Bộ TT-TT vừa ban hành Báo cáo xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu kép là gắn phát triển Chính phủ số với phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Gắn phát triển Chính phủ số với việc đẩy mạnh các doanh nghiệp công nghệ số

03/06/2020, 14:18

Bộ TT-TT vừa ban hành Báo cáo xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về xây dựng, phát triển Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Mục tiêu kép là gắn phát triển Chính phủ số với phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam.

Ảnh: Internet

Giảm bớt thủ tục hành chính

Việt Nam xác định việc xây dựng, phát triển Chính phủ số gắn kết chặt chẽ với chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh, đảm bảo an toàn, an ninh mạng và chủ quyền số quốc gia. Theo đó, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; minh bạch hóa, tăng cường sự tham gia của các doanh nghiệp, người dân vào hoạt động của cơ quan nhà nước. Giảm bớt các thủ tục hành chính, thay đổi nhận thức từ nền hành chính công “một cửa cố định” đến “một cửa bất kỳ” hay “không cửa”…

Mục tiêu kép là gắn phát triển Chính phủ số với phát triển các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam. Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam làm chủ các công nghệ lõi, làm chủ các nền tảng mở phục vụ Chính phủ số và có thể tham gia quá trình cung cấp dịch vụ hành chính công.

Theo Bộ TT-TT, Chính phủ số là trụ cột trong mô hình phát triển kinh tế - xã hội, gắn kết Chính phủ số với kinh tế số, xã hội số, giúp Chính phủ có năng lực phục vụ và kiến tạo tới mức độ cá thể hóa theo nhu cầu của người dùng và doanh nghiệp, dựa trên phân tích dữ liệu để đổi mới quản trị hành chính công.

Mục tiêu đến năm 2025, các chỉ tiêu cần đạt được gồm 80% người dân và doanh nghiệp hài lòng với dịch vụ số của Chính phủ. 100% dịch vụ công trực tuyến có chức năng định danh, xác thực một lần và thanh toán số; cho phép thực hiện các thủ tục hành chính từ đầu đến cuối trên môi trường mạng (ngoại trừ những dịch vụ yêu cầu sự hiện diện bắt buộc theo quy định của pháp luật)…

70% dịch vụ hành chính công trực tuyến phát hồ sơ; 60% hồ sơ thủ tục hành chính được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng. Đặc biệt, đến năm 2025, 100% cơ sở dữ liệu quốc gia tạo nền tảng phát triển Chính phủ số, bao gồm các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, đăng ký doanh nghiệp, tài chính, bảo hiểm được hoàn thành về kết nối, chia sẻ trên toàn quốc… Việt Nam phải thuộc nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Lọt top 50 nước dẫn đầu về EGDI

Với tầm nhìn xa, theo Bộ TT-TT, mục tiêu đến năm 2030, Chính phủ số với mô hình nhiều thành phần, nhiều kênh cung cấp các dịch vụ số mới cho người dân và doanh nghiệp dựa trên nền tảng hệ sinh thái cung cấp dịch vụ. Theo đó, các chỉ tiêu quan trọng cần đạt được bao gồm 90% người dân, doanh nghiệp hài lòng với các dịch vụ số của Chính phủ; dịch vụ số được thiết kế tùy biến, cá nhân hóa, tối ưu hóa trải nghiệm, tiện lợi cho người dùng…

Hình thành nền tảng dữ liệu cho các ngành kinh tế trọng điểm dựa trên dữ liệu của các cơ quan nhà nước và hạ tầng kết nối internet vạn vật (IoT), kết nối, chia sẻ rộng khắp giữa các cơ quan nhà nước. Giảm 30% thủ tục hành chính, tăng 30% dịch vụ sáng tạo dựa trên dữ liệu phục vụ người dân, doanh nghiệp; 70% hoạt động kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước được thực hiện qua môi trường số và hệ thống thông tin của cơ quan quản lý. Đặc biệt, đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử (EGDI).

Để hoàn thành những mục tiêu trên, Bộ TT-TT nêu rõ Việt Nam cần thực hiện các nhiệm vụ, trong đó có việc hoàn thiện môi trường pháp lý cho Chính phủ số; phát triển hạ tầng CNTT và các nền tảng dùng chung quy mô quốc gia cho Chính phủ số Việt Nam; phát triển các ứng dụng, dịch vụ quốc gia…

Để tạo điều kiện triển khai các nhiệm vụ phát triển Chính phủ số, Việt Nam cần triển khai các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực, trong đó chú trọng đào tạo, nâng cao nhận thức cho các cán bộ lãnh đạo cơ quan nhà nước, tổ chức đào tạo đội ngũ chuyên gia về Chính phủ số nhằm tạo lực lượng nòng cốt… Phát triển các nền tảng đào tạo trực tuyến về Chính phủ số cho mọi đối tượng; xây dựng hệ thống thao trường mạng và thường xuyên tổ chức huấn luyện, diễn tập đảm bảo an toàn, an ninh mạng cho Chính phủ số.

Bên cạnh đó, Bộ TT-TT đề xuất việc đẩy mạnh công tác truyền thông, xây dựng bộ chỉ số đo lường triển khai Chính phủ số và bộ công cụ giám sát, đánh giá; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, làm chủ công nghệ triển khai Chính phủ số, thúc đẩy ứng dụng và phát triển mã nguồn mở…

Thu Anh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Gắn phát triển Chính phủ số với việc đẩy mạnh các doanh nghiệp công nghệ số