Trong điều kiện hiện nay, chúng ta đã chấp nhận sống chung với dịch thì yếu tố quan trọng nhất là tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế. Nhưng hiện có một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu hết về COVID-19 nên đã tỏ ra kỳ thị với người F0.

Đừng ngăn dịch bằng cách kỳ thị người F0

Trần Khải | 29/11/2021, 16:02

Trong điều kiện hiện nay, chúng ta đã chấp nhận sống chung với dịch thì yếu tố quan trọng nhất là tuân thủ nghiêm các khuyến cáo của ngành y tế. Nhưng hiện có một bộ phận người dân vẫn chưa hiểu hết về COVID-19 nên đã tỏ ra kỳ thị với người F0.

Cứ thấy tấm bảng “Hộ cách ly y tế” là… kỳ thị

Cách đây gần 2 tháng, chị T. (ngụ TP.Cà Mau) chăm sóc người thân bị bệnh ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Cà Mau (BVĐK). Thời điểm đó, ở bệnh viện này phát hiện nhiều F0 nên UBND tỉnh Cà Mau có văn bản yêu cầu tất cả người bệnh và nuôi bệnh sau khi xuất viện về nhà phải đến cơ sở y tế địa phương khai báo y tế và tự cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày.

“Mặc dù thời điểm xuất viện, bệnh viện đã lấy mẫu xét nghiệm và có kết quả âm tính rồi mới cho về, về nhà mình chỉ theo dõi sức khỏe thôi chứ không phải là F0 hay tiếp xúc gần gì hết. Hơn nữa trong bệnh viện thì nơi người nhà tôi trị bệnh không có ca nhiễm, chỉ ở khoa khác cùng bệnh viện mới có F0. Vậy mà, khi nhà tôi bị gắn tấm biển “Hộ cách ly y tế” thì hàng xóm xôn xao tỏ ra kỳ thị y như rằng mình bị nhiễm bệnh”.

Mỗi khi nhắc lại sự việc tương tự, anh H. (ngụ TP.Cà Mau) cũng không giấu nỗi cảm xúc hụt hẫng vì bị chính người thân trong gia đình mình kỳ thị khi gia đình bị gắn biển “Hộ cách ly y tế”. “Vợ tôi từng làm cùng phân xưởng với người bị F0, nhưng cách đó nhiều ngày rồi và sau đó người này được ghi nhận nhiễm COVID-19 ở nhà trọ chứ không phải ở doanh nghiệp. Khi chính quyền có thông báo, tôi đã đưa vợ khai báo y tế và chịu cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà theo quy định là 14 ngày. Những ngày đó, buồn nhất là những người thân mình tỏ ra kỳ thị y như rằng mình bị bệnh”, anh H. chia sẻ.

Mới đây, khi ở xã Tân Ân, huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) bùng phát dịch bệnh COVID-19 và hiện tại địa phương này đang ở cấp độ 3 (vùng cam). Không hiểu suy nghĩ như thế nào mà một người bạn ở xã đã đăng dòng cảm xúc lên Facebook với nội dung: “Tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì lúc này kỳ thị là thương nhau nhé mọi người”. Sau đó, nhiều bạn bè vào bình luận cho rằng suy nghĩ của người này là lệch lạc và khuyên nên gỡ bỏ dòng cảm xúc nói trên.

Trong khi cả nước kêu gọi người dân chung tay đẩy lùi dịch bệnh bằng những việc làm thiết thực như ủng hộ quỹ phòng chống dịch, nấu ăn cho những người bị cách ly, vận chuyển, chăm sóc F0 tại các cơ sở y tế... thì đâu đó vẫn có người tư duy lệch lạc, hiểu sai về dịch bệnh nên đã tỏ ra kỳ thị với F0. Điều này cần phải chấm dứt ngay.

Hiểu thế nào cho đúng?

COVID-19 chỉ làm lây lan khi người nhiễm bệnh thở ra các giọt bắn và các hạt rất nhỏ có chứa vi rút. Các giọt bắn và hạt này có thể bị người tiếp xúc gần hít vào hoặc rơi dính mắt, mũi, miệng rồi nhiễm bệnh. Những người tiếp xúc gần hơn 2 mét so với người bị F0 sẽ có nhiều khả năng bị lây nhiễm.

mot-khu-vuc-phong-toa-de-phong-chong-dich-benh-covid-19-o-ca-mau-anh-tran-khai.jpg
Chỉ cần hạn chế tiếp xúc và tuân thủ nguyên tắc 5K đúng cách thì dịch bệnh sẽ ít lây nhiễm - Ảnh: Trần Khải

Để tránh lây lan dịch bệnh, người dân nên tuân thủ các quy định về phòng chống dịch bệnh theo khuyến cáo của ngành y tế. Tránh tụ tập nơi đông người, hạn chế ra đường khi không thật sự cần thiết. Đặc biệt là thực hiện nghiêm khuyến cáo 5K của ngành y tế là có thể tránh được sự lây lan của bệnh dịch.

Một bác sĩ cho biết, vi rút COVID-19 không tự bay từ bề mặt tiếp xúc lên vùng mắt, mũi, miệng. Tất cả đều thông qua bàn tay, do đó, việc thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, dung dịch diệt khuẩn, đeo khẩu trang đúng cách, thực hiện biện pháp giãn cách an toàn là rất quan trọng.

Không nên kỳ thị F0 hay kỳ thị bất kỳ những trường hợp được cách ly theo dõi sức khỏe tại nhà. Bản thân những người này đã nhận thức đầy đủ và hiểu rất rõ quy định về “theo dõi sức khỏe tại nhà”. Nghĩa là họ sẽ không tiếp xúc với mọi người xung quanh cho đến khi kết thúc thời hạn theo dõi sức khỏe. Trường hợp cần thiết, chỉ cần giữ khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang và thường xuyên xịt nước khử khuẩn là đủ.

Chúng ta hãy tìm hiểu kỹ các khuyến cáo của ngành y tế để có cái nhìn khách quan và hiểu đúng, đủ về sự lây lan của COVID-19 để đưa ra cách phòng tránh. Thương nhau là tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong lúc khó khăn và hiểu đúng về bản chất sự việc của dịch bệnh, chứ không phải kỳ thị là thương nhau.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
4 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng ngăn dịch bằng cách kỳ thị người F0