Mặc dù bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 song nhiều siêu thị tại TP.HCM vẫn mở cửa từ mùng 2 tết để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Ngày 13.2 (tức mùng 2 tết), nhiều siêu thị tại TP.HCM như Big C, Saigon Co.op, Aeon, MM Mega Market... đã mở cửa trở lại. Cụ thể, Saigon Co.op cho biết hệ thống siêu thị Co.opmart mở cửa 1/2 ngày từ mùng 2 tết. Trong khi đó, hệ thống Co.op Smile mở cửa từ mùng 3, Co.op Food mở cửa từ mùng 4.
Bà Hồ Thị Hồng Đào, Phó giám đốc Marketing Saigon Co.op nói rằng trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhà bán lẻ này đã có những kế hoạch sẵn sàng cung ứng hàng hóa trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp.
Cụ thể, mạng lưới gần 1.000 điểm bán ở khắp cả nước của Saigon Co.op đã kích hoạt các biện pháp phòng dịch, chuẩn bị phương án tập trung hậu cần để đảm bảo cung cấp hàng hóa tết đủ đầy trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Đồng thời, Saigon Co.op cũng chuẩn bị phương án vận chuyển hàng hóa thiết yếu từ những khu vực không có dịch đến vùng dịch để phục vụ nhu cầu của người dân.
Về giá cả hàng hóa, Saigon Co.op đã làm việc với các nhà cung cấp chặt chẽ nên luôn đảm bảo ổn định và người dân hoàn toàn có thể yên tâm về số lượng và chất lượng.
Tương tự, hệ thống siêu thị Satra bắt đầu khai trương lại vào mùng 2 tết. Các trung tâm MM Mega Market lớn tại TP.HCM cũng mở cửa trở lại vào ngày mùng 2 tết, khung giờ phục vụ từ 7 giờ đến 15 giờ. Hệ thống Big C thì mở cửa xuyên suốt từ 8 giờ sáng đến 22 giờ 30 tối vào mùng 2 và mùng 3.
Đáng chú ý, hệ thống Aeon Mall phục vụ xuyên Tết, không nghỉ ngày nào, chỉ thay đổi về thời gian đóng mở cửa. Trong đó, từ ngày 13-16.2 ( tức mùng 2 đến mùng 5 tết), siêu thị, trung tâm thương mại và trung tâm bách hoá mở cửa từ 9 giờ đến 22 giờ; từ mùng 6 tết hoạt động bình thường.
Hay một số chuỗi hệ thống cửa hàng tiện lợi như Circle K, Family Mart, B’s mart, 24h Cheers cũng mở cửa xuyên Tết nhằm phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.
Bên cạnh các hệ thống siêu thị, một số chợ lớn đã bắt đầu bán hàng trở lại phục vụ người dân, chủ yếu tập trung vào mặt hàng rau, củ, quả, thực phẩm tươi sống.
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, tính đến chiều 12.2, nhìn chung các cơ sở kinh doanh cơ bản đã chấp hành tốt việc niêm yết giá và bán theo giá niêm yết. Nguồn cung các mặt hàng lương thực, thực phẩm tại các siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh tương đối đầy đủ; không phát hiện những diễn biến bất thường nổi cộm về buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại.
Bộ Công Thương cũng cho biết trong ngày mùng 1 tết (12.2), người dân chủ yếu đi chơi Tết, thăm hỏi, cúng lễ đầu năm, hoạt động mua bán hàng hóa rất ít do phần lớn các cơ sở kinh doanh đều nghỉ Tết. Giá hàng hóa không tăng so với những ngày trước.
Cụ thể, giá thịt heo loại ngon (sườn non, ba chỉ, nạc vai đầu giòn) ở mức 170.000-200.000 đồng/kg; thịt loại 2 như sấn, nạc vai, thăn dao động ở mức 130.000-160.000 đồng/kg. Còn giá gà ta làm sẵn của C.P dao động phổ biến từ: 90.000-100.000 đồng/kg; giá gà công nghiệp (làm sẵn) dao động khoảng 60.000-70.000 đồng/kg; thịt bò thăn dao động từ 330.000-360.000 đồng/kg.
Đối với mặt hàng thực phẩm chế biến, giá cũng không biến động: giá giò lụa phổ biến 180.000-200.000 đồng/kg; giò bò 300.000-320.000 đồng/kg; lạp xưởng vissan 3 Bông mai: 160.000-170.000 đồng/kg.
Giá mặt hàng khác cũng ổn định, điển hình như đường bán lẻ ở mức 20.000-21.000 đồng/kg; dầu ăn: 42.000-44.000 đồng/lít, bia lon Heineken từ 380.000-400.000 đồng/thùng; Coca Cola 170.000-185.000 đồng/thùng; bia lon Hà Nội giá 220.000-240.000 đồng/thùng.
Ngày mùng 1 tết, người dân thường đi lễ đầu năm tại các đền, đình, chùa nên các mặt hàng được tiểu thương bày bán và được tiêu thụ chủ yếu là hoa, quả tươi, bánh kẹo phục vụ cúng, lễ tại đền, đình, chùa...; dịch vụ bán diêm, muối, bật lửa tại các khu vực đền, chùa cũng khá sôi động.