Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, một công trình lớn của quốc gia với chi phí gần 900 triệu USD đang được nhà nước và nhân dân trông đợi hoàn thành, mà lại có thể “phát sinh” những chuyện cười ra nước mắt như vậy, thật không hiểu nổi.

Đừng để mất bò mới lo…

27/12/2017, 11:14

Đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, một công trình lớn của quốc gia với chi phí gần 900 triệu USD đang được nhà nước và nhân dân trông đợi hoàn thành, mà lại có thể “phát sinh” những chuyện cười ra nước mắt như vậy, thật không hiểu nổi.

Đoàn tàu bị vẽ bẩn dù được bảo vệ nghiêm ngặt - Ảnh: Báo Tuổi Trẻ

... Làm chuồng. Tức là giật mình hoắng lên, lo sợ, cuống quýt tìm nguyên nhân, tìm cách giải quyết, quy kết trách nhiệm. Nhưng tất cả đều là sự đã rồi. Nếu sự việc xảy ra chỉ để lại hậu quả nhẹ, không ghê gớm lắm thì còn có thể rút kinh nghiệm, nhưng nó mà nặng nề, tổn hại không thể tính đếm thì chỉ còn nhờ tới pháp luật.

Ấy là tôi muốn nhắc tới vụ việc cười không nổi xảy ra đêm 25.12 ở Hà Nội. Chả hiểu làm sao, giữa muôn trùng lực lượng bảo vệ, hàng rào ngăn cách nọ kia, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, vậy mà đoàn tàu đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông hiện đại nhập từ Trung Quốc về, được gìn giữ bảo vệ cẩn thận “như con ngươi của mắt mình” lại bị tấn công một cách rất hài. Không biết “quân địch” có bao nhiêu người, nhưng dứt khoát không thể một hai “lính”, đem theo “vũ khí” là sơn màu, đồ phun xịt, cọ quẹt đã khoác cho đoàn tàu mới nhập còn din chưa bóc tem ấy một bộ áo lòe loẹt, loang lổ, sặc sỡ chẳng giống thứ gì. Có người đùa những “bức tranh” được lắm, còn buột mồm khen các họa sĩ graffiti vẽ đẹp, ấn tượng, khéo tay. Chẳng qua họ nhìn dưới góc độ hội họa thôi, chứ xét dưới góc độ xã hội - pháp luật thì quả thật có vấn đề.

Vẽ lên cả cửa kính - Ảnh: Internet

Trước hết, cần hiểu đoàn tàu này là tài sản của nhà nước, giá đắt (được mua về với tổng cộng hơn 63 triệu USD, mà những toa tàu bị vẽ bẩn là một hợp phần), nhập từ Trung Quốc, chi phí vận chuyển, bảo quản, lặp đặt đều rất tốn kém. Tàu “quý như vàng” còn đang chờ đường, chưa biết khi nào mới xong bởi nhiều lý do. Tuy nhiên, đây là đoàn tàu đường sắt trên cao hiện đại đầu tiên của đất nước, cần phải được bảo vệ nghiêm ngặt, để làm sao khi đưa vào sử dụng phải an toàn ở mức cao nhất. Đầu xuôi thì đuôi mới lọt, không thể để những tai tiếng ban đầu làm ảnh hưởng đến quá trình khai thác về sau. Chính vì vậy, hành vi bôi bẩn lên đoàn tàu có thể xem như tội hủy hoại tài sản nhà nước. Không chấp nhận bảo rằng đó chỉ là thỏa mãn sáng tạo, nông nổi, bồng bột, cạn nghĩ.

Nhưng điều nghiêm trọng nhất không phải ở đó. Nếu các “họa sĩ graffiti” vi phạm gây lỗi một thì những người có trách nhiệm với đoàn tàu Cát Linh - Hà Đông, với tài sản nhà nước, với an ninh trật tự xã hội, phải nhận lỗi mười. Họ được giao nhiệm vụ bảo quản, bảo vệ tài sản quý giá của nhà nước, của nhân dân, có trách nhiệm giữ gìn không để xảy ra sai sót, vi phạm, gây mất an toàn, gây những lo ngại về sau. Cứ cho rằng không có cái gì, thứ gì là tuyệt đối, mười phân vẹn mười, nhưng để đoàn tàu bị “tấn công” bôi bẩn đến mức nực cười, không ai có thể nghĩ nó lại xảy ra như thế, thì quả thật đáng báo động. Điều rõ ràng là nhóm “họa sĩ” không tài giỏi như lính đặc công, đánh chớp nhoáng, vẽ êm rút nhẹ. Ít nhất họ cũng mất vài tiếng đồng hồ, làm rất tỉ mỉ, trong ánh sáng đầy đủ. Những bức vẽ hoành tráng, chi tiết như vậy phải tốn rất nhiều thời gian. Thế mà khi họ hành sự không ai biết, không ai hay, họ tung hoành như ở chỗ không người. Thử hình dung xem, may mà đây chỉ là những “họa sĩ graffiti” vẽ xong rồi rút êm, chứ nếu là “thế lực thù địch” nào đó như nhà nước vẫn cảnh báo, nó vào phá hoại, gây cháy nổ, ăn cắp những trang thiết bị hiện đại của đoàn tàu, khiến đoàn tàu bị vô dụng, hư hỏng… thì còn nguy hiểm đến đâu. Một công trình lớn của quốc gia với chi phí gần 900 triệu USD đang được nhà nước và nhân dân trông đợi hoàn thành, mà lại có thể “phát sinh” những chuyện cười ra nước mắt như vậy, thật không hiểu nổi.

Vẽ lên cả đầu tàu - Ảnh: Internet

Nghe lời phân trần của một vị trong Ban Quản lý dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông, có lẽ thêm một lần nữa ta không khỏi cười thầm. Ông bảo “Ga Cát Linh hằng ngày được bố trí lực lượng bảo vệ đoàn tàu và các thiết bị của nhà ga. Tuy nhiên chúng tôi chưa rõ việc vẽ bậy đã diễn ra như thế nào” (theo báo VnExpress).

Hình như các vị ấy vẫn thích kiểu “mất bò mới lo làm chuồng”.

Xuân Quỳnh

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đừng để mất bò mới lo…