Nếu phải chỉ ra một lĩnh vực vừa có thể xem là biểu tượng cho sự thành công của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017, lại vừa bắt bệnh chính xác những vấn đề nội tại của nền kinh tế, thì không gì có thể hơn được Du lịch.

Du lịch Việt Nam 2017 và những góc nhìn

Nhàn Đàm | 29/12/2017, 16:57

Nếu phải chỉ ra một lĩnh vực vừa có thể xem là biểu tượng cho sự thành công của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017, lại vừa bắt bệnh chính xác những vấn đề nội tại của nền kinh tế, thì không gì có thể hơn được Du lịch.

Những ngày cuối cùng của năm 2017 có lẽ là khoảng thời gian thích hợp để ít nhiều thong thả nhìn lại cả một năm đã qua, nhất là khi đây là một năm được đánh giá là đầy sôi động của nền kinh tế Việt Nam. Có thể kể đến một loạt những thành công ở nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế suốt một năm qua, góp phần tạo nên mức tăng trưởng ấn tượng 6,81%. Nhưng, nếu phải chỉ ra một lĩnh vực vừa có thể xem là biểu tượng cho sự thành công của nền kinh tế Việt Nam trong năm 2017, lại vừa bắt bệnh chính xác những vấn đề nội tại của nền kinh tế, thì không gì có thể hơn được Du lịch. 2017 là một năm có thể xem là rất thành công với ngành du lịch Việt Nam, nhưng nó cũng đặt ra những dấu hỏi mang tính vĩ mô không chỉ cho lĩnh vực này, mà còn là cho với cả nền kinh tế đất nước.

Có thể trong năm 2017 lĩnh vực sản xuất công nghiệp vớiyếu tố chủ đạo góp phần tạo nên mức tăng trưởng ấn tượng 6,81% của nền kinh tế Việt Nam, nhưng du lịch mới là lĩnh vực được xem là biểu tượng. Những con số không biết nói dối: theo số liệu của Tổng cục Thống kê, du lịch Việt Nam đã đón khoảng 12,9 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2017, tăng tới 29,1% so với năm 2016 và được xem là kỳ tích của ngành khi lần đầu tiên mức tăng về du khách quốc tế đạt tới 2,9 triệu lượt khách/năm. Còn theo Tổng cục Du lịch, lượng khách nội địa cũng đạt hơn 73 triệu lượt trong năm nay, tăng gần 20% và tổng thu trực tiếp lên tới trên 500.000 tỉ đồng (tương đương 23 tỉ USD) và đóng góp 7,5% vào GDP chung của nền kinh tế (theo CafeF).

Kết quả này đến từ việc Bộ Chính trị đã quyết định đưa Du lịch trở thành lĩnh vực thuộc diện kinh tế mũi nhọn định hướng phát triển lâu dài kể từ thời điểm năm 2017. Điều này là có cơ sở nếu xét về tiềm năng du lịch của Việt Nam, khi chúng ta luôn được xếp hạng cao trong khu vực và trên thế giới về tiềm năng nhưng con số du khách thu hút được mỗi năm lại khá khiêm tốn: trong năm 2016 Việt Nam chỉ đón được khoảng 10 triệu lượt khách quốc tế, thua kém xa so với các nước trong khu vực như Thái Lan (khoảng 30 triệu lượt), Malaysia (26 triệu lượt) hay thậm chí là kể cả Singapore (khoảng 16 triệu lượt). Vì thế, việc tăng lượng khách quốc tế lên đến gần 3 triệu lượt ngay trong năm đầu tiên triển khai Nghị quyết đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là điều đáng mừng. Thậm chí, chúng ta có thể kỳ vọng về mức tăng trưởng lượt khách quốc tế ấn tượng hơn trong các năm sau, khi sự chuẩn bị và đầu tư cho du lịch Việt Nam kỹ lưỡng hơn.

Nhưng, ở thời điểm hiện tại thì điều Việt Nam cần làm là phải tỏ ra thực tế. Cũng giống như những con số thống kê tích cực nói trên, các con số thống kê tiêu cực cũng không hề biết nói dối: thống kê mới nhất của Tổng cục Du lịch đã chỉ ra, 80% khách du lịch nước ngoài không quay trở lại Việt Nam (theo CafeF). Điều này về cơ bản đe dọa sự ổn định về số lượng du khách quốc tế đến Việt Nam các năm sắp tới, vì nó chủ yếu dựa trên sự quay trở lại hàng năm. Tại các nước trong khu vực nơi lượng du khách mỗi năm đều tương đối ổn định, thì tỷ lệ du khách quay trở lại đều khá cao: 82% khách du lịch quay lại Thái Lan trên 2 lần, còn ở Singapore là 89%. Điều này có nghĩa là Việt Nam đang mất nhiều công sức hơn qua hàng năm để chèo kéo du khách mới, trong khi lượng khách cũ đã đến trong các năm trước thì cứ mất dần. Nói cách khác, cách làm du lịch của chúng ta không ổn định, thiếu tính bền vững, thiên về chạy đua số lượng.

Điều này trên thực tế cũng không có gì lạ nếu chúng ta nhìn thẳng vào sự tăng trưởng được xem là vượt bậc về lượt du khách của ngành du lịch trong năm 2017. Như đánh giá của Tổng cục Du lịch hay thậm chí của cả các Phó Thủ tướng, thì nguyên nhân thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc du khách quốc tế trong năm 2017 (khoảng 2,9 triệu lượt) chủ yếu đến từ các yếu tố không mang tính cốt lõi. Cụ thể, nó chủ yếu đến từ sự tăng cường quảng bá xúc tiến du lịch của các công ty lữ hành trong và ngoài nước, hay chính sách visa (miễn, cấp visa điện tử, thủ tục nhập cảnh đơn giản hóa,…) hơn là những thay đổi mang tính cốt lõi như các dịch vụ hay chất lượng sản phẩm du lịch.

Nói cách khác, sự tăng trưởng ấn tượng về lượt khách trong năm 2017 đến từ những nỗ lực mang tính kỹ thuật,ngắn hạn và vẫn cần thêmtầm nhìn chiến lược dài hạn vốn là điều cần thiết nhất cho sự phát triển của du lịch Việt Nam về lâu dài. Điều này được thể hiện qua một thống kê khác của Tổng cục Du lịch, trong đó chi tiêu của du khách quốc tế ở Việt Nam hiện khá thấp (chỉ đạt trung bình 106 USD/ngày), thấp hơn đa phần các nước trong khu vực Đông Nam Á vốn đạt trung bình từ 150-180 USD/ngày. Rõ ràng, sự thành công của ngành du lịch không thể chỉ đong đếm bằng lượt khách đến, mà còn ở các chỉ số quan trọng không kém như chi tiêu và mua sắm,…

Liệu chúng ta có thể tiếp tục hướng phát triển thiên về kỹ thuật và mang tính ngắn hạn này trong năm 2018? Câu trả lời là có thể, nhưng đừng quá kỳ vọng, khi dư địa cho sự phát triển đó không còn nhiều. Du lịch Việt Nam, và xa hơn là cả nền kinh tế Việt Nam, cần một sự chuyển đổi cách thức hoạt động một cách căn cơ và triệt để hơn để tăng tốc, thay vì cứ cố níu kéo mô hình phát triển kiểu cũ dưới các chiến lược đao to búa lớn khác nhau.

Những kết quả hiện tại có thể đủ khiến ngành du lịch nói riêng và nền kinh tế Việt Nam nói chung ngủ quên trên chiến thắng, nhưng những giấc mộng thì chẳng bao giờ dài, và thực tế khó khăn thì luôn ở trước mắt.

Nhàn Đàm
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch Việt Nam 2017 và những góc nhìn