Các nhà khoa học Đức vừa mới công bố cách thức nghiên cứu dịch COVID-19 lây lan bằng việc theo dõi cuộc sống của người dân ở ổ dịch lớn nhất nước này tại Heinsberg, bang North Rhine-Westphalia.

Đức biến ổ dịch COVID-19 lớn nhất nước thành 'phòng thí nghiệm khổng lồ'

01/04/2020, 07:27

Các nhà khoa học Đức vừa mới công bố cách thức nghiên cứu dịch COVID-19 lây lan bằng việc theo dõi cuộc sống của người dân ở ổ dịch lớn nhất nước này tại Heinsberg, bang North Rhine-Westphalia.

Cơ sở xét nghiệm COVID-19 lưu động tại thị trấn Gangelt ở Heinsberg, Đức - Ảnh: Reuters

Coronavirus đã lây lan mạnh mẽ tại quận Heinsberg, giáp biên giới với Hà Lan, nơi có 250.000 cư dân. Khu vực này hiện có tỷ lệ nhiễm COVID-19 cao nhất tại Đức với 1.281 ca dương tính và 34 trường hợp tử vong. Thậm chí Heinsberg còn được đặt biệt danh là “Vũ Hán của Đức”.

Theo The Guardian, trong những tuần tới ổ dịch này sẽ trở thành "phòng thí nghiệm" khổng lồ để nghiên cứu về cách thức vi rút corona lây lan trong cộng đồng. Dự án này được chính thức triển khai vào hôm 31.3 dưới sự giám sát của các nhà nghiên cứu vi rút hàng đầu của Đức cùng 40 sinh viên y khoa.

Giáo sư Hendrik Streeck, Trưởng khoa Vi rút học tại Đại học Bonn (Đức) cho biết kết quả nghiên cứu sẽ được sử dụng để tạo ra một kế hoạch chi tiết về cách Đức có thể đối phó với vi rút trong thời gian tới.

“Đây là một cơ hội lớn cho cả nước Đức. Chúng tôi sẽ thu thập thông tin, đưa ra những lời khuyên thiết thực để đối phó với COVID-19 và làm thế nào chúng ta có thể ngăn chặn được nó”, ông Streeck nói với một cuộc họp với các nghị sĩ Đức được truyền hình trực tiếp trên truyền hình.

Cụ thể, để tiến hành nghiên cứu này, các nhà khoa học sẽ theo dõi hoạt động của 1.000 cá nhân, 500 hộ gia đình, các trường mầm non, bệnh viện, nghiên cứu cách thức vi rút lây lan. Nhóm nghiên cứu sẽ theo dõi từng khía cạnh của cuộc sống, đánh giá cách vi rút lây từ trẻ con sang người lớn, lây lan trong gia đình, lây từ điện thoại di động sang tay nắm cửa, cốc chén và đồ điều khiển tivi. Ngoài ra, các nhà khoa cũng cũng sẽ đánh giá khả năng vi rút lây lan qua vật nuôi và một số loại thực phẩm.

“Nếu có những phương pháp để ngăn chặn dịch bệnh lan truyền trong môi trường, chúng biết chúng là gì, với mục tiêu cuối cùng là giúp chúng ta có thể tự do đi lại. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu này, chúng tôi có thể đưa ra các khuyến nghị mà các chính trị gia có thể sử dụng để ban hành các quyết sách”, Giáo sư Hendrik Streeck cho hay.

Bằng cách thử nghiệm khả năng miễn dịch với coronavirus của những đối tượng tham gia nghiên cứu, các nhà khoa học có thể xác định số lượng ước tính của các ca nhiễm bệnh chưa được phát hiện trên toàn quốc. Kết quả đầu tiên dự kiến sẽ được công bố trong tuần tới, mặc dù toàn bộ việc thu thập toàn bộ dữ liệu có thể kéo dài vài tuần. Tuy nhiên quá trình phân tích dữ liệu có thể kéo dài vài tháng, thậm chí vài năm.

Nhà khoa học Streeck cho biết ông không biết về bất kỳ nghiên cứu nào khác thuộc loại này được thực hiện ở các điểm nóng khác, như Vũ Hán ở Trung Quốc, Ischgl ở Áo, Bergamo ở Ý hay Alsace ở Pháp. Ông đã rất ngạc nhiên khi các cố vấn của chính phủ về các vấn đề sức khỏe cộng đồng đã không đưa ra ý tưởng này, "bởi vì sau tất cả, việc ngăn chặn là vì lợi ích quốc gia”.

Trưởng khoa Vi rút học tại Đại học Bonn (Đức) hy vọng nghiên cứu trên sẽ giúp những nhà lãnh đạo có thể đưa ra các quyết định trong các “tình huống nan giải” sao cho duy trì được sự cân bằng giữa việc đảm bảo sinh kế của người dân nhưng vẫn kiểm soát được tỷ lệ tử vong vì dịch bệnh.

Tính tới thời điểm hiện tại, theo dữ liệu thống kể của Worldometers, Đức đã ghi nhận hơn 68.000 ca nhiễm COVID-19, trong đó có hơn 600 trường hợp tử vong. Đức hiện có tỷ lệ tử vong 1%, thấp hơn nhiều so với 11,7% ở Ý và 8,7% ở Tây Ban Nha, hai nước bị ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch bệnh tại châu Âu. Nhưng Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn cảnh báo nước này có thể đối mặt với một "cơn bão" ca nhiễm mới trong những tuần tới.

Các bang trên khắp nước Đức đang bị phong tỏa với những biện pháp cách ly nghiêm ngặt được áp đặt. Trong cuộc đua chống lại coronavirus, Đức cũng đang đặt cược vào việc thử nghiệm và kiểm dịch trên diện rộng để phá vỡ chuỗi lây nhiễm, một chiến lược mượn từ Hàn Quốc vốn được cho là thành công trong việc làm chậm sự bùng phát của dịch COVID-19.

Hoàng Vũ (theo The Guardian)

Bài liên quan
Nói lời sau cùng, ông Lê Đức Thọ gửi lời xin lỗi toàn thể nhân dân Bến Tre
Nói lời sau cùng, bị cáo Lê Đức Thọ (cựu Bí thư tỉnh Bến Tre) bày tỏ sự hối hận về những gì xảy ra, đồng thời gửi lời xin lỗi tới Đảng bộ, toàn thể nhân dân tỉnh Bến Tre; xin lỗi gia đình nội ngoại 2 bên…

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
8 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Đức biến ổ dịch COVID-19 lớn nhất nước thành 'phòng thí nghiệm khổng lồ'