PGS.TS Nguyễn Đăng Nam cho rằng, với dự thảo giá điện mới của EVN, mấu chốt vấn đề không phải là ở cách tính, mà là ở giá điện Việt Nam cao. Còn với 3 phương án giá điện mà EVN đưa ra thì chỉ giúp EVN thu được nhiều tiền hơn chứ không thiệt thòi gì.

Dự thảo giá điện: EVN thu được nhiều tiền hơn chứ không thiệt gì!

Một Thế Giới | 22/09/2015, 08:00

PGS.TS Nguyễn Đăng Nam cho rằng, với dự thảo giá điện mới của EVN, mấu chốt vấn đề không phải là ở cách tính, mà là ở giá điện Việt Nam cao. Còn với 3 phương án giá điện mà EVN đưa ra thì chỉ giúp EVN thu được nhiều tiền hơn chứ không thiệt thòi gì.

Trong dự thảo gần đây, EVN dự kiến sẽ cải tiến, sắp xếp lại biểu giá điện sinh hoạt bậc thang theo 3 phương án:

Phương án 1: Giá điện sẽ được giữ nguyên với 6 bậc thang như hiện hành. Phương án này có ưu điểm khuyến khích người dân tiết kiệm điện . Tuy nhiên, việc có quá nhiều bậc thang sẽ gây phức tạp cho việc tính toán.

Phương án 2: Chỉ có một mức giá điện sinh hoạt là 1.747 đồng/kWh. Đây là mức giá bán điện bình quân từ biểu giá điện sinh hoạt bậc thang hiện nay. Nếu áp dụng phương án này, những hộ có mức tiêu thụ điện dưới 240 kWh/tháng sẽ phải trả số tiền điện nhiều hơn so với mức giá hiện tại.

Phương án 3: Rút gọn biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc. Với phương án này thì nhiều người cho rằng người dùng điện ít sẽ chịu thiệt thòi.

Tuy nhiên, cả 3 phương án mà EVN đưa ra đang gặp phải nhiều phản ứng từ dư luận cũng như các chuyên gia kinh tế vì sự không hợp lý.

Trao đổi với PV Một Thế Giới, PGS.TS Nguyễn Đăng Nam (Học viện Tài chính Hà Nội) cho rằng, cơ bản là giá điện ở Việt Nam cao, lại tính thêm các chi phí khác vào giá điện nên gây ra phản ứng trong người dân nhiều năm nay. Phải giải quyết được vấn đề mấu chốt này thì mới đảm bảo được quyền lợi cho người tiêu dùng.

Ông Nam cũng cho hay, nếu tính theo giá điện bình quân 1.747 đồng/kWh thì những hộ dùng điện ở mức thấp sẽ thiệt thòi, còn những người sử dụng điện nhiều hơn mức bình thường thì sẽ có lợi hơn.
Trong khi đó, phần đông người dân thuộc vào những hộ sử dụng điện ít. Số người được lợi ít hơn và số người chịu thiệt nhiều hơn, người nghèo gánh tiền điện cho người giàu. Như vậy, EVN sẽ thu được nhiều tiền hơn chứ EVN không thiệt thòi gì.

“Do Việt Nam thiếu điện nên càng dùng nhiều thì giá điện càng tăng còn các nước khác, càng dùng nhiều thì giá càng rẻ. EVN nên để giá điện ở mức hợp lý chứ không thể vì độc quyền mà muốn tăng thế nào thì tăng” - ông Nam nói.

Ông Nam cũng cho rằng, để ở mức 3-4 bậc thang cũng có thể chấp nhận được nhưng giá phải điều chỉnh lại cho hợp lý. Người dân quan tâm nhiều đến hệ số giữa các bậc hơn là số lượng bậc thang giá điện.

“Với mức giá điện bình quân là 1.622 đồng/kWh, bậc 1 và 2 thấp hơn 8,5% và 5%. Bậc 3 cao hơn 10%, bậc 4 lên đến 38%, bậc 5 (54%) và bậc 6 là 59% thì rõ ràng người dân sẽ phản ứng vì cao quá. Nếu để ở mức 6 bậc thang như cũ thì vừa rắc rối, vừa gây nặng nề cho người quản lý” – ông Nam noi.

Bên cạnh đó, PGS.TS Ngô Trí Long cũng cho rằng, điện là loại năng lượng không tái tạo được, không nên lãng phí nên phải dùng luỹ kế. Đối với mặt hàng điện, cung không đủ cầu do đó không khuyến khích sử dụng nhiều nên áp dụng cách tính luỹ tiến, bậc thang để càng dùng nhiều càng phải trả nhiều tiền. 

Ông Long nói thêm, trong khi trên thị trường các mặt hàng khác càng dùng nhiều càng phải trả tiền ít, mặt hàng điện quan điểm cung không đủ cầu nên phải dùng luỹ kế. Do đó không đồng nhất giá điện được.

"Mặt khác, xã hội có nhiều người nghèo, Chính phủ luôn bảo hộ, tạo điều kiện hỗ trợ người nghèo, tuy nhiên với việc áp giá điện đồng giá thì vô hình chung người nghèo lại phải trả cho người giàu", ông Long nhận định.

Với phương án 3, rút gọn biểu giá điện sinh hoạt từ 6 bậc thang về 3 hoặc 4 bậc, mỗi bậc có 5 kịch bản, theo ông Long, EVN vẫn tiếp tục tính giá mỗi bậc là 1.747 đồng/kWh cho nên cần phải rút bớt hệ số trong bậc tiêu dùng phổ biến 100-300kWh.

"Muốn đề xuất thì phải tính, dựa trên phương án càng chia nhỏ càng tốt, ví dụ 6 bậc là hợp lý nhưng hệ số từng bậc phải thấp hơn hiện nay", ông Long cho biết.

Đánh giá một cách tổng quát về 3 phương án do EVN đề xuất, ông Long nhận định về cơ bản là xây dựng thiếu khách quan giống như trước đây xây dựng 6 bậc thang, nên sau một thời gian sử dụng phải xây dựng lại. 

Hoàng Long

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 3: Hiến kế phát triển nghề
Để nghề sản xuất muối vượt qua khó khăn, làm tiền đề để nâng cao đời sống và có nhiều hơn những hộ khá giàu, bà con diêm dân đã mạnh dạn hiến kế để chính quyền địa phương xem xét, lựa chọn kế sách phù hợp, từng bước đưa nghề muối ở Bạc Liêu phát triển bền vững, diêm dân sống được với nghề vốn được xem là truyền thống.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự thảo giá điện: EVN thu được nhiều tiền hơn chứ không thiệt gì!