáng, buôn bán đủ các mặt hàng. Khi theo các thuyền đò buôn chiếu, chén từ Bao Vinh lên Huế. 
Khi lại mua om, trách từ Phù Trạch lên trung tâm để bán kiếm lời. Từ những chuyến đò xuôi ngược ấy, cô bé Mẫn có cơ hội được nghe những giai điệu ngọt ngào, thanh cao của các làn điệu ca Huế xưa như kim tiền, cổ bản, nam xuân, ngũ đối . Thứ âm nhạc ấy không biết từ lúc nào đã ngấm sâu vào máu thịt của đứa trẻ khiến cô bé Mẫn cứ đắm đuối chạy theo tiếng đàn, tiếng phách cùa các điệu ca cổ.
Bao Dai, nghe si Minh Man
 
Khuôn mặt nhăn nheo in hằn dấu vết thời gian, làn da chỉ chít đồi mồi, nhưng đôi môi vẫn còn đỏ thắm, bà Minh Mẫn hồ hởi kể chuyện xưa, giọng bỏm bẻm như đang nhai trầu: "Mệ đi học hát từ hồi 13 tuổi. Cha mẹ rất kiên định với lễ giáo phong kiến, luôn cho rằng "xướng ca vô loài", nên cấm cửa. Mệ phải lách cửa trước, lén cửa sau mới trốn được ra ngoài đi học hát".
Lớp học hát chỉ diễn ra ban đêm, cô bé Mẫn phải tìm đủ mọi cách ra khỏi nhà mà không bị cha phát hiện. Buổi tối, cơm nước xong xuôi, Mẫn nhanh chóng vào giường đắp chăn đi ngủ sớm. Tầm 7h, nghe tiếng ngáy của cha vang đều đều ở nhà trên, cô bé vội vã trở dậy, lao ra khỏi nhà, hòa mình trong bóng đêm tĩnh mịch của làng quê.
Thương cô em gái mê hát, người chị "dung túng" để cô em theo nghiệp đờn ca. Sau khi Mẫn trốn được ra ngoài đi học hát, cô chị cột sợi dây ở ngón tay, đầu dây kia lèn qua song cửa. Tan học trở về, Mẫn cầm sợi dây giật khe khẽ, người chị trở dậy, mở cửa cho cô em vào nhà. Nhờ sự che chở của chị gái, suốt mấy năm trời theo học hát, cha của cô bé Mẩn vẫn không hề hay biết.
Gap lai nu ca si duoc vua Bao Dai “ham mo” dac biet-hinh-anh-1
Ở tuổi 90 nhưng nghệ sĩ Minh Mẫn đều đặn đến Câu lạc bộ Ca Huế sinh hoạt cùng mọi người.
Bà Minh Mẫn cho biết, ngày ấy người dân vẫn lưu truyền câu nói "nhất Huế, nhì Sịa", để chỉ sự phồn vinh của hai vùng đất. Ngoài Huế, Sịa được xem là kinh đô của ca Huế. Theo học các thầy ở trường làng, Minh Mẫn được thầy Cửu Song dạy đàn nguyệt, thầy Thông Đình dạy ca và đàn tranh, thầy văn Thuyền dạy đàn bầu.
Nhờ tư chất thông minh, lanh lợi cùng sự đam mê, ham học hỏi, nên mới ngày đầu nhập môn, Mẫn đã được các thầy hết sức khen ngợi, cố gắng truyền dạy hết các "tuyệt kỷ" của nghề, với có giọng ca trời phú, chất giọng vừa khỏe khoắn, trong trẻo, khiến Minh Mẫn dễ dàng thổi tâm hồn Huế vào trong các làn điệu, lời ca. Thiên nhiên, con người như hòa quyện làm một khi ca nữ cất tiếng hát làm đắm say lòng người mộ điệu.
Sau một thời gian theo các thầy học hát ở quê theo kiểu truyền khẩu, dù không được đào tạo bài bản, nhưng cô bé Mẫn nhanh chóng trở thành giọng ca "đỉnh" ở làng.
"Mấy ông Lý trong vùng rất thích nghe bé Mẫn ca", bà Minh Mẫn nói bằng giọng đầy tự hào. Ở làng có việc gì, các ông đều mời bé Mẫn đến hát. Tiền thù lao kiếm được, Mẫn cất kỹ trong hộc tủ, chỉ khi nào thật thèm ăn bánh, mới lén lấy một tờ chạy ra quán mua hàng. Biết cha Mẫn cấm con theo nghiệp đờn ca hát xướng, mấy ông Lý còn chu đáo dặn tất cả những người dân địa phương, ra chợ không được xôn xao bàn tán. Sợ cha Mẫn biết được, không những cô bé no đòn, sau này còn không được đi hát. Mấy ông còn "hăm", người dân nào dám "hé răng", để chuyện đến tai cha Mẫn sẽ bị xử phạt nặng.

Thành danh

Năm 18 tuổi, nhờ sự dìu dắt của các thầy cô và các danh ca đi trước, cô hàng xén Minh Mẫn bắt đầu đi ca trên đò dọc sông Hương. Ngày ấy, ca Huế trên sông Hương chưa nhiều như bây giờ, chỉ có hai đò ở Đập Đá, hai đò ở sông Hương. Bốn giọng ca lừng lẫy "đậu" ở bốn đò gồm Minh Điền, Bích Liễu, cô Năng và Minh Mẫn.
Lần đầu nghe giọng Minh Mẫn vọng ra từ thuyền, những chiếc thuyền khác vội vã chèo đến để nghe. Ai cũng ngơ ngẩn, họ luôn miệng hỏi nhau, "giọng của ai mà nghe hay ghê rứa hè", mãi sau này mới có lời giải đáp. Còn nghệ sĩ đàn chị Minh Điền thì hết lời khen ngợi, "nhà quê mà răng ca giỏi rứa hè. Tau chịu rồi đó". Những lúc tiếng đàn bầu, đàn tranh vang lên, hòa trong tiếng sanh tiền quấn quýt cùng giọng ca trữ tình của Minh Mẫn khiến người nghe như chìm đắm trong những điệu hò man mác. Tâm hồn người nghe như mềm ra, trôi theo dòng chảy ký ức về với tuổi thơ ngọt ngào, diệu vợi.
Hồi ấy, lịch biểu diễn ca Huế trên sông Hương, một tuần chỉ diễn ra vài đêm. Người nghe ca Huế là những tao nhân mặc khách, các chức sắc. Họ đến với ca Huế bằng sự đắm say của dòng nhạc cổ. Những hôm có lịch biểu diễn, Minh Mẫn nói dối với cha do lấy hàng muộn phải ở lại trên Huế, sáng sớm ngày mai mới trở về. Quần áo biểu diễn, Mẫn đều gửi ở nhà bạn. Vì thế, khi giọng ca của Minh Mẫn làm mưa làm gió trên sông Hương, người cha vẫn không hề hay biết.
Lúc giọng Minh Mẫn được yêu thích, bà vinh dự được mời ca trên đài. Cha Minh Mẫn vốn mê ca Huế nên chưa từng bỏ bất cứ buổi phát sóng nào. Lần đầu nghe giọng ca thánh thót của ca sĩ Minh Mẫn qua đài phát thanh, người cha cứ đi vào đi ra, miệng không ngừng xuýt xoa, "Minh Mẫn là ai mà ca hay quá chừng". Ông cụ không ngờ, giọng ca mà ông ngưỡng mộ, lại chính là cô con gái thứ 4 bé bỏng của mình.

Dù giọng ca Minh Mẫn đã nổi tiếng gần xa, nhưng trong nhà, Minh Mẫn vẫn giấu kín. Phải đến khi ông Kim Sanh đến nhà, yêu cầu cho Minh Mẫn gia nhập đoàn hát, cha bà mới ngã ngửa. Thứ nhất vì sợ lệnh quan trên, thứ hai là vinh dự được gia nhập đoàn hát cung đình, cha bà Mẫn răm rắp nghe theo, không một lời phản đối, còn hối thúc con gái khăn gói lên kinh. Lúc này Minh Mẫn mới vào nhà trong, ôm một đống tiền ra đổ trên sàn nhà, mặt tươi như hoa "đây là tiền đi hát của con lâu nay", khiến người cha mắt tròn mắt dẹt.

Những ngày gia nhập đoàn hát Kim Sanh, Minh Mẫn vinh dự được biểu diễn riêng cho vua Bảo Đại nghe. Bà kể, mỗi tuần, vua Bảo Đại giong xe ra Ngự Viên hai lần để dùng cơm trưa. Sau bữa trưa, Minh Mẫn được điều đến để biểu diễn.
"Đồng ấu của Ngài nhiều lắm, nhưng Ngài không thích. Mệ hát xong thì Ngài đưa tay ngoắc đến gần, vừa xoa đầu mệ ngài vừa nói con giỏi lắm". Giọng của ngài nhẹ bổng, ấm áp, người nghệ nhân già trầm ngâm kể lại hai năm vàng son.
Thời hoàng kim, ngoài vinh dự được biểu diễn cho vị vua cuối cùng của triều Nguyễn, nghệ nhân Minh Mẫn còn là giọng ca ruột của bà Từ Cung Hoàng Thái Hậu. Cũng như vua Bảo Đại, mỗi lần muốn nghe hát, bà Từ Cung lại ngự giá đến Ngự Viên, gọi Minh Mẫn ra hầu hát.
Khi chuyển về sống ở Cung An Định, bà Từ Cung vẫn không bỏ thói quen. Một tháng, Minh Mẫn được triệu vào vài lần.
"Mỗi lần vào Cung An Định, Thái hậu lại bước đến cầm tay tui rồi day day mà nói, "con đến rồi à". Sau đó dẫn tui đến ngồi ở ghế, kêu người mang đàn đến. Thợ Thiết đàn, còn tui hát. Bà Từ Cung thích nhất là điệu Ngũ Đối", nghệ nhân Minh Mẫn kể, ánh mắt mơ màng khi nhắc đến chuyện cũ.
Nghe bà hát xong, Thái hậu lại lần tay xuống túi áo, rút ra một tờ tiền ban thưởng. Cuộc sống không còn phồn hoa như xưa, Thái hậu lúc này cũng sống kham khổ như những người dân bình thường, vì thế, bà nhất định từ chối, không nhận tiền. Sau ngày bà Từ cung lìa trần, bà Minh Mẫn cũng không còn quay lại Cung An Định.

Nghệ sĩ Minh Mẫn tên thật là Nguyễn Thị Mẫn, SN 1925, quê ở Chánh Lộc, Phong Điền. Thừa Thiên Huế. Bà là một trong những nghệ nhân "vàng"  còn lại của làng ca cổ Huế. Chồng bà là cố nghệ sĩ Cao Hữu On - một người chơi đàn tài hoa, luôn ủng hộ bà đi theo con đường ca hát.
Năm 2014, bà được tỉnh Thừa Thiên - Huế tặng bằng khen vì “đã có nhiều đóng góp trong giữ gìn và phát huy giá trị ca Huế, góp phần vào sự nghiệp bảo tồn và phát triển văn hóa nghệ thuật Thừa Thiên Huế được tôn vinh tại Festival Huế lần thứ VIII - 2014”.
Hiện tại, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh đang làm hồ sơ  để xin công nhận nghệ sĩ Minh Mẫn là nghệ sĩ ưu tú.

Theo Hà Lê (Xa lộ Pháp luật)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gặp lại nữ ca sĩ được vua Bảo Đại 'hâm mộ' đặc biệt