Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14.4.2022 phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030, trong đó, dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60%GDP, nợ Chính phủ không quá 50%GDP .

Dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP

Lam Thanh | 14/04/2022, 19:44

Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14.4.2022 phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030, trong đó, dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60%GDP, nợ Chính phủ không quá 50%GDP .

Chiến lược nợ công đặt mục tiêu cụ thể giai đoạn 2021-2025 kiểm soát chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước được Quốc hội phê duyệt trong dự toán ngân sách nhà nước và kế hoạch tài chính quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn về nợ bao gồm trần, ngưỡng trong giới hạn được Quốc hội phê duyệt.

Nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ bình quân không quá 25% tổng thu ngân sách nhà nước; nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.

no-cong.jpg
Phó thủ tướng Lê Minh Khái vừa ký Quyết định số 460/QĐ-TTg ngày 14.4.2022 phê duyệt Chiến lược nợ công đến năm 2030

Về định hướng huy động và sử dụng vốn vay, Chính phủ yêu cầu thường xuyên đánh giá những tác động của vay vốn đến dư nợ công, nợ Chính phủ và nghĩa vụ trả nợ. Trong điều hành ngân sách nhà nước hằng năm phải kiểm soát đồng thời tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước và tỷ lệ trả nợ trực tiếp từ ngân sách, đảm bảo trong ngưỡng cho phép.

Ngoài ra, thực hiện phát hành đều đặn trái phiếu Chính phủ các kỳ hạn chuẩn, tập trung vào kỳ hạn dài từ 5 năm trở lên, đồng thời linh hoạt phát hành các kỳ hạn dưới 5 năm, phát hành trái phiếu ngoại tệ trên thị trường trong nước để đáp ứng nhu cầu huy động vốn và thực hiện mục tiêu phát triển thị trường trái phiếu Chính phủ. Phát hành trái phiếu quốc tế để bù đắp bội chi ngân sách trung ương cho đầu tư phát triển và để cơ cấu lại nợ của Chính phủ khi điều kiện thị trường thuận lợi.

Đồng thời, tập trung giải ngân hết nguồn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài đã ký vay đến cuối năm 2020. Việc huy động vay mới vốn vay nước ngoài tập trung cho một số lĩnh vực chủ chốt để đảm bảo phát huy được tối đa hiệu quả kinh tế theo quy mô; ưu tiên đầu tư cho các dự án trực tiếp thúc đẩy tăng trưởng gắn với phát triển bền vững, có hiệu ứng lan tỏa như thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao chất lượng môi trường, giáo dục, y tế, công nghệ.

Song song với đó, xây dựng một số chương trình đầu tư công để thực hiện một số dự án, công trình quan trọng, trọng điểm, có tính động lực, sức lan tỏa lớn và giải quyết các vấn đề phát triển quốc gia, vùng và liên kết vùng theo từng mục tiêu ưu tiên thay cho cách tiếp cận dự án riêng rẽ, phân tán; nâng cao tỷ trọng vay ngoài nước hỗ trợ ngân sách để tăng tính chủ động trong quản lý sử dụng vốn vay.

Cũng về định hướng huy động và sử dụng vốn vay, Chiến lược nêu rõ, điều hành nợ chính quyền địa phương trong phạm vi bội chi ngân sách địa phương được Quốc hội phê duyệt, đảm bảo trong hạn mức dư nợ theo Luật ngân sách nhà nước.

Kiểm soát chặt chẽ nghĩa vụ nợ dự phòng, việc đảm bảo nguồn trả nợ được Chính phủ bảo lãnh; quản lý các khoản bảo lãnh, đảm bảo đúng quy định, hiệu quả trong phạm vi hạn mức bảo lãnh, tập trung ưu tiên nguồn vốn để bảo lãnh cho các chương trình, dự án trọng điểm quốc gia, được Quốc hội, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đầu tư.

Đồng thời kiểm soát tốc độ tăng dư nợ bảo lãnh Chính phủ không vượt quá tốc độ tăng GDP của năm trước. Lựa chọn một số công trình phát triển cơ sở hạ tầng có tính chất lan tỏa, có khả năng tạo nguồn thu trả nợ để Chính phủ cho vay lại từ nguồn vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ nợ nước ngoài tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng, đảm bảo chỉ tiêu nợ nước ngoài quốc gia trong giới hạn cho phép. Đổi mới phương thức quản lý nợ nước ngoài quốc gia cho phù hợp với tính chất vốn vay ngắn hạn, trung và dài hạn, tính chất và mức độ rủi ro của từng nhóm đối tượng. Nghiên cứu, hoàn thiện thể chế để áp dụng biện pháp kiểm soát luồng vốn trong quản lý nợ nước ngoài tự vay, tự trả để phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo kế hoạch vay, trả nợ công 2022 được Phó thủ tướng Lê Minh Khái ký ngày 13.4, năm nay, Chính phủ vay tối đa 673.546 tỉ đồng (tương đương gần 29,3 tỉ USD). Mức vay này tăng hơn 159.240 tỉ đồng so với 2021.

96% khoản vay này dùng để cân đối cho ngân sách trung ương (646.849 tỉ đồng), khoản vay về cho vay lại là 26.697 tỉ đồng.

Nguồn huy động vốn vay chủ yếu từ phát hành trái phiếu Chính phủ, vay ODA, ưu đãi nước ngoài. Trường hợp cần thiết sẽ báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép phát hành bằng ngoại tệ hoặc phát hành trái phiếu Chính phủ trực tiếp cho Ngân hàng Nhà nước...

Về trả nợ, Chính phủ sẽ trả khoảng 335.815 tỉ đồng trong năm nay, tương đương gần 14,6 tỉ USD. So với năm 2021 thì mức trả nợ năm nay thấp hơn khoảng 30.117 tỉ đồng. Trong đó, khoản nợ trực tiếp Chính phủ là 299.849 tỉ đồng (khoảng 13 tỉ USD), trả cho các dự án cho vay lại 35.966 tỉ (gần 1,6 tỉ USD).

Năm 2021, các chỉ tiêu nợ của Việt Nam đều trong giới hạn an toàn được Quốc hội phê duyệt. Theo đó, nợ công khoảng 43,7% GDP, nợ Chính phủ 39,5% GDP, nợ nước ngoài 39% GDP. Số Chính phủ phải trả nợ trực tiếp chưa đến 23% thu ngân sách...

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dự kiến đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP