Tôi gọi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (NLTN) là kỳ tích Sài Gòn vì sự đổi đời mang ý nghĩa nhân sinh và sản phẩm du lịch độc bản, chưa đâu có.

Du lịch 'độc bản' trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và nỗi lòng người làm du lịch

Nguyễn Văn Mỹ | 19/05/2021, 11:41

Tôi gọi kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè (NLTN) là kỳ tích Sài Gòn vì sự đổi đời mang ý nghĩa nhân sinh và sản phẩm du lịch độc bản, chưa đâu có.

Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè: Nhân chứng lịch sử và sự hồi sinh ngoạn mục

Kênh NLTN dài 8,7km và trải dài qua các quận như Tân Bình, Phú Nhuận, Q.3, Bình Thạnh và Q.1. Nhiêu Lộc là đoạn kênh từ nguồn về cầu Thị Nghè, đoạn đổ ra sông Sài Gòn là Thị Nghè. Kênh xưa có tên Preah Kampong (Bến Thần, tiếng Khmer), Nghi Giang, Bình Trị. Thị Nghè là bà Nghè Nguyễn Thị Khánh, trưởng nữ của danh tướng Nguyễn Cửu Vân, chị Nguyễn Cửu Đàm, người xây Lũy Bán Bích.

NLTN là kênh đẹp nhất Sài Gòn xưa “Coi ngoài rạch Bà Nghè, dòng trắng hây hây tờ quyến trải. Ngó lên giồng Ông Tố, cây xanh nghịt nghịt lá chàm rai…” (Phú cổ Gia Định, Vương Hồng Sển). Từ những năm 1960, chiến tranh lan rộng, dân khắp nơi đổ về Sài Gòn. Kênh NLTN bị lấn chiếm, ngày càng ô nhiễm. Lời bài hát “Dòng nước đen hững hờ trôi, tìm đâu ánh sáng cuộc đời, trong xóm nghè lao động xơ xác, đường tối tăm quanh năm bùn lầy” (Người cha bến tàu - Trần Long Ẩn), phần nào phản ánh thực trạng dòng kênh huyền thoại một thời.

Để làm NLTN “hồi sinh”, Thành phố đã phải xây trạm bơm công suất 20.000 m3/giờ; di dời và tái định cư 11.423 hộ dân; đặt hệ thống cống ngầm đường kính 3m2, dài 8km, âm từ 6 – 60m; lắp 60km cống thu gom nước thải; nạo vét kênh; làm bờ bao và hai tuyến đường Hoàng Sa dài 8km3, Trường Sa dài 7km8... Vì nhiều lý do, hiện gần 50% nước thải thu gom từ kênh NLTN tạm thời đổ ra sông Sài Gòn.

Sau gần 10 năm nỗ lực, tháng 6.2012, công trình hoàn thành. Dòng kênh tưởng chừng đã chết hồi sinh như phép lạ. Thời gian đầu, người dân vẫn vô tư đổ rác, câu trộm cá, khách nhậu thản nhiên “xả rước” xuống kênh…Nhờ các tàu du lịch của Sài Gòn Boat qua lại thuờng xuyên và hỗ trợ của chính quyền, các tệ nạn trên dần biến mất.

hoanghon.jpg
Hoàng hôn trên Kênh NLTN - Ảnh: Internet

Trở thành tour du lịch độc đáo

Quán xá nở rộ, hai con đường bờ sông trở nên sạch đẹp hơn, là nơi người dân tập thể dục vào mỗi sáng và thư giãn…Dòng kênh trở thành tour du lịch độc đáo của khách nước ngoài. Đài truyền hình và hoa hậu Đài Loan từng đến để làm phim quảng bá cho NLTN. Từ khi COVID-19 bùng phát, NLTN trở thành điểm hẹn kỳ thú của du khách nội địa.

Hướng dẫn hàng chục đoàn tham quan, có lúc nước ròng chỉ còn 1m, dòng kênh vẫn không hôi. Ai cũng ngỡ ngàng vì cảnh quan độc đáo, thích thú vì sự ấm cúng, thân mật; phương tiện đảm bảo an toàn và nội dung tour phong phú. Ai cũng ngạc nhiên bởi tour độc lạ nhưng ít ai biết, thậm chí ngộ nhân và thành kiến.

Mùi hôi thi thoảng trên đường Hoàng Sa là do nước thải từ các cống nhỏ đổ vào cống hộp. Vào đầu mùa mưa, cá chết trắng kênh vì nước mưa tràn bờ mang theo đủ tạp chất. Rằm tháng Bảy, phật tử phóng sinh toàn cá nước ngọt xuống dòng kênh nước lợ. Cá chết toàn loại cá sống trên bề mặt, sinh sản dày đặc. Các loài cá sống dưới bùn như trê, chạch, lươn…thì vô tư.

Sài Gòn hiện có trên 5.000 km sông rạch với các sông lớn Sài Gòn, Nhà Bè, Lòng Tàu, Soài Rạp… và 5 kênh chính là NLTN, Tân Hóa - Lò Gốm, Tàu Hủ - Kênh Đôi - Kênh Tẻ, Bến Nghé, Tham Lương - Bến Cát - Vàm Thuật được nối kết bởi vô số rạch nhỏ đan xen.

“Xin tha” cho kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè

Nhân dịp 30.4.2021, lãnh đạo thành phố khẳng định: “Sẽ có thêm nhiều NLTN”. Dân tình mừng quá đỗi. Chưa kịp vui thì truyền thông báo động dòng kênh đang bị “hành hạ”, bị “giết” dần…Bạn đọc hốt hoảng, khách du lịch chồn chân, nản chí. Kênh NLTN tái ô nhiễm là có thật nhưng chỉ từ đoạn cầu Lê Văn Sỹ lên đầu nguồn thuộc quận Tân Bình. Không chỉ đổ rác mà còn câu cá, chích điện. Vài công trình mới còn xả thải trực tiếp xuống kênh.

Đoạn từ cầu Lê Văn Sỹ đến Thị Nghè, tàu bè và du khách qua lại, buộc người dân có ý thức hơn. Thủy trình du thuyền không thể đi xa hơn vì độ tĩnh không cầu Lê Văn Sỹ chưa tới 1m5, chỉ xuồng ba lá chui qua được. Nhiều hôm nước lớn, du thuyền nhỏ, tháo hết ghế và lan can vẫn không thể qua cầu tạm Trần Khánh Dư. Trước đây, khi xây cầu, chưa ai nghĩ đến việc làm du lịch đường thủy.

Đáng tiếc là đoạn từ cầu Thị Nghè ra sông Sài Gòn, dòng kênh rộng, không vướng cầu nhưng lại kẹt mùi hôi nồng nặc từ nước thải rửa chuồng voi của Thảo Cầm Viên. Bài học thực tế khẳng định chính du lịch góp phần nâng cao ý thức người dân. Việc thả cá cần xem lại mật độ và loại cá phù hợp. Cá phóng sinh cũng vậy.

Cần lắp đặt camera phạt nguội, xử lý nghiêm khắc hơn các vi phạm và nghiên cứu, có chính sách ưu đãi nhà đầu tư phát triển du lịch đường thủy trên kênh. Nếu chưa di dời thì khắc phục ngay việc xả thải của Thảo Cầm Viên. Lâu dài, nâng độ tĩnh không cầu Lê Văn Sỹ để nối tuyến.

kenhdulich2.jpg
Du khách du lịch trên dòng kênh - Ảnh: Internet

Dòng kênh là nhân chứng lịch sử. Tháng 2.1959, quân Pháp theo rạch Thị Nghè tấn công thành Gia Định. Tháng 9.1945, mặt trận Thị Nghè vang dội, mở đầu Nam bộ kháng chiến. Chỉ nửa dòng kênh mà có cả lịch sử thu nhỏ của thành phố, của đất nước. Công ty Thuyền Sài Gòn đang triển khai vẽ bích họa lịch sử, trang trí và làm đẹp chân cầu. Rất cần được lãnh đạo quan tâm tiếp sức, hỗ trợ.

Tôi mơ NLTN thành kênh hoa với phố đi bộ hai bờ. Không gian chân thực, cảnh quan tự nhiên, đảm bảo mới, lạ; hấp dẫn cả khách nội địa lẫn quốc tế.

Thành phố thông minh cần và phải có thêm nhiều NLTN. Mới có một NLTN hồi sinh, thể hiện quyết tâm và tầm nhìn của lãnh đạo thành phố hơn 20 năm trước mà cứ bị “hành hạ” như lâu nay thì …không còn gì để nói.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Kiến tạo nền hành chính thông thoáng vì dân
24 phút trước Theo dòng thời sự
Theo Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hoà Bình, mục tiêu kiến tạo là phải có một nền hành chính thông thoáng, vì người dân; phục vụ đắc lực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Du lịch 'độc bản' trên kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè và nỗi lòng người làm du lịch