Ngày 22.1 Facebook đã thừa nhận rằng mạng xã hội này có mặt trái gây ra mối đe dọa tiềm ẩn với nền dân chủ và cam kết sẽ giải quyết vấn đề này trong thời gian tới chuyển mình theo hướng đi "đúng".
Tuyên bố nói trên được Samidh Chakrabarti, người đứng đầu bộ phận quản lý sản phẩm của Facebook đưa ra sau hàng loạt chỉ trích nặng chống lại mạng xã hội lớn nhất hành tinh vì tràn lan tin giả, nhất là trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ hồi năm 2016.
Chakrabarti cho hay ông tin là "những thiệt hại mà mạng xã hội gây ra có thể khiến nền dân chủ bị tổn hại" và rằng ông ước là ông có thể đảm bảo những mặt tích cực trên Facebook sẽ lấn át được các mặt tiêu cực nhưng trên thực tế ông không thể đảm bảo điều này.
"Năm 2016, những người ở Facebook đã quá chậm để nhận ra rằng nền tảng của chúng tôi có thể bị lợi dụng như thế nào. Chúng tôi đang cố gắng hết sức để có thể vô hiệu hóa những rủi ro này ngay bây giờ", ông Chakrabarti cho biết.
Dự kiến trong thời gian tới Facebook có thể sớm cho ra mắt một chức năng mới để cho người dùng "xếp hạng" những nguồn tin đáng tin cậy, từ đó góp phần loại bỏ dòng chảy của những tin rác.
Giám đốc toàn cầu về chính trị và quan hệ chính phủ của Facebook là bà Katie Harbath tuyên bố: "Chúng tôi quyết tâm chống lại những ảnh hưởng tiêu cực và đảm bảo rằng nền tảng của chúng tôi là một nguồn tài nguyên tốt để nuôi dưỡng nền dân chủ".
Theo ông Chakrabarti, trong kỳ bầu cử tổng thống Mỹ hồi năm 2016, Nga đã tạo 80.000 dòng trạng thái (post) trên Facebook và đạt đến 126 triệu người xem trong khoảng 2 năm. Ngoài Facebook, các mạng khác như Twitter và Youtube cũng đã tuyên bố những nỗ lực tương tự để kiểm soát tình hình.
Ái Vi