Đã đến lúc phải thay đổi và thống nhất. Số liệu du lịch cần tách khách du lịch (dĩ nhiên là phải lưu trú vì qua đêm) với khách tham quan.

Du lịch Việt Nam vào dịp lễ: Những số liệu biết nhảy múa

Nguyễn Văn Mỹ | 11/05/2022, 05:55

Đã đến lúc phải thay đổi và thống nhất. Số liệu du lịch cần tách khách du lịch (dĩ nhiên là phải lưu trú vì qua đêm) với khách tham quan.

Sau hơn 2 năm “đứng hình” vì dịch bệnh COVID-19, du lịch Việt Nam có mùa bội thu vào dịp lễ 30.4 và 1.5. Kết hợp cuối tuần, người dân được nghỉ bù 4 ngày. Nhiều trọng điểm du lịch ngập khách. Bất chấp một số khuyến cáo và cảnh báo, điệp khúc “du lịch hành xác” vẫn đồng khởi. Nhiều cung đường chật cứng; đi bộ cũng khó thoát, nói chi xe cộ.

Đáng mừng là du lịch bùng nổ nhưng dịch bệnh thoái trào, báo hiệu thời cơ để du lịch tăng tốc phục hồi. Dẫu rằng, chất lượng dịch vụ và cả tinh thần phục vụ chưa thể như trước dịch nhưng các địa phương đều nỗ lực tối đa. Chỗ nào cũng có khó khăn về nhân lực và những biểu hiện nghiệp vụ chưa tương xứng, không riêng gì Việt Nam mà nhiều nước khác.

Ngày 4.5, báo chí Việt Nam đồng loạt đưa tin về các địa phương dẫn đầu du khách trong 4 ngày nghỉ (số liệu do Bộ Văn hóa – Thể thao – Du lịch tổng hợp). Riêng top 3 đã đón hơn 2 triệu lượt khách, thu 4.000 tỉ đồng. Doanh thu du lịch của nhiều địa phương tăng gấp nhiều lần so với cùng kỳ các năm trước.

Mấy ngày lễ, thời tiết bất lợi, áp thấp nhiệt đới tràn vào biển Đông, gây mưa liên tục, ngập úng nhiều nơi. Vài nơi phải hủy tour vì thời tiết, tắc đường nhưng số liệu vẫn rất ấn tượng.

solieudulich.jpg
Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu hút khách trong dịp lễ 30.4 và 1.5 vừa qua

Những con số ấn tượng

Thanh Hóa đã đón được tổng cộng 898.000 lượt du khách, trong đó, lưu trú 577.400 lượt, tăng 85,6% so với năm 2021. Tổng thu du lịch đạt 1.960 tỉ đồng, tăng 123,2% so với năm 2021.

Nghệ An đón 712.000 lượt khách, lưu trú có 285.000 lượt; doanh thu du lịch đạt 855 tỉ đồng.

Hà Nội ước đón hơn 550.000 lượt khách, có khoảng 2.000 khách quốc tế; tăng gần 20 lần so với cùng kỳ năm 2020. Tổng thu du lịch trên 1.500 tỉ đồng, tăng 17 lần so với cùng kỳ năm 2020 (lễ 30/4 và 1/5 năm 2021 cả nước đang thực hiện giãn cách xã hội).

Cần Thơ đón khoảng 395.000 lượt khách (tăng 35% so với 2021); lưu trú hơn 73.000 lượt khách, 480 khách quốc tế. Tổng thu du lịch đạt 181 tỉ đồng (tăng 40%).

Quảng Ninh đón khoảng 340.000 khách du lịch.

Lâm Đồng đón khoảng 132.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (130.500 lượt khách nội địa và 1.500 khách quốc tế)

An Giang đón khoảng 300.000 lượt du khách trong và ngoài nước tới địa phương này tham quan, tăng 51% so với cùng kỳ 2021.

Kiên Giang đón khoảng 297.000 lượt khách (Phú Quốc đón 128.739 lượt khách), tăng 67,7% so với cùng kỳ 2021, có trên 5.000 lượt khách quốc tế, tăng 66,4% so với cùng kỳ. Khách tham quan 211.239 lượt, tăng 83,7%; khách lưu trú 85.500 lượt, tăng 38,1%. Tổng thu du lịch trên 248 tỉ đồng, tăng 31,4%.

Bà Rịa Vũng Tàu đón khoảng 283.000 lượt khách, doanh thu dịch vụ lưu trú hơn 231 tỉ đồng.

Khánh Hòa, đón 275.500 lượt khách, lưu trú khoảng 125.500 lượt, khách quốc tế là 2.405 lượt, khách nội địa là 123.095 lượt và khoảng 150.000 lượt khách tham quan. Tổng doanh thu trên 529 tỉ đồng.

Đà Nẵng đón hơn 254.000 lượt khách, tăng hơn 3,4 lần so với cùng kỳ 2021; trong đó, khách nội địa đạt khoảng 246.600 lượt khách, khách quốc tế đạt khoảng 7.400 lượt khách, tăng gần 16 lần so với cùng kỳ năm 2021 (năm ngoái chưa mở lại các đường bay quốc tế).

TP.HCM không có tên trong top 10 "quán quân" vì chỉ có có 186.800 lượt khách nội địa đến TP.HCM, 95.000 lượt khách lưu trú, hơn 13.200 lượt khách quốc tế. Chưa tính 420.000 lượt khách tham quan. Tổng thu du lịch đạt 1.610 tỉ đồng.

Cần phải nói thêm rằng, lượng khách outbound, so với trước dịch, còn khá "khiêm tốn". Các nước ASEAN đơn giản tối đa thủ tục nhập cảnh nhưng lượng khách vẫn chưa đông. Trong khi đó, Việt Nam vẫn giữ quy định test nhanh khi nhập cảnh và trước đó vẫn còn quy định khai báo y tế.

Số liệu... nhảy múa

Trước hết là bảng số liệu không thống nhất, mỗi nơi báo cáo một kiểu. Số liệu về lượng khách và cả doanh thu không thể tròn, các đơn vị thường ước khoảng, chừng, hơn, gần… là hợp lý. Số liệu du lịch, ngoài tổng lượng khách, doanh thu, cần có thêm lưu trú, khách quốc tế và so sánh với cùng kỳ năm trước.

Số liệu du lịch, quan trọng nhất là tổng doanh thu, tổng lượng khách. Khách lưu trú (dựa vào đăng ký tạm trú của các cơ sở lưu trú) và nên thống nhất đơn vị tính là “đêm”. Nếu đơn vị tính là khách thì có khách ở nhiều đêm, khó hình dung. Số lượng khách tham quan, chưa hẳn là khách du lịch vì một khách du lịch có thể tham quan nhiều điểm.

biensamson.jpg
Khách du lịch đến biển Sầm Sơn, Thanh Hóa trong dịp lễ 30.4 và 1.5 - Ảnh: CAND

Dịp lễ vừa qua, Thanh Hóa vươn lên dẫn đầu cả nước với 898.000 lượt khách (bằng 9,3 % cả năm 2019), tổng doanh thu 1.960 tỉ đồng (bằng 13%) cả năm 2019. Rất khó có số liệu tròn. Chỉ trong 4 ngày mà bằng 13% cả năm thì “quá đỉnh”. Tuy nhiên, số liệu 577.000 lượt khách lưu trú cần được thẩm định lại.

Theo số liệu của Sở VH- TTDL ngày 9.5.2019, toàn Thanh Hóa có 10.970 phòng lưu trú từ 1 – 5 sao. Giả sử có thêm 4.000 phòng guest house. Tổng cộng 15.000 phòng. Nếu ở hết công suất 100% suốt 3 đêm, tối đa phòng 3 người; cũng chỉ có 135.000 lượt khách lưu trú thì lấy đâu ra số liệu 577.000 lượt ?

Nghệ An xếp thứ 2 với 712.000 lượt khách (bằng 11% năm 2019, gấp hơn 10 lần dịp lễ 30.4 – 1.5.2021). Tổng doanh thu đạt 855 tỉ đồng (bằng 9,7% năm 2019; gấp 41,5 lần dịp 30.4 – 1.5.2021). Hình ảnh du lịch Nghệ An dịp 30.4 – 1.5.2021 đã chen chúc, không hiểu là lượng khách tăng gấp 10 lần thì như thế nào. Làm sao phục vụ và đảm bảo an toàn? Số liệu 285.000 lượt khách lưu trú (bằng 49% Thanh Hóa) cần được xác minh. Lượng khách đến Nghệ An bằng 79% Thanh Hóa nhưng doanh thu chỉ bằng 43,6% cũng cần lý giải.

Dịp lễ 30.4 – 1.5 vừa qua lượng khách quốc tế ít đến kinh ngạc. Trong Top 10 các địa phương dẫn đầu lượng khách chỉ có Đà Nẵng 7.400 khách, Phú Quốc (Kiên Giang) 5.000; Khánh Hòa 2.405; Hà Nội có 2.000. Hai tỉnh dẫn đầu không có khách quốc tế nào? TP.HCM, không năm trong Top 10 nhưng đón 13.200 khách quốc tế (bằng 78% cả top 10). Mục tiêu cả nước đón 5.000.000 khách quốc tế năm 2022 xem ra rất gian nan.

TP.HCM chỉ đón 95.000 lượt khách lưu trú; 420.000 khách tham quan (có 186.800 khách du lịch); doanh thu đạt 1.610 tỉ đồng…

baochinhphu.jpeg
Bảng số liệu trên TTXVN

Kiến nghị

Lâu nay, việc báo cáo số liệu ở Việt Nam thường vênh nhau giữa địa phương với Trung ương và rất khó kiểm chứng. Việc này là biểu hiện của bệnh thành tích, thói khoa trương, chạy theo số lượng.

Đã đến lúc phải thay đổi và thống nhất. Số liệu du lịch cần tách khách du lịch (dĩ nhiên là phải lưu trú vì qua đêm) với khách tham quan. Không ghép khách dự các lễ hội, sự kiện miễn phí, đi lễ chùa và nhà thờ vào lượng khách du lịch để có thành tích ảo. Điều quan trọng nhất của kinh doanh du lịch là doanh thu theo đầu người.

Chẳng nước nào mà doanh thu đầu khách du lịch chỉ vài trăm ngàn đồng mỗi người như Việt Nam. Năm 2019, du lịch Thái Nguyên đón 2.900.000 lượt khách; tổng thu 400 tỉ đồng; bình quân đầu người 138.000 đồng (nguồn VOV.vn 16.6.2021). Đồng Tháp đón 3.900.000 lượt khách, doanh thu 1.050 tỉ đồng; bình quân đầu người là 269.000 đồng (nguồn dulich.dongthap.gov.vn 23.1.2020)…

Làm du lịch là làm kinh tế. Số liệu cần chính xác, cụ thể. Tăng hay giảm đột biến cần có lý giải minh bạch. Những địa phương cố tình lập lờ, phóng đại; cần được xử lý nghiêm. Báo cáo sai làm nhiễu thông tin, dẫn đến việc đánh giá, dự báo và lập kế hoạch thiếu thực tế. Hậu quả là bệnh thành tích càng sinh sôi, việc “tự sướng” với những số liệu giả  và thành quả ảo càng phát triển.

Nguyễn Văn Mỹ (Chủ tịch Lửa Việt Tours)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
3 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch Việt Nam vào dịp lễ: Những số liệu biết nhảy múa