EU đang tìm cách thắt chặt kiểm soát xuất khẩu và đầu tư đối với công nghệ nhạy cảm khi mối lo ngại về sự phụ thuộc của khối vào Trung Quốc ngày càng tăng.

EU thắt chặt kiểm soát Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ

Hoàng Vũ (theo Nikkei Asia) | 12/10/2023, 16:15

EU đang tìm cách thắt chặt kiểm soát xuất khẩu và đầu tư đối với công nghệ nhạy cảm khi mối lo ngại về sự phụ thuộc của khối vào Trung Quốc ngày càng tăng.

Ủy ban châu Âu (EC) tuần trước đã công bố 4 công nghệ chính có thể chịu sự giám sát nghiêm ngặt hơn của khối gồm: chất bán dẫn tiên tiến, trí tuệ nhân tạo (AI), công nghệ lượng tử và công nghệ sinh học.

Các biện pháp kiểm soát mạnh mẽ hơn đối với xuất khẩu hoặc đầu tư ra nước ngoài đang được xem xét đặc biệt đối với các công nghệ mà Liên minh châu Âu (EU) cho rằng chúng có thể được sử dụng cho mục đích quân sự hoặc vi phạm nhân quyền.

Động thái này tương tự với những biện pháp Mỹ thực hiện trước đó. Tuy nhiên, sớm nhất cũng phải đến mùa xuân năm sau EU mới chính thức công bố lệnh kiểm soát xuất khẩu mới. 

Alicia Garcia-Herrero, nhà nghiên cứu cấp cao tại tổ chức tư vấn Bruegel có trụ sở tại Brussels (Bỉ) nhận định: “Đó là một khởi đầu tốt nhưng người châu Âu rõ ràng đã chậm trễ trong việc này”.

EU cũng đang xem xét cách hạn chế rủi ro an ninh quốc gia liên quan đến hoạt động đầu tư ra nước ngoài của các công ty châu Âu trong việc phát triển “công nghệ nhạy cảm” ở Trung Quốc. Nhà Trắng trước đó đã ký một sắc lệnh hành pháp theo hướng đó vào tháng 8.

eu-trung-quoc.png
Liên minh châu Âu (EU) đang cố gắng cân bằng giữa rủi ro và lợi ích khi Trung Quốc tham gia vào các lĩnh vực công nghệ quan trọng, bao gồm 5G và xe điện - Ảnh: AP

Nick Reiners, nhà phân tích cấp cao về công nghệ tại Eurasia Group, cho biết cơ hội để EU thực hiện các bước đi cụ thể trên mặt trận này là “rất mong manh”. Theo ông, về lâu dài, EU cần có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc.

Dù cả khối bị chỉ trích vì đưa ra phản ứng chậm trễ khi đối phó với các mối nguy hại an ninh trong lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT), một số nước thành viên riêng lẻ đang đẩy mạnh hành động nhanh hơn.

Chính phủ Ý đã hạn chế ảnh hưởng của cổ đông Trung Quốc đối với nhà sản xuất lốp xe Pirelli vào tháng 6, coi cảm biến lốp xe là “công nghệ quan trọng có tầm quan trọng chiến lược quốc gia”.

Anh và 3 tổ chức chính của EU đã cấm nhân viên sử dụng ứng dụng chia sẻ video TikTok trên các thiết bị chính thức của chính phủ.

Cơ quan tình báo Hà Lan còn đi xa hơn khi đưa ra cảnh báo chung đối với các ứng dụng từ các quốc gia có rủi ro bị tấn công mạng khi nêu đích danh Trung Quốc; chính phủ Anh cũng cho biết họ sẽ loại bỏ các thiết bị giám sát do Trung Quốc sản xuất khỏi các địa điểm nhạy cảm của chính phủ.

Một số động thái trên được đưa ra trong bối cảnh áp lực từ Mỹ, quốc gia từ lâu đã kêu gọi các đồng minh tham gia nỗ lực hạn chế tham vọng công nghệ của Trung Quốc.

Hà Lan vào ngày 1.9 đã thực hiện các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với các công cụ sản xuất chip tiên tiến, lĩnh vực mà các công ty như ASML của họ dẫn đầu thế giới. Mặc dù các biện pháp này không nêu tên Trung Quốc một cách rõ ràng nhưng động thái này đã bị Bắc Kinh chỉ trích vì tác động dự kiến ​​của nó đối với ngành công nghiệp chip của cường quốc châu Á.

Mặc dù áp lực ngày càng tăng nhằm loại trừ công nghệ và đầu tư của Trung Quốc khỏi các khu vực hàng đầu của châu Âu, điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng nhất là trong cơ sở hạ tầng viễn thông, nơi các công ty Trung Quốc ZTE và Huawei vốn đã thâm nhập sâu vào thị trường EU.

Ba năm trước, EU đã đưa ra các khuyến nghị nhằm hạn chế hoặc cấm "các nhà cung cấp có rủi ro cao" sử dụng mạng 5G, nhưng chỉ có 10 quốc gia thành viên đưa ra các hạn chế hoặc lệnh cấm kể từ tháng 6 năm nay, điều mà Ủy viên châu Âu về Thị trường nội bộ Thierry Breton chỉ trích là "quá chậm".

Ông Breton cho biết ông đang cân nhắc một lệnh cấm bắt buộc trên toàn khối vì việc thiếu hành động "gây ra sự phụ thuộc lớn vào EU và gây ra những lỗ hổng nghiêm trọng".

Pháp đã đề xuất luật chống Huawei nhằm hạn chế việc cấp hợp đồng 5G, song cơ quan an ninh CNTT quốc gia này cho biết các công ty đã sử dụng thiết bị Huawei vẫn sẽ được cấp phép trong vài năm nữa. Huawei hiện vẫn có trụ sở tại Pháp, nơi có nhiều trung tâm nghiên cứu và đơn vị thiết kế.

Chính phủ Đức đang thảo luận về kế hoạch loại trừ thiết bị của Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng viễn thông. "Gã khổng lồ" Huawei đã chiếm 59% thiết bị được sử dụng trong mạng truy cập vô tuyến 5G vào năm 2022 và công ty Trung Quốc này có thị phần ở Berlin lớn hơn ở cả Bắc Kinh, theo báo cáo của công ty tư vấn viễn thông Strand Consult.

“EU cần có một cơ quan điều phối cấp cao để Bắc Kinh không thể trả đũa các quốc gia thành viên nếu họ quyết định cấm Huawei bởi một số nước vẫn đang phụ thuộc nhiều vào thương mại với Trung Quốc”, nhà nghiên cứu Garcia-Herrero nói.

EU vào tháng 9 đã tiến hành cuộc điều về các khoản trợ cấp ô tô điện của Trung Quốc nhằm mục đích ngăn chặn dòng xe điện rẻ hơn của Trung Quốc vào thị trường châu Âu nhằm bóp nghẹt các nhà sản xuất ô tô địa phương.

Tháng trước, chính phủ Pháp cũng đã công bố một cuộc cải cách về khoản trợ cấp hào phóng dành cho người mua xe điện, dự kiến sẽ loại trừ ô tô sản xuất tại Trung Quốc. “Các biện pháp đang được triển khai để hỗ trợ tái công nghiệp hóa trong các lĩnh vực được coi là quan trọng, điển hình là chất bán dẫn và pin”, Alice Pannier, nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, cho biết.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Trung Quốc khiến EU khó có thể đưa ra một biện pháp cứng rắn triệt để mà vẫn đảm bảo sự đồng thuận của tất cả quốc gia thành viên.

“Cả EU và Anh đều đang có cách tiếp cận thận trọng hơn Mỹ, do họ dễ bị tổn thương kinh tế hơn khi đối đầu với Trung Quốc”, bà Reiners của Eurasia Group nhận định.

Bài liên quan
Bán nhà giá 1 euro cho người Mỹ thất vọng với kết quả bầu cử
Một ngôi làng trên đảo Sardinia của Ý đã nhìn ra cơ hội tiềm năng khi chính trị gia Donald Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
EU thắt chặt kiểm soát Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ