Các nhà khoa học đã phát triển được thuốc làm loãng máu mới từ các chất có trong nước bọt của loài muỗi Anopheles, hiệu quả hơn cả hirudin, loại chất làm loãng máu từ nước bọt của đỉa.
Theo tạp chí ACS Central Science, các nhà khoa học đã biết rằng các loài muỗi hút máu, khi cắn, muỗi đều đưa nước bọt muỗi vào vết thương có chứa các chất ngăn ngừa máu đông máu. Chính các chất đó có hiệu quả trực tiếp như các loạithuốc làm loãng máu, vì hiệu quả của chúng dựa trên sự giảm hoạt động của protein thrombin, đóng vai trò then chốt trong hệ thống đông máu. Và trong một thời gian dài các nhà khoa học đã từng ấp ủ ý tưởng sử dụng các chất này để phát triển loại thuốc ngăn ngừa sự hình thành các cục máu đông.
Nay từ nước bọt muỗi, các nhà khoa học đã được phân lập protein anophelins (theo tên của loài muỗi Anopheles), nhưng hiệu quả không cao. Trong công trình nghiên cứu hiện tại, các nhà nghiên cứu Úc và Bồ Đào Nha thu được các protein anophelins từ 2 loài muỗi Anopheles albimanus và Anopheles gambiae đã được biến đổi bằng cách bổ sung hóa chất.
Các nhóm sulfat được bổ sung vào các phân tử của chúng, dẫn tới sự gia tăng đáng kể hoạt tính của chúng. Anophelins từ muỗi Anopheles albimanus sau khi sulfat hóa bắt đầu ức chế thrombin 100 lần mạnh hơn so với chất tự nhiên. Các nhà nghiên cứu đã tiến hành kiểm tra điều này trên chuột thí nghiệm, đo thời gian chảy máu từ một vết thương trên đuôi chuột sau khi dùng thuốc.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện thấy anophelins sau khi được sulfate hóa có hiệu quả hơn cả hirudin, loại chất làm loãng máu từ nước bọt của đỉa, đôi khi vẫn được sử dụng trong thực hành lâm sàng.
Các tác giả của công trình nghiên cứu hy vọng rằng họ sẽ sớm có thể kiểm tra hiệu quả của các loại thuốc mới trên người.
Vũ Trung Hương