Sau khi báo chí phản ánh chiến dịch tẩy chay cuốn sách Dụ tình - Lời mời của boss thần bí của tác giả Ân Tầm (Trung Quốc), vì “sách cổ xúy hiếp dâm, ngoại tình”. Để rộng đường dư luận, chúng tôi đăng tải phản hồi của Nanubooks (thuộc công ty sách Bách Việt) – đơn vị liên kết với NXB Lao Động xuất bản ấn phẩm này.
Sau đây là trao đổi giữa báo giới và bà Nguyễn Cẩm Tú, Trưởng Ban Văn học Trung Quốc của NanuBooks. Trong đoạn phim quảng cáo sách Dụ tình, Nanubooks đánh giá đây là một "siêu phẩm" của tác giả Ân Tầm, và trong cuộc phỏng vấn này, đơn vị xuất bản tiếp tục nhấn mạnh quan điểm này.
“Dụ tình vốn không dành cho độc giả vị thành niên”
* Hiện tại, có 2 trang trên Facebook là “Phản đối xuất bản sách truyện sex trá hình” và “Ngôn Tình - Ném Đá Confessions” có ý kiến tẩy chay, kêu gọi thu hồi sách Dụ tình. Đơn vị liên kết xuất bản bình luận gì về việc này?
- Chúng tôi cho rằng sách Dụ tình bản xuất bản là một tác phẩm có nội dung, có cốt truyện tương đối tỉ mỉ, chứ không phải là “truyện sex trá hình” như một số bạn đã nói. Một khi đã xuất bản một cuốn sách, có nghĩa là chúng tôi sẽ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm đối với nội dung của nó. Vì thế, cũng mong các bạn độc giả không căn cứ từ bản edit truyện trái phép trên mạng để quy chụp lên nội dung của sách Dụ tìnhbản xuất bản.
|
Sách Dụ tình - Lời mời của boss thần bí được Nanubooks quảng bá khá rầm rộ trên mạng trước và sau khi ra mắt hôm 20.3. |
* Dụ tình không được dán nhãn giới hạn độ tuổi khi in sách, chẳng hạn 18+. Trên Facebooks của Nanubooks, một số độc giả cũng tiết lộ họ chưa đủ tuổi nhưng vẫn thích đọc và hy vọng các cảnh tình dục trong truyện sẽ không bị cắt khi in sách.
- Thực ra, bản chất tác phẩm Dụ tình là một tiểu thuyết về tình yêu và cuộc sống. Vốn dĩ thể loại này không dành cho những lứa tuổi vị thành niên, học sinh, sinh viên. Còn về vấn đề có được dán nhãn 18+ hay không, chúng tôi cho rằng, nếu các bậc phụ huynh vẫn không thể kiểm soát được con em mình, vậy thì có dán nhãn hay không, các em cũng vẫn tìm đọc và mua thôi. Chưa kể đến yếu tố, càng dán nhãn lại càng kích thích sự tò mò đối với các em.
* Nanubooks cho biết đơn vị xuất bản đã cùng với tác giả Ân Tầm đã chỉnh sửa kỹ bản thảo trước khi in. Vậy các chỉnh sửa cụ thể là như thế nào?
- Đối với Dụ tình, bản thân tác phẩm gốc bên Trung Quốc, bản in sách đã được chỉnh sửa rất nhiều so với bản mà ban đầu tác giả đăng lên mạng. Sau đó, qua một thời gian trao đổi và làm việc cụ thể với tác giả Ân Tầm, từ bản in bên Trung Quốc đó, tác giả lại chỉnh sửa thêm rất nhiều để phù hợp hơn với thị trường Việt Nam.
Về việc chỉnh sửa như thế nào, nếu như chúng tôi liệt kê hết ra đây, vậy thì cuốn sách còn gì để đón đọc nữa? Tuy nhiên, chúng tôi xin được nhắc lại, nội dung cuốn sách Dụ tình không chỉ đã được cả hai phía tác giả và Nanubooks bàn bạc chỉnh sửa, mà nó còn phải thông qua các khâu kiểm duyệt nội dung đàng hoàng, chính vì thế, những yếu tố phản cảm như các bạn lên án, thực ra cũng không thể tồn tại được.
* Nanubooks nói độc giả không nên dựa vào bản trên mạng để đánh giá nội dung bản sách xuất bản. Vậy Nanu dựa trên cơ sở nào để mua bản quyền Dụ tình và đánh giá tác phẩm này thuộc hàng "siêu phẩm" như trong trailer quảng cáo?
- Các bạn độc giả luôn cho rằng phía công ty xuất bản quyết định mua bản quyền bất cứ tác phẩm nào đều thông qua những bản đăng trên mạng, nhưng trên thực tế, nhiều cuốn sách xuất bản còn chưa kịp có bản trên mạng. Điều này cho thấy, các công ty khi khai thác bản thảo cũng còn phụ thuộc vào thị trường phía Trung Quốc.
|
Tác giả Ân Tầm cũng gây tranh cãi không kém tác phẩm, khi được Nanubooks giới thiệu là "Thiên hậu làng ngôn tình Trung Quốc", nhưng nhóm tẩy chay dẫn ra danh sách "Tứ đại thiên hậu" và "Tứ tiểu thiên hậu" của ngôn tình đều không có tên Ân Tầm. |
Chúng tôi được biết Ân Tầm cũng là một tác giả trực thuộc Hội nhà văn Bắc Kinh và Hội nhà văn Trung Quốc. Cô đã có rất nhiều tác phẩm được xuất bản thành sách tại Trung Quốc, và Dụ tình là một trong số những tác phẩm của cô mà chúng tôi đánh giá khá cao về văn phong, về cốt truyện. Như trong trailer quảng cáo, Nanubooks nói đây là một "siêu phẩm" của nhà văn Ân Tầm vì chúng tôi đánh giá cuốn Dụ tình là một trong những tác phẩm xuất sắc nhất của nữ nhà văn này.
“Tình yêu trong Dụ tình là chân thành và dũng cảm”
* Hãy đi sâu vào các lý do khiến Dụ tình bị tẩy chay. Độc giả cho rằng, tác phẩm cổ xúy cho hiếp dâm và ngoại tình. Dẫn chứng là nhân vật nam chính có hành vi hiếp dâm nhưng lại được mô tả như anh hùng, còn nhân vật nữ chính đem lòng yêu bạn của vị hôn phu?
- Nội dung chính của tác phẩm Dụ tình cần phải nhắc đến một vụ án mà nhân vật nữ chính Lạc Tranh đã tiếp nhận để rồi từ đó gây dựng nên Văn phòng Luật của người yêu cô – luật sư Ôn Húc Khiên. Nhưng cô không ngờ, chỉ một tiểu xảo nhỏ bé của mình năm đó hòng lấy được chứng cứ quan trọng, cô đã vô tình gây nên rất nhiều những hiểu lầm cũng như mất mát về sau. Cũng chính từ vụ đó, nhân vật nam chính Thương Nghiêu đã quyết định lập một âm mưu tiếp cận Lạc Tranh để rồi trả thù cô.
Từ đó, hai người thường xuyên có cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc lẫn nhau, để rồi phải sống trong sự dằn vặt giữa tình yêu và thù hận. Sau đó, khi càng ngày càng phát hiện ra bộ mặt thật đều giả và nhẫn tâm của Ôn Húc Khiên, nỗi dằn vặt trong tâm tư của nữ chính Lạc Tranh mới dần dần được tình yêu thay thế.
|
Nanubooks khẳng định bản in sách đã chỉnh sửa nhiều so với bản đăng trên mạng. Trong ảnh là truyện Dụ tình trên một trang mạng, với số lượt xem rất lớn: 3.245.155 lần. |
Một số độc giả cho rằng nhân vật nam chính trong tác phẩm Dụ tình đã có những hành động đáng lên án như cưỡng bức và ép buộc nữ chính, chúng tôi cho lại rằng tác giả đã miêu tả rất rõ quá trình diễn biến về tâm lý của nhân vật trong những tình tiết như vậy.
Nữ chính Lạc Tranh đã hoàn toàn rung động trước nam chính với những tình cảm chân thành nhất. Khi chưa biết rõ bộ mặt thật của Ôn Húc Khiên, cô cũng từng vô cùng day dứt và bài xích chính những cảm xúc thật của mình. Nhưng càng về sau, bộ mặt thật của người mà cô vẫn cho rằng đó là người yêu mình càng lộ rõ, khi đó, cô mới có đủ dũng cảm để sống đúng với lòng mình.
* Vậy còn lời chỉ trích tác phẩm “hạ nhục phụ nữ khi kể cả nhân vật nữ chính và các nhân vật nữ phụ chẳng khác gì đồ chơi tình dục cho nam chính”?
- Như đã nói ở trên, nhân vật nam chính tiếp cận với nữ chính, mục đích ban đầu là để trả thù, chính vì thế, thái độ được miêu tả có phần tà ác. Nhưng không thể không nhắc tới những dằn vặt trong tâm lý của anh khi càng hận cô, anh lại càng yêu cô. Còn đối với các nhân vật phụ khác, chúng tôi cảm thấy bản xuất bản của Dụ tình không có những chi tiết hạ nhục phẩm chất của phụ nữ.
* Tác phẩm còn bị cho là “phổ biến tư tưởng sai lầm về tình dục”, rằng “tình dục tuyệt đối không phải muốn là đè ra và hành xử như súc vật”?
- Chúng tôi cảm thấy ý kiến này không liên quan gì đến tác phẩm Dụ tình sách xuất bản. Bởi trong bản in này, tất cả những yếu tố như vậy đều không tồn tại. Như đã nói, chúng tôi đã cùng với tác giả chỉnh sửa rất kỹ lưỡng bản thảo.
Chúng tôi mong muốn độc giả hãy nói “Không” với những bản edit truyện trái phép đang lưu hành trên mạng internet một cách rộng rãi hiện nay. Bởi những bản đó không thông qua bất cứ khâu kiểm duyệt cũng như bản quyền nào, không thể lấy làm căn cứ để đối chiếu về nội dung của tác phẩm.
Chẳng cha mẹ nào lại coi con mình là “rác”
* Kết lại, tác phẩm bị nhóm độc giả tẩy chay liệt kê đầu tiên trong dòng “sách rác” của thể loại ngôn tình. Theo Nanubooks, Dụ tình có đáng bị coi là "sách rác"?
- Đối với Nanubooks, Dụ tình cũng như một đứa con của mình. Và đương nhiên, sẽ chẳng có cha mẹ nào lại coi con mình là "rác".
Nhưng đối với bất cứ một sản phẩm nào, kể cả sách, việc đánh giá nó lại trở thành quyền cá nhân của mỗi một độc giả. Có thể với người này, cuốn sách này hay, nhưng với người khác, cuốn sách đó lại là dở. Đứng trên góc độ một đơn vị liên kết xuất bản, chúng tôi hy vọng mỗi độc giả sẽ lựa chọn được một cuốn sách khiến cho mình yêu thích, và quan trọng là nó phải phù hợp với bạn.
Theo Thể thao văn hóa