Nhiều điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở Cà Mau đã ứng dụng những ứng dụng mới mẻ của khoa học kỹ thuật trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch đến với khách thập phương. Nhờ đó, lượng khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến tham quan, trải nghiệm ngày càng nhiều.

Du lịch sinh thái Cà Mau chuyển mình nhờ ứng dụng khoa học công nghệ để quảng bá

Trần Khải | 31/08/2022, 15:47

Nhiều điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở Cà Mau đã ứng dụng những ứng dụng mới mẻ của khoa học kỹ thuật trong việc giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch đến với khách thập phương. Nhờ đó, lượng khách du lịch trong và ngoài nước tìm đến tham quan, trải nghiệm ngày càng nhiều.

Khoa học công nghệ thúc đẩy phát triển du lịch

Ở tỉnh Cà Mau, gần đây người dân địa phương đã biết tận dụng lợi thế từ việc sản xuất nông-lâm nghiệp kết hợp làm du lịch sinh thái cộng đồng, mang lại sức hút lớn đối với du khách. Nhờ loại hình du lịch cộng đồng hấp dẫn nên Cà Mau đã thu hút một lượng lớn du khách đến tham quan, trải nghiệm các hoạt động dân dã, sinh hoạt, trò chơi dân gian tại địa phương. Các loại hình trải nghiệm ở các điểm du lịch sinh thái cộng đồng của Cà Mau nổi tiếng hiện nay như: Hoạt động xổ vuông ở rừng đước, đi xuyên rừng, ăn ong, đặt trúm bắt lươn, đặt lờ bắt cá, giăng câu, đặt bẫy cá thòi lòi…

dl-1.jpg
Du khách trải nghiệm bơi xuồng trong rừng ngập mặn

Đi kèm theo đó, các điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở Cà Mau đã ứng dụng những tiến bộ của khoa học công nghệ vào việc phát triển du lịch. Các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch đều có kênh fanpage trên nền tảng của mạng xã hội để quảng bá hình ảnh, những món ăn, điểm tham quan ở cơ sở du lịch của mình để giới thiệu cho du khách. Cùng với đó, các điểm du lịch còn quảng bá trên trang thông tin của Sở VH-TT-DL tỉnh Cà Mau hoặc trang tin địa phương của các huyện, TP. Nhờ đó, hoạt động du lịch Cà Mau dần nóng lên, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Ông Lê Minh Tỵ, chủ cơ sở kinh doanh du lịch cộng đồng ở thị trấn Rạch Gốc, huyện Ngọc Hiển cho biết, từ khi kinh doanh du lịch cộng đồng, gia đình ông đã được các đơn vị sở ngành, địa phương quan tâm, hỗ trợ rất nhiều trong việc phát triển dịch vụ du lịch. Các ngành chức năng thường xuyên mở lớp tập huấn về phát triển du lịch, nhờ đó bản thân ông và đội ngũ nhân viên cũng đã hiểu thêm về cách thức tiếp đón, phục vụ khách. Qua đó, ông đã lập nhiều trang fanpage trên Facebook để quảng bá về hình ảnh du lịch của cơ sở mình.

“Điểm dừng chân của cơ sở tôi có dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi cho du khách. Chúng tôi bố trí nhiều căn nhà được dựng cất bằng cây lá địa phương nhưng bố trí đầy đủ tiện nghi để du khách nghỉ ngơi và trải nghiệm. Đến tham quan tại đây, du khách có thể dùng xuồng bơi xung quanh vuông tôm để giăng lưới bắt cá tôm, vào rừng trải nghiệm bắt ba khía, cua biển hay thụt lịch trong hang bùn…, du khách còn có thể tự tay giật cống xổ vuông bắt tôm cua và thưởng thức những món ăn tươi sống tại bờ vuông”, ông Tỵ nói.

dl2.jpg
Du khách trải nghiệm dịch vụ xuyên rừng

Hiện tại, điểm kinh doanh của ông Tỵ còn có một trang tin để quảng bá hình ảnh, thương hiệu điểm du lịch này. Chị Thái Thị Hằng, du khách từ tỉnh Ninh Bình chia sẻ: “Mình ở ngoài Bắc nhưng rất mê Cà Mau, vào đây không khí trong lành mát mẻ nên rất dễ chịu. Giờ thời buổi công nghệ hiện đại nên chỉ cần lên mạng tra cứu các điểm ăn uống tham quan là hiển thị lên vô số món ăn, địa điểm check-in và cả số điện thoại liên hệ, mình tha hồ lựa chọn. Giá cả thì được chủ các điểm du lịch niêm yết, thông báo trước rất phù hợp. Nói chung, đây là lần thứ 3 mình đến tham quan Cà Mau và mình rất mến địa phương này”.

Ông Lê Chí Thắng, Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện Ngọc Hiển cho biết sau khi đại dịch COVID-19 lắng dịu, ngành du lịch cộng đồng ở địa phương phục hồi rất nhanh. Tính đến ngày 20.8, các điểm du lịch của huyện Ngọc Hiển đã thu hút hơn 240.000 lượt khách đến tham quan, doanh thu ước tính lên đến 170 tỉ đồng.

“Các điểm kinh doanh du lịch cộng đồng ở huyện Ngọc Hiển hiện nay có nhiều cách làm rất hay nhằm giữ chân du khách. Họ tận dụng lợi thế của địa phương như vuông tôm, cây rừng để tạo ra các trò chơi, hoạt động giải trí như câu cá thòi lòi, xổ vuông…, những hoạt động này chỉ có ở Cà Mau nên du khách rất yêu thích.

Phải nhìn nhận một thực tế rằng, từ khi ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển du lịch, lượng khách đến địa phương rất đông. Hiện nay, các điểm du lịch ở Ngọc Hiển đều lập những trang giới thiệu, quảng bá về hoạt động kinh doanh của mình nên đã tạo được nhiều tiếng vang và tạo được niềm tin cho khách tham quan. Khách đến lần đầu thì sẽ đến tiếp vì họ tin tưởng và thích sự chân chất của người bản xứ. Hiện các điểm du lịch ở huyện Ngọc Hiển đã sẵn sàng đón khách dịp lễ Quốc khánh 2.9”, ông Thắng cho biết.

Tận dụng tiềm năng, lợi thế để phát triển du lịch

Xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương, thời gian qua huyện U Minh đã triển khai kế hoạch về phát triển du lịch cộng đồng và định hướng đến năm 2030. Đồng thời, UBND huyện cũng đã giao Phòng Văn hóa - Thông tin là cơ quan chuyên môn tham mưu thuê đơn vị Công ty Du lịch Vòng tròn Việt tại TP.HCM tư vấn viết Đề án quy hoạch phát triển du lịch cộng đồng, hiện trong giai đoạn hoàn thành báo cáo đề án.

dl.jpg
Du khách ăn uống tại một điểm dừng chân ở Cà Mau

Theo nhận định của các chuyên gia tư vấn đề án phát triển du lịch ở huyện U Minh, trong quá trình khảo sát và nghiên cứu tình hình du lịch của huyện hiện tại và tương lai, các chuyên gia đã nhận định tiềm năng kinh tế rừng và phát triển du lịch ở địa phương là rất lớn nhưng chưa được đầu tư và khai thác đúng mức.

Thấy được tầm quan trọng đó, UBND huyện U Minh đã chỉ đạo cho các ngành chuyên môn hướng dẫn, tập huấn cho người dân cách làm các dịch vụ du lịch từ lợi ích kinh tế rừng, đồng thời hướng dẫn các chủ rừng đầu tư quy hoạch lại hệ thống kênh mương trong khu vực rừng mình quản lý để đầu tư nuôi cá đồng. Qua đó, bà con tổ chức các hoạt động trải nghiệm tham quan trong rừng tràm bằng xuồng ba lá, câu cá, đánh bắt cá, tham quan trải nghiệm nghề gác kèo ong, lấy mật... để thu hút khách du lịch.

“Nếu như trước đây sản phẩm khai thác từ dưới tán rừng bà con chỉ bán nhỏ lẻ thu nhập không cao, thì nay cũng sản phẩm đó được chuyển thành sản phẩm dịch vụ, phục vụ du khách. Nghề gác kèo ong của vùng rừng U Minh Hạ sẽ thành một dịch vụ trải nghiệm, du khách theo người gác kèo ong vào rừng lấy mật. Đây sẽ là một hoạt động trải nghiệm lý thú để thu hút du khách.

anh-2-du-lich-sinh-thai-o-u-minh-nhung-nam-gan-day-da-gay-duoc-tieng-vang-doi-voi-khach-thap-phuong.jpg
Trải nghiệm lấy mật ong ở rừng tràm U Minh Hạ

Các dịch vụ giăng lưới, giăng câu, đặt lờ, đặt lợp, đặt trúm... dưới tán rừng U Minh vào ban đêm cũng sẽ níu chân khách ở lại qua đêm tại các khu du lịch sinh thái cộng đồng”, một lãnh đạo UBND huyện U Minh nhấn mạnh.

Cũng theo vị lãnh đạo này, nếu như trước kia bà con khai thác những sản phẩm dưới tán rừng chủ yếu có bao nhiêu bán bấy nhiêu thì nay chuyển thành sản phẩm dịch vụ chế biến thành những món ẩm thực đặc trưng từ rừng mang lại để khách du lịch thưởng thức. Điều đó sẽ mang lại thu nhập kinh tế cao so với trước đây. Có được như thế thì kinh tế rừng và phát triển du lịch của huyện sẽ phát triển bền vững.

Thời gian tới, khi đề án phát triển du lịch được thông qua, huyện U Minh sẽ xúc tiến kêu gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư và khai thác những tiềm năng, lợi thế sẵn có để làm du lịch sinh thái rừng, liên kết với các công ty du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh đẩy mạnh công tác giới thiệu quảng bá hình thành các tour trên địa bàn huyện, tạo điều kiện cho du du lịch sinh thái huyện U Minh phát triển.

“Huyện sẽ thu hút, kêu gọi đầu tư xây dựng khu nghỉ dưỡng và các dịch vụ du lịch nhằm thu hút khách du lịch ngoài tỉnh đến tham quan trải nghiệm và nghỉ lại qua đêm bằng nhiều tour khám phá xuyên rừng, bằng các phương tiện xuồng và vỏ lãi để ngắm nhìn cảnh đẹp thiên nhiên của rừng tràm, dùng xuồng để du khách tham quan trải nghiệm giăng câu, đặt lờ, lợp và khám phá nhiều dịch vụ cùng thưởng thức các món ăn đặc sản từ rừng mang lại”, vị lãnh đạo UBND huyện U Minh thông tin thêm.

Với việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào phát triển du lịch cộng đồng, ngành du lịch của Cà Mau đã được khách thập phương biết đến ngày một nhiều hơn. Các dịch vụ du lịch của địa phương được quảng bá rộng rãi, giá cả được niêm yết công khai nên đã tạo được niềm tin cho du khách. Nhờ đó, du lịch Cà Mau đã có bước chuyển mình mạnh mẽ sau đại dịch COVID-19.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
3 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch sinh thái Cà Mau chuyển mình nhờ ứng dụng khoa học công nghệ để quảng bá