Cảnh sát Đức đã bắt nghi can chủ mưu vụ buôn lậu 389kg cần sa từ một ngôi trường thuộc Sứ quán Nga ở Buenos Aires (thủ đô Argentina) về Moscow bằng máy bay của chính phủ Nga, theo báo Moscow Times.
Chủ mưu được gọi là “Ngài K” bị bắt hôm 2.3 trong lúc lẩn trốn ở Đức, và tay này có tên thật là Andrei Kovalchuk.
Theo báo Clarin (Argentina), Kovalchuk bị cảnh sát quốc tế INTERPOL truy nã, nhưng nghi can sống ở Đức từ vài năm qua, mở một doanh nghiệp buôn bán rượu làm vỏ bọc, để vận chuyển ma túy từ Uruguay về Nga.
Luật sư Vladimir Zherebenkov kể với hãng tin Interfax rằng vợ nghi phạm báo cho ông biết vụ bắt này, và nghi phạm chắc chắn sẽ bị đưa ra tòa án Đức xét tội buôn lậu ma túy.
Nghi phạm nói bị Mỹ cài bẫy khiêu khích
Ngày 1.3, một quan chức bảo vệ pháp luật Nga giấu tên cho trang tin Rosbalt biết Kovulchuk từng là nhân viên Sứ quán Nga ở Berlin. Hôm sau, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố bác thông tin nghi phạm được cử làm việc ở Sứ quán Nga tại Đức, đồng thời khẳng định nghi phạm không hề làm việc cho Bộ.
Trước khi bị bắt, Kovalchuk nói ông bị chính quyền Mỹ “cài bẫy khiêu khích có tổ chức”, và nói hành lý từ Argentina của ông ta chỉ đựng cà phê, xì-gà và rượu nhưng đã bị thay bằng ma túy.
Ngày 28.2, luật sư của nghi phạm cũng nói với Interfax: “Kovalchuk tin rằng cảnh sát Argentina và tình báo Mỹ tham gia trò khiêu khích này, cài ma túy vào va-li nhằm bôi bác phía bộ ngoại giao Nga ở Argentina”.
Vụ án bắt đầu khoảng tháng 12.2016. Số 389kg ma túy “tinh tuyền nhất thế giới” và trị giá 50 triệu euro đựng trong 12 va-li đã được tìm thấy ở nhà kho của một ngôi trường thuộc Sứ quán Nga ở Buenos Aires.
Theo thông tin chính thức của chính quyền Argentina và Đại sứ Nga Victor Koronelli, ngay từ đầu chính quyền Nga đã vào cuộc: hôm 13.12.2016, Đại sứ Koronelli báo động với cơ quan an ninh Argentina về vụ phát hiện số va-li đáng ngờ.
Ngay sau khi cảnh sát Argentina đến Sứ quán để tịch thu số ma túy, đặc vụ Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) cùng cảnh sát Argentina quyết định chờ, lên kế hoạch đổi số ma túy bằng bột mì và dùng thiết bị định vị toàn cầu GPS để truy vết người “nhận hàng”.
Đến 2 giờ sáng 14.12.2016, sau khi xác định các bao hàng chứa đầy cocaine tinh khiết, tổng cộng khoảng 389kg, và Bộ trưởng An ninh Argentina, bà Patricia Bullrich trực tiếp có mặt, đã chỉ thị cấp dưới mua gấp 400kg bột mì.
Chính quyền Argentina biết chỉ đến 6 giờ sáng là nhân viên Sứ quán bắt đầu đến làm việc. Trong 4 giờ ngắn ngủi, họ phải thay số cocaine bằng bột mì và đặt máy định vị GPS bên trong.
Bà Bullrich cho biết đây là vụ phá án ma túy lớn nhất và phức tạp nhất ở Argentina, và là một đường dây ma túy quốc tế gồm người Argentina, Nga và Đức: “Chúng tôi biết ma túy ở Nga rất đắt. Đó có thể là số hàng cung cấp nhân dịp World Cup ở Nga hoặc cũng có thể phục vụ thông thường”.
Ông Nikolai Patrushev, Chủ tịch Hội đồng an ninh liên bang Nga, cũng bay đến Buenos Aires để giám sát chiến dịch phục kích từ tháng 12.2017.
Số va-li nằm yên ở Sứ quán Nga suốt một năm, từ lúc một nghi can thôi việc ở Sứ quán. Nhưng sau đó, nghi can (cựu nhân viên Sứ quán Ali Abyanov) đồng ý chuyển tư trang cá nhân về Moscow bằng chuyến bay chuyển công văn ngoại giao của Sứ quán vào ngày 9.12.2017.
4 ngày sau, 2 tên Vladimir Kalmykov và Ishtimir Khudzhamov trong đường dây buôn lậu bị bắt ở Moscow, và cựu nhân viên Sứ quán Abyanov cũng bị bắt tại một chung cư ở thủ đô Nga.
Argentina bắt hai người Argentina gốc Nga là sĩ quan cảnh sát Ivan Bliznyuk, người bị cáo buộc cung cấp các đầu mối liên hệ để qua mặt hải quan, và một quan chức sân bay Buenos Aires tên là Alexander Chikalo, người tổ chức chuyển giao số va-li ngoại giao lên máy bay của Bộ Ngoại giao Nga.
Người phát ngôn Maria Zakharova của Bộ Ngoại giao Nga nói một cựu nhân viên kỹ thuật bị bắt, và có một sĩ quan cảnh sát Agentina trong nhóm 6 người bị bắt.
Giáo sư nói đội trưởng bảo vệ Sứ quán Nga tổ chức buôn lậu ma túy
Điều chưa rõ là làm cách nào số ma túy lại có thể đến ngôi trường, có hay không sự dính líu của quan chức Nga trước và sau vụ án này?
Giáo sư Maxim Mironov có con học ở trường của Sứ quán Nga ở Buenos Aires, nói không thể chấp nhận Sứ quán không biết chuyện tổ chức buôn lậu-tàng trữ ma túy trong trường. Ông viết một đoạn blog trên trang tin điện tử LiveJournal, lưu ý việc không thể có chuyện tổ chức tàng trữ ma túy ở một cơ sở ngoại giao được bảo vệ 24/24 và chịu sự theo dõi chặt chẽ của đặc vụ FSB.
Nhà kinh tế học Mironov khẳng định “Tôi không thể tin thông tin chính thức rằng họ bất ngờ phát hiện số va-li chứa ma túy ở trong trường”. Ông cũng cho biết ông quen đội trưởng bảo vệ Sứ quán là Oleg Vorobyov, cho biết tổ bảo vệ 5 người luôn thay phiên gác/ngày.
Như vậy, theo giả thiết thì có một bảo vệ tiêu cực, mang ma túy vào trường khi đến phiên gác. Nhưng đây là một hành động rất nguy hiểm, vì tất cả các cổng ra-vào, cửa thoát và nơi công cộng đều gắn màn hình kiểm soát an ninh, ghi lại mọi thông tin.
Vẫn theo Giáo sư Mironov, chỉ còn một cách đem ma túy vào trường, là ai đó “bắt tay” với đội trưởng bảo vệ Vorobyov, người được gọi là “Ngài O” trong các cuộc thương lượng giữa cảnh sát viên Bliznyuk (người Argentina gốc Nga) với chủ mưu “Ngài K”, tức nghi can Kovalchuk.
Giới truyền thông Argentina còn có được tin rò rỉ, cho biết vào ngày 15.10.2017, “Ngài K” gọi điện thoại, yêu cầu “Ngài O” lấy 12 hộp rượu cognac và 2 hộp xì-gà, và một xe bán tải.
“Ngài O” từ chối yêu cầu của “Ngài K” vì ngại lâm rắc rối: “Tôi cần giấy phép đến sân bay, và chỉ có Đại sứ có quyền cấp”. Sau đó, “Ngài K” mời “Ngài O” ăn trưa, để tìm hiểu ai giữ chìa khóa tủ đựng số va-li của ông ta.
Giáo sư Mironov khẳng định từ lâu đã có hoạt động tuồn ma túy lậu ở Sứ quán Nga, nhưng có lúc bị Đại sứ Koronelli phản đối. Trong một cuộc nói chuyện, cảnh sát viên Bliznyuk và Chikalo (quan chức sân bay Buenos Aires) có bàn chuyện “Ngài K” cãi nhau với Đại sứ.
Từ đó, “Ngài K” bị mất kênh chuyển hàng là va-li công văn ngoại giao chở máy bay về Nga. Trong cuộc nói chuyện này, “Ngài K” còn được hứa sẽ có người trung thành hơn để thay Đại sứ Koronelli.
Giáo sư Mironov cũng nói ông Koronelli miễn cưỡng tố cáo đường dây buôn lậu ma túy, vì sự thay đổi lãnh đạo ở Argentina. Năm 2015, khi ông Mauricio trở thành Tổng thống, tình trạng tham nhũng ở ngành an ninh Argentina giảm đáng kể. Từ tháng 11.2016, Argentina cũng mở chiến dịch chống ma túy rầm rộ.
Giáo sư Mironov cho rằng cảnh sát phát hiện một số ma túy lớn được chở đến Sứ quán Nga. Và tránh tai tiếng, Bộ trưởng An ninh Argentina liên lạc với Đại sứ Koronelli, người cho phép cảnh sát Argentina đến Sứ quán tịch thu số ma túy và thay bằng bột mì. Ông cũng quyết định đóng cửa kênh chuyến ma túy.
Theo thông tin chính thức, Đại sứ Koronelli phát hiện số ma túy và chính ông báo cảnh cát, nhưng Giáo sư Mironov bác: “Thay vào đó, ông ấy được yêu cầu tiết lộ số ma túy, nếu không thì Argentina có thể làm ầm ĩ lên”.
Ngoài ra, ông Mironov còn nói chính cơ quan đặc nhiệm Argentina không tin thông tin chính thức của Bộ Ngoại giao Nga. Và đó là lý do sau thông tin chính thức, giới truyền thông Argentina nhận được nhiều chứng cứ ghi âm. Vị giáo sư nói bóng gió chính quyền Argentina muốn cho thấy vụ việc dính líu các quan chức cấp cao của Sứ quán Nga.
Vĩnh Thụy (theo Moscow Times)