Facebook có thể buộc phải bán tài sản được đánh giá cao của mình là WhatsApp và Instagram sau khi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ và 46 bang đệ đơn kiện công ty truyền thông xã hội này, nói rằng họ đã sử dụng chiến lược “mua hoặc chôn vùi” để bắt kịp các đối thủ lớn và kìm chân các đối thủ nhỏ hơn.

Facebook bị 48 bang và vùng lãnh thổ kiện, có thể phải bán Instagram, WhatsApp: Chuyên gia nói gì?

Nhân Hoàng | 10/12/2020, 06:00

Facebook có thể buộc phải bán tài sản được đánh giá cao của mình là WhatsApp và Instagram sau khi Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ và 46 bang đệ đơn kiện công ty truyền thông xã hội này, nói rằng họ đã sử dụng chiến lược “mua hoặc chôn vùi” để bắt kịp các đối thủ lớn và kìm chân các đối thủ nhỏ hơn.

Theo Reuters, cổ phiếu Facebook đã giảm tới 3% sau tin tức trên, nhưng quay về mức giảm 1,9% khi chốt phiên.

Facebook trở thành công ty công nghệ lớn thứ hai đối mặt với thách thức pháp lý lớn trong năm nay sau khi Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) kiện Google của Alphabet vào tháng 10, cáo buộc công ty trị giá 1 ngàn tỉ đô la sử dụng sức mạnh thị trường của mình để chống lại các đối thủ.

Các vụ kiện nêu bật sự đồng thuận ngày càng tăng của lưỡng đảng nhằm yêu cầu Big Tech (gã khổng lồ công nghệ) phải chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh của mình và đánh dấu thời điểm thỏa thuận hiếm hoi giữa chính quyền Trump với đảng Dân chủ.

Hai đơn kiện hôm 9.12 liên quan đến việc Facebook mua lại các đối thủ, đặc biệt tập trung vào thương vụ mua lại ứng dụng chia sẻ ảnh Instagram với giá 1 tỉ USD vào năm 2012 và ứng dụng nhắn tin WhatsApp với giá 19 tỉ USD năm 2014.

Hai đơn kiện riêng biệt do Ủy ban Thương mại Liên bang (FTC) và liên minh quan chức các bang đệ trình kêu gọi Facebook bán lại Instagram, WhatsApp.

facebook-bi-48-bang-va-vung-lanh-tho-kien.jpg
Facebook thâu tóm Instagram và WhatsApp vào 2012 và 2014

Trong gần một thập kỷ, Facebook đã sử dụng sự thống trị và sức mạnh độc quyền của mình để đè bẹp các đối thủ nhỏ hơn, loại bỏ sự cạnh tranh, gây tổn hại cho người dùng hàng ngày. Facebook tận dụng sức mạnh của mình ngăn chặn cạnh tranh để có thể tận dụng lợi thế về người dùng và kiếm hàng tỉ USD bằng cách chuyển đổi dữ liệu cá nhân thành con gà đẻ trứng vàng”, Tổng chưởng lý New York - Letitia James thay mặt cho liên minh 46 bang, Washington D.C và Guam, nhận xét.

Bang Alabama, Georgia, South Carolina và South Dakota không tham gia vụ kiện.

Letitia James cho biết Facebook đã mua lại các đối thủ trước khi họ có thể đe dọa sự thống trị của công ty này.

Tổng cố vấn của Facebook, Jennifer Newstead gọi các vụ kiện là “xét lại lịch sử” và cho biết luật chống độc quyền không tồn tại để trừng phạt các công ty thành công. Bà cho biết WhatsApp và Instagram đã thành công sau khi Facebook đầu tư hàng tỉ đô la vào việc phát triển ứng dụng.

Chính phủ đang muốn có sự thay đổi, gửi một lời cảnh báo lạnh lùng đến các doanh nghiệp Mỹ rằng không có thương vụ mua bán nào là kết thúc”,
Jennifer Newstead nói.

Jennifer Newstead nghi ngờ về những tác hại bị cáo buộc do Facebook gây ra, cho rằng người tiêu dùng được hưởng lợi từ quyết định cung cấp WhatsApp miễn phí và các đối thủ như YouTube, Twitter, WeChat đã thành công bất chấp sự cạnh tranh của họ.

Giám đốc điều hành của Facebook - Mark Zuckerberg nói với các nhân viên vào tháng 7 rằng Facebook sẽ "đi đến nơi đến chốn" để chống lại thách thức pháp lý với công ty, gọi đó là mối đe dọa hiện hữu.

Một số chuyên gia chống độc quyền cho biết vụ việc này diễn ra theo cách bất thường do những tuyên bố gây tranh cãi của Zuckerberg được trích từ các tài liệu Facebook năm 2008, trong đó ông nói "mua lại tốt hơn là phải cạnh tranh".

Các chuyên gia khác như cố vấn chiến lược Seth Bloom của công ty luật Bloom Strategic Counsel cho biết khiếu nại của FTC “yếu hơn đáng kể” so với vụ kiện của DOJ chống lại Google.

Seth Bloom nói: “Chúng ta đang nói về những thương vụ mua lại đã có từ 6 đến 8 năm và sẽ rất khó để tòa án ra phát quyết hủy bỏ thương vụ của nhiều năm trước”.

Tôi không biết liệu FTC hay DOJ sẽ thành công trong việc tấn công Facebook. Tôi cho rằng điều này sẽ được đưa ra tòa án vì Facebook tự bảo vệ mình”, Daniel Morgan, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty Synovus Trust ở Atlanta, Georgia, cho biết.

Đây là vụ kiện chống độc quyền lớn nhất trong một thế hệ, có thể so sánh với vụ kiện chống lại Microsoft vào năm 1998. Chính quyền liên bang cuối cùng đã giải quyết vụ đó, nhưng cuộc đấu tranh kéo dài nhiều năm với tòa án và sự giám sát mở rộng đã ngăn công ty cản trở các đối thủ cạnh tranh và được cho đã dọn đường cho sự phát triển bùng nổ của internet.

Tháng trước, Facebook cho biết sắp mua công ty khởi nghiệp dịch vụ khách hàng Kustomer, trong thương vụ mà tờ Wall Street Journal cho biết Kustomer được định giá ở ​​mức 1 tỉ USD.

Facebook đã mua Giphy, trang web phổ biến để tạo và chia sẻ hình ảnh động (GIF), vào tháng 5. Thương vụ đó thu hút sự giám sát kỹ lưỡng từ cơ quan giám sát cạnh tranh của Vương quốc Anh.

Đầu năm nay, FTC tuyên bố sẽ xem xét các thương vụ mua lại của Amazon, Apple, Facebook, Microsoft và Alphabet kể từ năm 2010 trong bối cảnh ngày càng có nhiều lời phàn nàn về các nền tảng công nghệ đã thống trị các lĩnh vực kinh tế chủ chốt, mở đầu cho làn sóng điều tra chống độc quyền.

Bài liên quan
Google đối mặt vụ kiện chống độc quyền lớn nhất trong 2 thập kỷ
Bộ Tư pháp Mỹ và 11 tiểu bang đã đệ đơn kiện chống độc quyền với Google của Alphabet vào 20.10. Lý do Google bị cáo buộc vi phạm luật trong việc sử dụng sức mạnh thị trường của mình để chống lại các đối thủ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Facebook bị 48 bang và vùng lãnh thổ kiện, có thể phải bán Instagram, WhatsApp: Chuyên gia nói gì?