Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), điểm mới của Dự thảo Quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân là việc điều chỉnh giá bán điện sẽ thực hiện công khai, minh bạch, tăng cường sự kiểm tra, giám sát. Theo đó, hàng năm sau khi kiểm tra, Bộ Công Thương sẽ chủ trì họp báo công bố công khai kết quả sản xuất, kinh doanh điện của EVN.

Dự thảo mới: Bộ Công Thương sẽ họp báo công khai kết quả sản xuất, kinh doanh của EVN

Duyên Duyên | 17/10/2016, 16:00

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), điểm mới của Dự thảo Quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân là việc điều chỉnh giá bán điện sẽ thực hiện công khai, minh bạch, tăng cường sự kiểm tra, giám sát. Theo đó, hàng năm sau khi kiểm tra, Bộ Công Thương sẽ chủ trì họp báo công bố công khai kết quả sản xuất, kinh doanh điện của EVN.

Sẽ công khai kết quả sản xuất, kinh doanh điện của EVN

Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của các Bộ, ngành liên quan và các khách hàng sử dụng điện về Dự thảo Quy định cơ chế điều chỉnh giá bán điện bình quân thay thế Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg.

Đánh giá về dự thảo này, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương) cho biết, có 2 điểm mới so với Quyết định 69.

Thứ nhất, thời gian giữa hai lần điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân là 3 tháng, thay vì 6 tháng như quy định tại Quyết định 69 với 4 trường hợp.

Trường hợp giá bán điện được tính toán thấp hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành và trong khung giá, EVN có trách nhiệm điều chỉnh giảm giá bán điện bình quân ở mức tương ứng, lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra.

Nếu giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 3% đến dưới 5% và trong khung giá quy định, EVN được quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân ở mức tương ứng; phải lập hồ sơ báo cáo Bộ Công Thương và Bộ Tài chính để kiểm tra.

"Trường hợp giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 5% đến dưới 10% và trong khung giá quy định, căn cứ vào tình hình kinh tế - xã hội thực tế, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và quyết định điều chỉnh tăng giá bán lẻ điện bình quân.

Còn với trường hợp sau khi tính toán cập nhật, giá bán điện bình quân tính toán cao hơn so với giá bán điện bình quân hiện hành từ 10% trở lên hoặc ngoài khung giá quy định, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính kiểm tra, rà soát và trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định", ông Tuấn cho biết.

Điểm mới thứ hai tại dự thảo, theo ông Tuấn là việc điều chỉnh giá bán điện bình quân phải thực hiện công khai, minh bạch, tăng cường sự kiểm tra, giám sát.

Theo đó, ông Tuấn cho biết, Bộ Công Thương sẽ kiểm tra, giám sát chặt chẽ việc thực hiện điều chỉnh giá bán điện bình quân theo quy định. Trường hợp cần thiết, Bộ sẽ có văn bản yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng giá bán điện bình quân.

"Hàng năm, sau khi có báo cáo quyết toán chi phí sản xuất, kinh doanh điện, báo cáo tài chính đã được kiểm toán độc lập của EVN và các đơn vị thành viên, Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, mời Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan tham gia kiểm tra chi phí sản xuất, kinh doanh điện của năm trước liền kề.

Khi kết thúc kiểm tra, Bộ Công Thương chủ trì họp báo công bố công khai kết quả, đồng thời công bố công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương và Cục Điều tiết điện lực", Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực thông tin.

Cho EVN quyền điều chỉnh giá điện là hợp lý!

Đối với quyết định trao cho EVN quyền điều chỉnh giá điện mà dư luận đang nghi ngại, ông Nguyễn Anh Tuấn cho rằng, quyết định này mang tính kế thừa và hoàn toàn hợp lý.

Để chứng minh cho điều này, ông Tuấn dẫn ra hàng loạt các quy định trước đó. Cụ thể, theo ông Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, quy định tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực năm 2012 thì giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng trên cơ sở khung giá bán lẻ điện bình quân do Thủ tướng quy định.

Mặt khác, Thủ tướng cũng quy định về cơ chế điều chỉnh giá. Tại Quyết định số 24/2011/QĐ-TTg trước đây quy định, EVN đã được phép điều chỉnh giá bán điện sau khi đăng ký với Bộ Công Thương.

Bên cạnh đó, Quyết định 69 cũng quy định EVN được phép điều chỉnh giảm giá bán điện khi giá bán điện bình quân cơ sở cập nhật thấp hơn giá bán bán điện bình quân hiện hành, quyết định tăng giá bán điện bình quân từ 7 đến dưới 10% sau khi được Bộ Công Thương chấp thuận.

"Do vậy, đề xuất quy định được phép quyết định điều chỉnh giảm giá điện (không giới hạn tỷ lệ giảm), quyết định tăng giá bán điện bình quân ở mức từ 3% đến dưới 5% là phù hợp với quy định tại Luật Điện lực, có tính kế thừa các quy định trước đây và phù hợp với định hướng của Chính phủ về việc điều hành giá điện theo cơ chế thị trường", ông Tuấn khẳng định.

Ngoài ra, để giám sát việc điều chỉnh tăng giá điện của EVN, ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, trong dự thảo quyết định mới đã quy định trường hợp EVN quyết định điều chỉnh tăng hoặc giảm giá bán lẻ điện bình quân, Bộ Công Thương sẽ chủ trì, phối hợp Bộ Tài chính và các đơn vị liên quan xem xét, kiểm tra các báo cáo, tính toán của EVN.

"Bộ Công Thương được phép mời tư vấn độc lập để thẩm tra báo cáo của EVN, nếu phát hiện có các sai sót trong kết quả tính toán giá điện, Bộ Công Thương sẽ yêu cầu EVN giảm hoặc dừng tăng việc tăng giá điện", ông Tuấn cho biết.

Duyên Duyên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
2 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự thảo mới: Bộ Công Thương sẽ họp báo công khai kết quả sản xuất, kinh doanh của EVN