Phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Đức Christian Thiels ngày 16.11 cho biết nước này đã ngỏ ý điều chiến đấu cơ giúp Ba Lan tăng cường tuần tra không phận, sau khi xảy ra vụ rơi tên lửa khiến 2 người thiệt mạng.
Chiến đấu cơ thực hiện nhiệm vụ sẽ là loại Eurofighter. Theo phát ngôn viên Thiels: “Tuần tra có thể diễn ra ngay ngày mai nếu Ba Lan muốn. Máy bay không cần được triển khai tại Ba Lan mà có thể xuất phát từ căn cứ không quân Đức”.
Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht dự kiến thảo luận vấn đề này với người đồng cấp Ba Lan ngay ngày 16.11. Số lượng Eurofighter thực hiện nhiệm vụ cần được bàn bạc mới quyết định.
Ngày 15.11, một tên lửa rơi xuống làng Przewodow (Ba Lan) gần biên giới giáp Ukraine khiến 2 dân thường thiệt mạng. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda tuyên bố đây dường như không phải tấn công cố ý.
Hãng Reuters dẫn lời quan chức NATO giấu tên tiết lộ Tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông báo với các đồng minh rằng vụ nổ là do tên lửa phòng không Ukraine gây ra. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng đưa ra tuyên bố tương tự. Tuy nhiên Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky một mực khẳng định tên lửa bay sang Ba Lan là lực lượng Nga bắn đi.
Lỗ hổng phòng không
Bất kể là tấn công cố ý hay sự cố, vụ nổ tên lửa mới xảy ra cũng phơi bày lỗ hổng phòng không ở mặt trận phía đông của NATO.
Sau Chiến tranh lạnh, nhiều quốc gia NATO cắt giảm số lượng đơn vị phòng không vì nghĩ rằng từ giờ trở đi họ chỉ phải đối phó mối đe dọa tên lửa không đáng kể từ số ít quốc gia, chẳng hạn Iran, mà thôi.
Ví dụ tiêu biểu là Đức - quốc gia tiền tuyến của NATO thời Chiến tranh lạnh. Số hệ thống Patriot mà Đức sở hữu giảm từ 36 xuống còn 12, trong đó 2 hệ thống được triển khai đến Slovakia.
Cuộc chiến tại Ukraine nổ ra năm nay khiến các nước NATO thay đổi. Giờ đây họ tranh nhau tăng cường kho đạn dược và khắc phục tình trạng thiếu hụt hệ thống phòng không. Đức vào tháng 10 khởi động sáng kiến cùng mua sắm hệ thống phòng không. Tuy nhiên, lỗ hổng bỏ trống vài chục năm qua khó lòng được lấp đầy trong một sớm một chiều.