Những thay đổi thời tiết khác xảy ra trong đợt El Nino này còn khiến thời tiết ấm hơn, khô hơn ở miền đông Úc, ở một phần Ấn Độ. Còn các vùng ở Kenya, Somalia, Ethiopia lại được chứng kiến lượng mưa tăng lên.

El Nino 2023: Đông Nam Á thành lò lửa, còn châu Phi nhận được mưa giải hạn

Anh Tú | 22/06/2023, 15:44

Những thay đổi thời tiết khác xảy ra trong đợt El Nino này còn khiến thời tiết ấm hơn, khô hơn ở miền đông Úc, ở một phần Ấn Độ. Còn các vùng ở Kenya, Somalia, Ethiopia lại được chứng kiến lượng mưa tăng lên.

Bảy năm trước, hiện tượng El Nino cấp độ mạnh đã diễn ra ở Thái Bình Dương, gây ra một loạt thay đổi có hại cho thời tiết thế giới. Indonesia rơi vào tình trạng hạn hán nghiêm trọng, các vụ cháy rừng quy mô lớn, trong khi mưa lớn làm ngập những làng mạc và ruộng đồng ở một số nước thuộc vùng Sừng châu Phi. Sự kiện này cũng biến năm 2016 trở thành năm nóng nhất được ghi nhận.

Bây giờ El Nino đã trở lại. Rất có thể đây sẽ là một sự kiện nghiêm trọng khác, làm dấy lên mối lo ngại về thời tiết khắc nghiệt trong những tháng tới. Và hiện tượng El Nino khốc liệt lần này rất có thể sẽ lập một kỷ lục nhiệt toàn cầu.

El Nino là một phần của chu kỳ khí hậu tự nhiên, mà đặc điểm nổi bật của nó là dòng nước ấm hơn bình thường trải dài qua phần phía đông và trung tâm của khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương. Trạng thái ngược lại của El Nino được gọi là La Nina, với dòng nước lạnh hơn mức trung bình ở cùng các khu vực trên. Thái Bình Dương bập bênh giữa các trạng thái này cứ sau khoảng 2 - 7 năm. Sự thay đổi nhiệt độ bề mặt đại dương trong những sự kiện này làm thay đổi nhiệt được giải phóng vào bầu khí quyển. Điều đó lần lượt ảnh hưởng đến các chu trình hoàn lưu khí quyển và tạo ra hiệu ứng domino có thể gây ra những thay đổi lớn đối với thời tiết trên toàn thế giới.

Khi nào và liệu các khu vực khác nhau có chứng kiến những thay đổi này hay không còn tùy thuộc vào vị trí. Địa điểm càng gần khu vực nhiệt đới Thái Bình Dương thì tác động càng nhanh và khả năng xảy ra càng cao. Các tác động cũng có xu hướng rõ rệt hơn khi El Nino đạt cường độ cực đại, xảy ra vào mùa đông ở bắc bán cầu. Michelle L'Heureux, nhà dự báo khí tượng tại Trung tâm Dự báo khí hậu của Cơ quan Quản lý khí quyển và đại dương quốc gia (NOAA) cho biết: “El Nino càng mạnh, ta càng rõ hơn vào những tác động nhất định sẽ xảy ra. NOAA dự báo 56% khả năng El Nino hiện tại sẽ đạt cấp độ mạnh (một trong những điểm chuẩn để đo El Nino là nhiệt độ ở một vùng nhiệt đới cụ thể trên Thái Bình Dương, trên mức bình thường ít nhất là 0,5 độ C. El Nino mạnh xảy ra khi những nhiệt độ đó là trên mức bình thường 1,5 độ C).

Nhưng theo L’Heureux, ngay cả khi El Nino phát triển lên cấp độ “mạnh” hoặc “cực kỳ mạnh” thì cũng “không bao giờ chắc chắn” rằng bất kỳ sự thay đổi thời tiết cụ thể nào sẽ xảy ra. Ở Mỹ, El Nino mạnh thường mang lại mưa cho miền Nam California, nhưng năm 2016 lại không có mưa lớn. Đó là bởi vì El Nino không phải là yếu tố duy nhất chi phối thời tiết; các chu kỳ khí hậu tự nhiên khác và ảnh hưởng của thời tiết địa phương cũng đóng vai trò chi phối.

Cách El Nino thay đổi thời tiết thế giới có liên quan đến thứ được gọi là các vòng tuần hoàn Walker và Hadley - về cơ bản là các vòng không khí lớn thẳng đứng, với vòng Walker định hướng dọc theo đường xích đạo và vòng Hadley hướng vuông góc với nó. Vùng biển nhiệt đới Thái Bình Dương thường ấm hơn ở phía tây so với ở phía đông. Những vùng nước ấm này thúc đẩy sự đối lưu, với không khí nóng, ẩm bốc lên và tạo ra mưa cho đến khi nó chạm vào khu vực tầng đối lưu (tầng thấp nhất của khí quyển) tiếp giáp tầng bình lưu. Không khí ở trên cao chuyển từ tây sang đông, đi xuống phía đông Thái Bình Dương và sau đó không khí ở phía dưới sát bề mặt Trái đất chuyển từ đông sang tây. Nhưng trong El Nino, mọi thứ đều dịch chuyển về phía đông. Sự thay đổi này dẫn đến thời tiết khô hạn hơn ở phía tây Thái Bình Dương, gồm cả khu vực Đông Nam Á, có thể gây ra hạn hán lớn và thiếu lương thực, đồng thời có thể gây ra cháy rừng.

Hoàn lưu Walker dịch chuyển cũng đưa không khí đi xuống phía bắc Nam Mỹ và vùng Caribbean cũng có liên quan đến hiện tượng El Nino. Sự dịch chuyển đó có xu hướng ngăn chặn hoạt động của bão ở Đại Tây Dương vì nó cản trở sự đối lưu gây ra những cơn bão như vậy. Các quá trình lưu thông thay đổi cũng dẫn đến sụt giảm sức gió nhiều hơn, có thể cản trở sự phát triển của bão. Nhưng năm nay, ảnh hưởng đó sẽ cạnh tranh với nhiệt độ nóng kỷ lục, kinh hoàng ở Đại Tây Dương, nơi sẽ cung cấp nhiều năng lượng cho các cơn bão..

Thời tiết ở Mỹ trong El Nino cũng bị ảnh hưởng bởi hoàn lưu Hadley, chạy theo vòng bắc-nam ở hai bên của đường xích đạo. Trong El Nino, sự thay đổi trong hoàn lưu đó đẩy luồng phản lực cận nhiệt đới (một luồng không khí chuyển động nhanh hướng các hệ thống bão trên khắp nước Mỹ) xa hơn về phía nam trong những tháng mùa đông. Điều đó thường dẫn đến thời tiết mát hơn, ẩm ướt hơn trên khắp miền Nam nước Mỹ nhưng ấm hơn bình thường trên khắp các bang phía bắc và các vùng của Canada.

Những thay đổi thời tiết khác xảy ra trong El Nino này còn khiến thời tiết ấm hơn, khô hơn ở miền Đông nước Úc, một phần của Ấn Độ và miền Nam châu Phi. Các vùng của Kenya, Somalia và Ethiopia dễ được chứng kiến lượng mưa tăng lên, điều này có thể giúp ích sau nhiều năm hạn hán do biến đổi khí hậu gây ra. Nhưng nếu mưa quá nhiều và quá nhanh, nó có thể gây ra lũ lụt và lở đất và có thể khiến lây lan các bệnh truyền nhiễm qua đường nước.

Một trong những điều chắc chắn nhất với El Nino là nhiệt độ toàn cầu sẽ tăng nhanh, như thường luôn xảy ra trong những năm có El Nino, bởi vì đại dương giải phóng một lượng nhiệt đặc biệt lớn vào khí quyển. Lượng nhiệt đó sẽ cộng thêm vào sự nóng lên toàn cầu do con người đốt nhiên liệu hóa thạch và có thể thúc đẩy năm nay hoặc năm tới trở thành năm nóng nhất được ghi nhận, như đã xảy ra vào năm 2016.

Cần nhớ, El Nino năm 2016 có cường độ tương đương với El Nino năm 1998, nhưng El Nino năm 2016 nóng hơn 0,5 độ C so với El Nino năm 1998 do sự nóng lên toàn cầu. Sẽ không ngạc nhiên nếu El Nino năm nay phá kỷ lục năm 2016.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
El Nino 2023: Đông Nam Á thành lò lửa, còn châu Phi nhận được mưa giải hạn