Dịch COVID-19 kéo dài tác động không nhỏ đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong đó ngành dịch vụ du lịch đang bị đóng băng và chịu hậu quả nặng nề.

Du lịch Thừa Thiên - Huế đóng băng do đại dịch

Nguyễn Thắng | 13/08/2021, 20:36

Dịch COVID-19 kéo dài tác động không nhỏ đến nhiều mặt kinh tế - xã hội của tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong đó ngành dịch vụ du lịch đang bị đóng băng và chịu hậu quả nặng nề.

Quá nhiều thách thức, khó khăn

Từ mấy tháng nay, toàn bộ các doanh nghiệp dịch vụ và lữ hành trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phải đóng cửa tạm dừng hoạt động theo chỉ thị chống dịch của Chính phủ, của tỉnh, cũng như tình hình ế ẩm do dịch bệnh. Nhiều nhà xe, khách sạn lớn nhỏ trên địa bàn trước đây tấp nập khách du lịch nay rơi vào tình trạng đóng băng do không có khách. Một số doanh nghiệp du lịch cố gắng tiếp tục hoạt động nhưng trong tình trạng cầm chừng chờ hết dịch.

ipisuasi.jpg
Nhà xe du lịch Nguyễn Hoàng vắng tanh không một bóng người

Tại địa điểm bến xe du lịch Nguyễn Hoàng nằm trên trục đường Lê Duẩn, trước đây hoạt động nhộn nhịp thì bây giờ gần như không nhúc nhích. Từ khi dịch bắt đầu bùng phát trở lại, gần 20 chiếc xe đủ loại phục vụ cho việc chở khách du lịch bám đầy bụi và chưa biết ngày nào chạy trở lại.

Không mái che, không hành khách, không hoạt động trong thời gian dài, nhiều bến xe và chủ doanh nghiệp xe du lịch trong tình trạng ngồi trên đống lửa khi những chiếc xe tổng trị giá trị hàng chục tỉ đồng đang "đắp chiếu", hư hỏng dần.

“Mấy tháng rồi dịch bệnh diễn biến xấu, các ngành dịch vụ du lịch như chúng tôi phải dừng hoạt động, giờ còn rất nhiều thứ để chi trả nhưng xe thì lại nằm không. Nếu dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, chắc rằng tôi cũng như một số doanh nghiệp phải phá sản, bán xe đi để chi trả các khoản khác”, một chủ doanh nghiệp than thở về thực trạng đơn vị mình.

Ngoài dịch vụ xe du lịch, những địa điểm du lịch thuyền rồng trên sông Hương với hàng chục các cơ sở dịch vụ cho thuê đang gần như nằm bờ dài hạn. Một số người không thể cầm cự đã phải chuyển sang những nghề khác để kiếm sống qua ngày.

Trước đó, để bảo đảm công tác phòng chống dịch bệnh, Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế đã có ít nhất 2 lần phải đóng cửa, không nhận khách tham quan. Ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn thu, một số khoản dự kiến hỗ trợ và thu nhập tăng thêm của nhân viên đều bị cắt giảm, một số nhân viên đã bị tạm nghỉ việc.

Theo thống kê từ Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên-Huế, tính đến cuối năm 2020 tỉnh có hơn 13.000 lao động ngành du lịch bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19.

Nỗ lực tái khởi động phục hồi du lịch

Hiện nay, Sở Du lịch đã tham mưu UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế về kế hoạch phục hồi phát triển du lịch khi dịch bệnh được kiểm soát, tập trung một số vấn đề trọng tâm như: triển khai bộ tiêu chí an toàn trong phòng chống dịch COVID-19, quảng bá truyền thông du lịch Huế theo chiến lược “Huế - điểm đến an toàn”; xây dựng hệ thống bản đồ du lịch Huế an toàn (Hue blue map).

Cùng với đó, tỉnh thực hiện cơ chế, chính sách hỗ trợ người lao động và doanh nghiệp du lịch, hoàn thiện đồng bộ việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho cán bộ, nhân viên, người lao động trong ngành, đảm bảo thực hiện “hộ chiếu vắc xin” trong thời gian tới.

jagdagadu.jpg
Hàng chục xe khách phục vụ du lịch của một đơn vị phải bỏ không nhiều tháng trời

Sở Du lịch sẽ tiếp tục các giải pháp kích cầu du lịch bằng các gói do doanh nghiệp triển khai cùng các chính sách, chương trình hỗ trợ của nhà nước. Ngoài ra ngành du lịch đang trình HĐND tỉnh về chính sách giảm 50% phí tham quan các điểm di tích đến hết năm 2021 và phương án cho 2022.

Vừa qua, ngành du lịch Thừa Thiên - Huế đã nhận được sự chỉ đạo từ UBND tỉnh về việc tập trung cho các giải pháp, lên phương án để sẵn sàng đón khách ngay khi dịch bệnh được kiểm soát. Trước mắt UBND tỉnh yêu cầu trong thời gian này cần triển khai quảng bá du lịch tại các thị trường khách quốc tế của Thừa Thiên - Huế như Đức, Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan, Anh, Pháp, Đài Loan. Đây được xem là một trong những giải pháp đón đầu nhằm tạo bàn đạp kích hoạt phục hồi, phát triển ngành du lịch trong thời gian tới.

Theo ông Trần Thùy Giang, Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên - Huế, trong thời gian chờ các chính sách hỗ trợ chung được thực hiện, tỉnh đang nỗ lực triển khai các chính sách hỗ trợ theo thẩm quyền của địa phương.

"Đã có khoảng 4.000 người lao động ngành du lịch được đăng ký tiêm vắc xin. Đây là sự chủ động của các cấp chính quyền để nhằm đưa du lịch địa phương sớm trở lại phục vụ du khách và nhân dân", ông Giang cho biết.

Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Trường Lưu, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên-Huế khẳng định “ảnh hưởng của đại dịch đã bao trùm lên toàn bộ nền kinh tế, nhất là ngành du lịch trọng điểm của tỉnh. Đời sống người lao động du lịch dịch vụ gặp khó khăn, doanh nghiệp đóng băng trì trệ. Các hoạt động chương trình như Festival Huế, Festival nghề... không được thực hiện theo đúng kế hoạch. Để phục hồi nền kinh tế du lịch này, lãnh đạo tỉnh khẳng định sẽ giúp đỡ, đồng hành cùng các cá nhân và doanh nghiệp vượt qua khó khăn”.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch Thừa Thiên - Huế đóng băng do đại dịch