Người đàn ông bị túi phình của động mạch dưới đòn kích thước lớn, dọa vỡ, chèn ép đẩy lệch khí quản sang trái, thành túi phình bám nhiều huyết khối, có nguy cơ tử vong.

Dùng kỹ thuật hybrid cứu sống bệnh nhân bị bệnh phình động mạch hiếm gặp

Hồ Quang | 07/07/2023, 14:03

Người đàn ông bị túi phình của động mạch dưới đòn kích thước lớn, dọa vỡ, chèn ép đẩy lệch khí quản sang trái, thành túi phình bám nhiều huyết khối, có nguy cơ tử vong.

Ngày 7.7, Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP.HCM) cho hay các bác sĩ vừa điều trị thành công trường hợp phình động mạch dưới đòn hiếm gặp dọa vỡ, bằng phương pháp mổ hybrid - phối hợp giữa phẫu thuật và can thiệp nội mạch.

dung-ky-thuat-hybrid-cuu-thanh-cong-benh-nhan-phinh-dong-mach-hiem-hinh-anh-1(1).png
Hình ảnh chụp DSA cho thấy túi phính động mạch (mũi tên đỏ) và túi phình không còn nhìn thấy sau khi đặt giá đỡ (stent) thành công ( mũi tên xanh) - Ảnh: BVCC

Bệnh nhân là ông V.T (68 tuổi, ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) có tiền căn mắc đái tháo đường, tăng huyết áp, và nhiều năm hút thuốc lá, từng bị ngất khi đang tập thể dục. Bệnh nhân đi khám và được phát hiện khối phình mạch lớn vùng thượng đòn bên phải nhờ siêu âm mạch máu. Ông T. được cơ sở khám chữa bệnh ban đầu hướng dẫn đến Bệnh viện Nhân dân Gia Định khám và điều trị.

TS-BS Tiêu Chí Đức - Phó trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực mạch cho biết, qua thăm khám đánh giá toàn diện và chụp cắt lớp vi tính mạch máu, các bác sĩ phát hiện túi phình mạch lớn của động mạch dưới đòn kích thước 37 x 40 x 44mm. Túi phình này nằm ngay trên đỉnh phổi phải, chèn ép đẩy lệch khí quản sang trái, thành túi phình bám nhiều huyết khối. Bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật xâm lấn tối thiểu hybrid giữa hai chuyên khoa Lồng ngực mạch máu và X-quang can thiệp.

“Đây là kỹ thuật hiện đại, phẫu thuật xâm lấn tối thiểu được áp dụng trên thế giới nhằm giảm thời gian phẫu thuật và đem lại hiệu quả phẫu thuật tốt nhất cho người bệnh ở những chuyên khoa sâu như tim mạch, thần kinh...”, bác sĩ Đức nói.

Theo bác sĩ Đức, nếu không được điều trị, túi phình mạch có thể gây các biến chứng nguy hiểm như khó thở, thuyên tắc do trôi cục máu đông, vỡ gây chảy máu ồ ạt và tử vong.

“Điều trị phẫu thuật như cách trước đây gặp nhiều khó khăn do phải thực hiện đường mổ lớn, mở ngực, mở xương ức, gây mê…, ngoài ra người bệnh còn đối mặt với các nguy cơ nhiễm trùng vết mổ, biến cố tim mạch do lớn tuổi, lại nhất là có nhiều bệnh nền phối hợp. Chính vì thế, chúng tôi phối hợp với ê kíp X-quang can thiệp để thực hiện phương pháp điều trị phình mạch bằng kỹ thuật xâm lấn tối thiểu”, bác sĩ Đức cho biết.

dung-ky-thuat-hybrid-cuu-thanh-cong-benh-nhan-phinh-dong-mach-hiem-hinh-anh.png
Các bác sĩ kiểm tra lại tình trạng sức khỏe trước khi bệnh nhân xuất viện - Ảnh: BVCC

Về ca can thiệp này, bác sĩ Trần Minh Hiền (đơn vị X-quang can thiệp) cho biết đây là một trường hợp phình mạch lớn với đặc điểm giải phẫu hiếm gặp. Do đó, để tiếp cận túi phình một cách an toàn bằng kỹ thuật can thiệp nội mạch, cần phối hợp với ê kíp phẫu thuật mạch máu nhằm bộc lộ đường vào động mạch cánh tay, để đưa hệ thống ống thông theo cả hai hướng, từ động mạch cánh tay và động mạch đùi.

Sau khi đưa hệ thống ống thông đến vị trí túi phình, một giá đỡ kim loại có màng bọc ngăn máu vào túi phình được đặt chính xác tại vị trí đoạn mạch mang, giúp tái lập lưu thông dòng máu đến cánh tay bệnh nhân. “Đây còn gọi là phương pháp mổ hybrid hiện đại mà ngày nay các trung tâm y khoa lớn trên thế giới thường áp dụng, nhằm giải quyết những nhược điểm của cả hai phương pháp phẫu thuật và can thiệp nội mạch như trước đây”, bác sĩ Hiền nói.

Theo bác sĩ Hiền, phình động mạch dưới đòn là một bệnh lý rất hiếm gặp, chiếm chưa tới 1% tất cả các phình mạch. Nguyên nhân hình thành túi phình có thể do bệnh lý xơ vữa mạch máu ở những bệnh nhân lớn tuổi, tăng huyết áp, tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, hoặc do hội chứng lối thoát ngực.

Phình mạch phát triển lớn có thể gây ra các triệu chứng như: khối đập theo nhịp mạch, đau vai, đau ngực không điển hình. Do nằm ở vị trí nguy hiểm, khi phát triển quá lớn, phình mạch dưới đòn có thể chèn ép gây khó nuốt, khó thở, đau thần kinh. Các huyết khối trong phình mạch trôi ra ngoài gây đột quỵ, thiếu máu tay.

Nguy hiểm nhất là vỡ túi phình gây ho ra máu, tràn máu màng phổi, chảy máu ồ ạt ra ngoài và tử vong do mất máu.

“Thay đổi lối sống, cai bỏ thuốc lá, khám sức khỏe định kỳ là cần thiết để phát hiện sớm các bệnh lý tim mạch. Khi được chẩn đoán phình động mạch dưới đòn, người bệnh cần đến ngay những cơ sở y tế chuyên sâu, với trang thiết bị hiện đại và bác sĩ nhiều kinh nghiệm để được chẩn đoán và điều trị phù hợp”, bác sĩ Hiền khuyến cáo.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
7 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dùng kỹ thuật hybrid cứu sống bệnh nhân bị bệnh phình động mạch hiếm gặp