Bộ Tư pháp Mỹ cho biết FBI vừa bắt một cựu đặc vụ CIA trở thành “chuột” của tình báo Trung Quốc, giúp nước này bắt hoặc giết người của CIA hoạt động ngầm ở Trung Quốc.
Những vụ tố giác của “con chuột” này đã làm sập mạng lưới tình báo của Mỹ ở Trung Quốc. Đây là một trong những thất bại tình báo nghiêm trọng nhất của chính phủ Mỹ trong những năm gần đây.
Cựu đặc vụ CIA phản bội bằng những cuốn sổ tay
Ngày 16.1, Jerry Chun Shing Lee, một công dân Mỹ 53 tuổi sống ở Hồng Kông bị buộc tội tàng trữ bí mật quốc gia, và bị nghi phạm một tội nặng hơn: phản bội các “chỉ điểm” của Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA), theo các nguồn tin biết vụ việc cho NBC News biết.
Cáo trạng trình tòa ngày 16.1 cho biết: Lee bị bắt đêm 15.1, sau khi đáp chuyến bay Cathay Pacific từ Hồng Kông đến New York. Lee bị buộc tội tàng trữ thông tin quốc phòng Mỹ, dựa trên cuộc khám xét và phát hiện ông ta sở hữu hai cuốn sổ tay chứa tên thật của người của CIA và địa chỉ các cơ sở ngầm, vốn là những bí mật của CIA được giữ kín nhất.
CIA từ chối bình luận về vụ bắt Lee. Các nguồn tin của NBC News nói Lee là đối tượng của một cuộc điều tra phản gián cực kỳ bí mật, gồm việc khám xét phòng khách sạn của ông ta ở Hawaii và ở bang Virginia hồi năm 2012, khi ông ta về Mỹ sống với gia đình ở Virginia.
Cáo trạng trình tòa ngày 16.1 viết: “Việc xem xét các ảnh chụp cuộc khám xét ngày 13.8.2012 ở Hawaii và cuộc khám xét ở Virginia ngày 15.8.2012 cho thấy trong thời gian đối tượng lưu trú, Lee sở hữu hai sổ tay nhỏ chứa thông tin mật, gồm sổ lịch có thông tin viết tay, kể chi tiết về những cuộc họp của “cộng tác viên” với các nhân viên chìm, địa điểm gặp, số điện thoại, tên thật của những cộng tác viên và cơ sở ngầm, còn sổ địa chỉ có tên thật, số điện thoại của các cộng tác viên và nhân viên CIA chìm, cùng địa chỉ của các cơ sở ngầm của CIA ”.
Ngành công tố nói các thông tin trong hai sổ tay này cũng giống các thông tin mật mà Lee từng viết khi còn là người của CIA. Theo cáo trạng, Lee từng đi lính bộ binh Mỹ từ năm 1982 đến 1986, trở thành đặc vụ thực địa CIA từ năm 1994 cho đến năm 2007 thì nghỉ, đến Hồng Kông định cư và làm việc cho một công ty đấu giá nổi tiếng.
Một số cựu quan chức nói Lee cũng từng hoạt động cho CIA ở Trung Quốc. Người quen ông ta nói Lee bất mãn vì sự nghiệp không thăng tiến nên rời bỏ CIA.
Các nguồn tin còn nói Lee bị nghi cung cấp thông tin mật cho Trung Quốc, dẫn đến việc khoảng 20 đặc vụ Mỹ bị Trung Quốc bỏ tù hoặc bị giết.
Năm 2017, báo New York Times (NYT) đưa tin chính phủ Trung Quốc lần lượt phá nhiều hoạt động tình báo của CIA ở Trung Quốc, bắt đầu từ năm 2010, khiến hơn 10 người của CIA bị giết và 6 người khác bị bỏ tù.
Vụ truy diệt này kéo dài 2 năm, và làm tê liệt mạng lưới thu thập tình báo của Mỹ trong những năm sau đó.
Các quan chức CIA và FBI bị bẽ mặt, khi lần lượt những đặc vụ giỏi nhất của họ ở Trung Quốc đều bị tù hoặc bị án tử hình. Đấy là thảm họa tình báo nghiêm trọng nhất từ sau những năm 1990, khi cựu đặc vụ CIA Aldrich Ames và cựu đặc vụ FBI Robert Hanssen tuồn tin mật cho Nga suốt nhiều năm, dẫn đến cái chết của nhiều đặc vụ. Hai người này đều đang thụ án tù chung thân ở các nhà tù liên bang Mỹ.
FBI từng để sổng “chuột” của tình báo Trung Quốc?
Từ đó, Cục điều tra liên bang (FBI) lập tổ điều tra đặc nhiệm, nghi ngờ có “chuột” xâm nhập vào CIA, rồi họ bắt đầu chú ý Lee, theo các nguồn tin của NBC News.
Không rõ tại sao FBI không bắt ngay Lee sau khi phát hiện hai cuốn sổ này. FBI từ chối bình luận. Cũng chưa rõ FBI làm cách nào “lùa” được Lee về Mỹ hôm 15.1, nhưng các quan chức nói đã có nhiều nỗ lực buộc tội Lee, và đã có ít nhất một cuộc thẩm vấn, qua đó Lee phủ nhận mình là điệp viên của Trung Quốc.
Các cựu quan chức tình báo nói họ bị bất ngờ, với việc Lee từng trở lại Mỹ năm 2012, dù ông ta biết rõ có thể bị FBI điều tra. Các chi tiết về việc FBI dụ Lee về Mỹ được giữ kín, nhưng các cựu quan chức nói ông ta trở về, vì được hứa ký hợp đồng với CIA. Nhiều cựu đặc vụ từng nghỉ rồi quay lại làm việc theo hợp đồng.
Ngành công tố nói trước và sau khi Lee cùng gia đình trở về Mỹ năm 2012, Lee có gặp một số cựu đồng nghiệp CIA và các nhân viên chính phủ Mỹ.
NYT đưa tin sau 5 lần FBI thẩm vấn Lee trong tháng 6.2013, Lee quay lại Hồng Kông. Chính quyền nói ông ta không hề tiết lộ hai cuốn sổ với các nhà điều tra.
Mỹ sẽ xử tử hình “chuột” của tình báo Trung Quốc
Các quan chức biết chuyện nói: khó có chuyện Lee bị buộc tội hoạt động tình báo cho Trung Quốc, là tội có thể bị tuyên án tử hình. Có lẽ vì chính phủ Mỹ không có đủ bằng chứng buộc tội, hoặc vì không muốn để lộ bí mật tại một phiên tòa mở.
Một số điều tra viên cho rằng Trung Quốc đã xâm nhập những cuộc liên lạc ngầm giữa CIA với các “chỉ điểm” ở Trung Quốc. Một nguồn tin nói có khả năng xâm nhập mạng này, nhưng cũng rõ ràng là Lee “xì” bí mật CIA cho Trung Quốc.
Các quan chức cũng lo ngại vụ Lee cùng ít nhất một vụ khác cho thấy tình báo Trung Quốc nhắm vào những cựu đặc vụ CIA, một việc dễ hơn là tuyển chọn các đương kim đặc vụ CIA.
Hồi tháng 6.2017, Kevin Patrick Mallory là một cựu quan chức CIA bị buộc tội cung cấp thông tin mật cho Trung Quốc và khai man. Ngành công tố nói Mallory, 60 tuổi, tàng trữ những tài liệu tuyệt mật và ông ta đem một máy liên lạc từ Thượng Hải trở về Mỹ.
Hồi tháng 3.2017, ngành công tố Mỹ cũng cho biết đã bắt một nữ nhân viên thâm niên của Bộ Ngoại giao Mỹ: bà Candace Marie Claiborne bị cáo buộc khai man với các nhà điều tra, về mối quan hệ của bà với các quan chức Trung Quốc.
Theo cáo trạng chống lại bà Claiborne, điệp viên Trung Quốc đã chuyển tiền mặt vào tài khoản ngân hàng của bà, và tặng bà nhiều món quà trị giá hàng ngàn USD.
Trung Trực (theo New York Times, NBC News)