Đảo Lý Sơn được ‘đánh thức’ muộn nên còn ngổn ngang những tư duy cũ. Khi được ‘đánh thức’ thì huyện đảo lại phát triển quá nóng. "Đại chỉnh" đảo là vấn đề cần làm ngay…

F5 Lý Sơn - Kỳ 3: Chọn phát triển xanh hay bê tông hóa?

Lê Đình Dũng | 17/09/2017, 14:34

Đảo Lý Sơn được ‘đánh thức’ muộn nên còn ngổn ngang những tư duy cũ. Khi được ‘đánh thức’ thì huyện đảo lại phát triển quá nóng. "Đại chỉnh" đảo là vấn đề cần làm ngay…

F5 Lý Sơn - Kỳ 1: Những mặt trái chua xót sau khi điện lưới về đảo

F5 Lý Sơn - Kỳ 2: Người trẻ trên đảo già​

Thêm đất cho người sống

Với tập quán cư trú quây quần theo tộc họ, làng xã; người Lý Sơn thường chôn cất người thân qua đời quanh khu vực mình sinh sống. Mộ quanh nhà thờ họ, mộ ở sát nhà. Với khoảng 10km2 toàn đảo, dân số khoảng 22.000 người,những ngôi mộ chen lẫn đủ sắc màu dần san sát cạnh những ngôi nhà, trên các ngọn đồi, trong những ô ruộng tỏi.

Người ngày càng sinh sôi, đất ngày càng thu hẹp,việc quy hoạch một nghĩa trang chung cho đảo là vấn đề trọng yếu để quy hoạch lại khu dân cư, sắp xếp chỗ ở.

Mộ huyệt nằm chen chúc trong những ruộng tỏi trên đảo

Ông Nguyễn Tự (thôn Tây, xã An Vĩnh) kể: “Thời các bậc tiền hiền ra khai khẩn, đảo còn hoang sơ lắm. Các vị phân chia khu vực cư trú ở phía đông và phía tây đảo. Dân ít, đất rộng nên khi có người qua đời thì thường chôn ở nghĩa địa tộc họ hoặc quanh quẩn gần nhà cho tiện chăm sóc lăng mộ, hương hỏa. Cứ thế, thói quen đến tận bây giờ”.

“Khi tôi mới ra đảo, ấn tượng đầu tiên, cũng như với bao du khách tới Lý Sơn, đập vào mắt mình làhàng ngàn ngôi mộ. Mộ quanh nhà, mộ chen ruộng tỏi; mình nhìn thấy cũng nhợn chứ. Nếu mà có khu nghĩa địa tập trung thì diện tích đất trống sẽ tăng lên nhanh lắm”, Bí thư Lý Sơn Nguyễn Viết Vy kể.

Cùng với kế hoạch của tỉnh, vị bí thư trẻ xác định công việc quan trọng nhất cho mình trong những tháng đầu tiên làm việc ở Lý Sơn là thực hiện cho bằng được dự án khu nghĩa địa tập trung toàn huyện. Nếu làm được việc này thì giải quyết được nhiều vấn đề, sắp xếp gọn lại đảo, có thêm quỹ đất cho người sống vừa bảo đảm được vấn đề môi trường. Vị trí được hình dung phải là nơi đất đai không sử dụng được, nơi có ít người và ít ảnh hưởng đến diện tích ruộng sản xuất.

Đảo nhỏ, nhà cửa người sống chen lẫn với mồ mả người chết

Nhưng đây cũng là khó khăn lớn nhất khi ông Vy phải đối diện với tập tục và thói quen cũ của người dân trên đảo. “Lúc đầu nhiều cán bộ, kể cả trong Thường vụ Huyện ủy, lãnh đạo xã và nhân dân yêu cầu mỗi xã làm một nghĩa địa, không có làm chung. Tư tưởng kiểu như người ở xã An Vĩnh thì không được chôn trên đất xã An Hải. Ngay cả Chủ tịch xã, Chủ tịch Hội phụ nữ xã An Vĩnh lúc đầu cũng không đồng ý”.

Để thuyết phục, Bí thư Vy đã tổ chức các cuộc họp dân ở các khu dân cư, các tộc họ trên đảo. “Mất mấy tháng trời để đối thoại cùng người dân, đưa ra 2 phương án làm chung hoặc tách riêng từng xã. Lúc đầu cũng có nhiều ý kiến này nọ. Sau rồi nhiều cụ lớn tuổi đã có ý kiến đồng thuận, họ quyết liệt cho việc làm một nghĩa trang chung, thời buổi đất chật người đông phải tiết kiệm đất cho người sống, không những vậy còn tính đến việc hỏa táng trong tương lai”, ông Vy kể.

Rồi quán triệt trong Ban thường vụ, các hội đoàn thể xuống từng tổ dân phố, khu dân cư họp dân thuyết phục.

Theo ông Vy, thực hiện dự án nghĩa trang tập trung toàn huyện sẽ phục vụ cho các mục tiêu: vừa giải quyết nhu cầu chôn mới; vừa cải táng các ngôi mộ rải rác trên đảo đưa vào; đưa vào quy chuẩn một mẫu mộ chung, người giàu cũng như người nghèo chứ không phải người có tiền thì mộ to mà người khó khăn thì mộ nhỏ. Không những vậy sẽ quy hoạch sẵn một vị trí để sau này làm đài hỏa táng.

Nghĩa trang chung cho toàn huyện đang được xây dựng ở triền đồi giáp ranh giữa 2 xã An Hải và An Vĩnh

“Bây giờ thì mọi người đã quay lại ủng hộ chủ trương này rồi”, Bí thư Vy cho hay.

Theo thống kê, có khoảng 6.000 ngôi mộ nằm quanh đảo, trong đó có khoảng 2.000 mộ nằm rải rác cần phải cải táng di dời vào nghĩa trang tập trung. Dự án nghĩa trang tập trung có tổng mức đầu tư 55 tỉ đồng.

“Việc xây dựng nghĩa trang tập trung hiện đang triển khai. Tuy nhiên kinh phí để di dời từng ngôi mộ vào thì huyện không có; việc này mong sao tỉnh có hỗ trợ để thực hiện được sớm nhất. Cái này nói thiệt, vì cái chung tôi làm chứ động đến mồ mả nhiều quá mình cũng ớn chứ. Nhưng thôi, mình là người đứng đầu nên mình phải quyết tâm cùng sự ủng hộ của người dân để làm”, ông Nguyễn Viết Vy cho hay.

Chống bê tông hóa

Từ khi điện lưới quốc gia kéo ra đảo, tốc độ xây dựng nhà cửa, khách sạn, đường sá ở Lý Sơn tăng chóng mặt. Hòn đảo nhỏ như một đại công trường, giá thép, giá cát, xi măng cao ngất ngưởng nhưng ai cũng hối hả xây. Nhiều doanh nghiệp cũng đua nhau ra đảo xây các cơ sở dịch vụ. Trên một hòn đảo trọc lóc giữa biển, nhà cửa cao tầng mọc lên san sát đang tiệm cận nguy cơ phá vỡ cân bằng.

Một vài người còn cổ súy phải xây dựng "đô thị biển"nhưng hoàn toàn lọt thỏm giữa những ý nghĩ cấp tiến và khoa học hơn, đó là Lý Sơn phải là một hòn đảo xanh.

Sau khi hòa điện lưới quốc gia, đảo Lý Sơn phát triển nóng với các công trình xây dựng ồ ạt

Việc xây dựng ồ ạt không theo một quy hoạch nào cả khiến Sở Xây dựng tỉnh Quảng Ngãi đã phải đề nghị tạm dừng ban hành quy chế quản lý quy hoạch không gian kiến trúc đô thị trên địa bàn huyện Lý Sơn. Mới đây, tỉnh này đã ban hành quy hoạch phát triển huyện Lý Sơn tỉ lệ 1/2.000 nhằm kiểm soát việc đô thị hóa và phát triển bền vững hòn đảo này.

Huyện đảo Lý Sơn gồm 3 xã:2 xã An Vĩnh và An Hải ở đảo Lớn; xã An Bình nằm ở đảo Bé có diện tích rất nhỏ, đường kính đảo khoảng 1km. Thế nhưng, chính quyền chưa quan tâm hết mức đến việc phát triển xanh, có một thời gian việc xây dựng đường bê tông được triển khai rầm rộ và dày đặc trên hòn đảo nhỏ này. Mới đây, chính quyền tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục lên phương án bảo tồn khẩn cấp đảo Bé, hướng tới việc đề xuất lên UNESCO công nhận Lý Sơn và vùng biển xung quanh là công viên địa chất toàn cầu.

Những thắng cảnh đẹp ở đảo Bé bị làm xấu bởi các con đường, công trình bê tông hóa

Ông Vy kể: “Bên đảo Bé tôi phải làm căng mới ngừng được việc bê tông hóa. Ở bãi Sau, nơi người dân đang dựng lều buôn bán, họ cho làm đường bê tông rất to. Mấy nhà khoa học ra thấy vậy thì khóc bảo chỗ đó là di tích núi lửa, làm đường vậy làm sao khôi phục lại được. Thứ hai nữa, đảo thì nhỏ mà làm đường to quá, rộng đến 5m. Qua kiểm tra tôi cho đình chỉ ngay, họ đòi tiếp tục làm nhưng tôi nói sẽ kỷ luật nên mới thôi”.

Ở trên đảo Lớn, nhiều khách sạn, cơ sở lưu trú xây dựng không đúng, ông Vy cũng phải xuống tận nơi chỉ đạo xử lý ngay.

Tuy nhiên, việc xây dựng quá nóng từ sau khi có điện đã làm Lý Sơn méo mó; dừng lại lúc này đã là hơi muộn. Việc tiếp theo nếu muốn bền lâu thì phải cứu đảo, trả lại những gì mà đảo có; nếu không, Lý Sơn sẽ "chết"…

Kỳ cuối: "Giànhlại"sự sống chođảo

Lê Đình Dũng
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
F5 Lý Sơn - Kỳ 3: Chọn phát triển xanh hay bê tông hóa?