Mới đây, Bộ GD-ĐT thông tin sẽ thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5.9, các trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng.

Dù các trường tư kiến nghị, Bộ GD-ĐT vẫn quyết việc nghỉ hè 3 tháng

13/07/2020, 08:52

Mới đây, Bộ GD-ĐT thông tin sẽ thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020-2021 là ngày 5.9, các trường không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng.

Nhiều ý kiến cho rằng trẻ cần có đủ 3 tháng hè để nghỉ ngơi, thư giãn thay vì đi học quá nhiều như hiện nay

Điều này đã khiến không ít trường tư thục lo lắng, đặc biệt khi họ vừa oằn mình trải qua 3 tháng khó khăn do các học sinh nghỉ học vì dịch COVID-19.

Nghỉ dài khiến trường tư lo lắng, phụ huynh hoang mang

Ngày 30.6, Bộ GD-ĐT thông tin sẽ thống nhất trong cả nước về thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5.9. Các cơ sở giáo dục không được tổ chức dạy học trước ngày khai giảng. Với các trường tư thục, Bộ sẽ xem xét, sửa đổi Thông tư 13/2011 của Bộ GD-ĐT ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường tiểu học, THCS, THPT và trường phổ thông có nhiều cấp học loại hình tư thục cho phù hợp hơn.

Trao đổi với phóng viên về việc học sinh sẽ nghỉ học 3 tháng hè và chỉ tựu trường trong tháng 9, bà Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Đoàn Thi Điểm cho biết bà cũng như các hiệu trưởng tư thục khác phản đối việc Bộ GD-ĐT đóng khung thời gian năm học cho các trường tư thục. "Các trường tư thục hoạt động được là do thu học phí, học sinh đi học thì mới có nguồn chi trả lương cho giáo viên cũng như thuê mặt bằng. Nếu giờ các trường đều nghỉ hết 3 tháng hè thì lấy đâu tiền để trả, các trường công lập còn có nhà nước hỗ trợ chứ trường tư thục thì không có. Chưa kể, trong thời gian nghỉ hè suốt 3 tháng, các em sẽ không đi học và không có thời gian củng cố kiến thức cũ, ôn luyện kỹ năng..., đó là những bản sắc rất riêng mà chỉ có ở các trường tư thục đáp ứng cho học sinh".

Các trường công lập đa số đều ủng hộ học sinh nghỉ hè 3 tháng nhưng các trường tư thục thì không đồng tình

Cùng quan điểm với bà Hiền, cô Lê Thị Kim Dung - Hiệu trưởng Trường liên cấp Newton cho biết vừa qua các trường tư thục khó khăn lắm mới vượt qua được đại dịch COVID-19 và vẫn chi trả lương cho các giáo viên. Mới chỉ dạy được hơn 2 tháng thì lại tiếp tục nghỉ 3 tháng sẽ rất khó cho các trường, thầy cô giáo sẽ không có việc làm. "Các trường tư thục nghỉ ngày nào thì học sinh không đến trường ngày đó, chưa kể là các phụ huynh cũng đau đầu tìm chỗ gửi con. Các con sẽ không có thời gian học các kỹ năng, năng khiếu mà chỉ hè các con mới được trải nghiệm nhiều hơn. Rất nhiều lý do để các trường tư thục đề xuất Bộ GD-ĐT cho học sinh nghỉ 2 tháng là hợp lý, nhưng trong đó quan trọng nhất vẫn là kinh phí để vận hành các trường tư thục" - cô Dung cho biết.

Đưa ra ý kiến của mình, anh Hoàng Phi Long có 2 con đang học tại trường Newton cho biết hiện nay vợ chồng anh đều đi làm cả ngày, ở nhà không có ông bà trông nên nếu 2 con anh không đi học hè thì rất đáng lo khi cả 2 đứa đều đang tuổi lớn, lại rất ham chơi điện tử. "Tôi thấy cho các cháu nghỉ hè 1 tháng rưỡi đến 2 tháng là hợp lý, còn lại thời gian để các cháu bổ túc thêm năng khiếu, học hè, làm quen với sách vở mới và để ôn lại bài tập cho đỡ quên kiến thức" - anh Long trao đổi.

Bộ GD-ĐT giữ nguyên quan điểm

Ngay sau khi thông báo chủ trương, Bộ GD-ĐT nhận được hàng loạt đơn kiến nghị của các trường tư thục của Hà Nội về việc cho học sinh nghỉ hè 3 tháng và không được tổ chức dạy học trước tháng 9. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT một lần nữa vẫn khẳng định tiếp tục quy định thống nhất trong cả nước thời gian khai giảng năm học 2020 - 2021 là ngày 5.9.2020; quy định không tổ chức dạy học trước ngày khai giảng.

Bộ GD-ĐT cũng thông tin thêm là sắp tới sẽ xem xét việc sửa đổi Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT theo hướng phù hợp hơn về thời gian học tập, rèn luyện ở trường và thời gian nghỉ hè của học sinh. Riêng đối với trường tư thục, năm học 2020 - 2021 vẫn thực hiện quy định theo Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT. Cụ thể, tại điều 14, mục 3 của Thông tư số 13/2011/TT-BGDĐT quy định: Trường phổ thông tư thục cấp THCS, cấp THPT được bổ sung thời gian học tập 4 tuần/năm ngoài quy định đối với trường phổ thông công lập cùng cấp nhưng không thu thêm học phí cho thời gian học bổ sung. Các trường tư thục cần báo cáo với sở GD-ĐT về thời gian tập trung học sinh đến trường nhưng cần lưu ý dành thời gian cho các em được nghỉ hè trong bối cảnh kết thúc năm học 2019 - 2020 muộn do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Đưa ra ý kiến của mình, PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT cho biết các trường tư nên đặt lợi ích của trẻ lên hàng đầu, không thể cho trẻ học văn hóa sớm trước khi vào năm học mới là vào đầu tháng 9 được. "Kỳ nghỉ hè là thời gian học sinh mong chờ nhiều nhất, nếu cần học thêm các kỹ năng thì các học sinh có thể tham khảo ở các trung tâm quận huyện, các nơi tổ chức vui chơi, giải trí. Sau 9 tháng học thì các em cần có một mùa hè đúng nghĩa. Từ xưa đến nay, các học sinh vẫn nghỉ hè đúng 3 tháng và không có học sinh nào quên kiến thức cả, do vậy việc lo ngại học sinh quên kiến thức là không có cơ sở. Còn việc các trường công lập hay dân lập đều phải tuân thủ theo ngành của mình, việc chỉ chăm lo đến thu học phí còn không quan tâm trẻ em thích được nghỉ hè ra sao là không được. Hè là của học sinh, nếu chúng ta thật sự quan tâm đến trẻ thì không thể bóp méo các quy định để phục vụ lợi ích của một nhóm ngành nào đó" - ông Trần Xuân Nhĩ lưu ý.

Bài, ảnh: Dạ Thảo

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Khởi nghiệp sáng tạo có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá
5 giờ trước Khoa học - công nghệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết khởi nghiệp sáng tạo góp phần nâng cao năng suất, chất lượng… và cũng có khả năng tạo ra những thay đổi đột phá.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dù các trường tư kiến nghị, Bộ GD-ĐT vẫn quyết việc nghỉ hè 3 tháng