Ngày 12.6, Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) đã phát động đợt thi đua 180 ngày đêm vận hành an toàn, hiệu quả phân xưởng sản xuất sợi Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Dự kiến trong tháng 6 này, PVTex sẽ đưa vào sản xuất 6 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi Filament.
Theo báo cáo mới nhất của PVTex, từ ngày 20.4 vừa qua, PVTex đã tiến hành khởi động, đi vào vận hành chính thức 3 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi Filament. Kết quả vận hành ban đầu cho thấy, máy móc hoạt động ổn định, chất lượng sản phẩm đạt 99,25% chất lượng, đảm bảo yêu cầu của khách hàng.
Tính đến ngày 20.5 vừa qua, tức là sau đúng 1 tháng vận hành, với giá mua nguyên liệu hiện nay, nhà máy đã có lãi khoảng 170 triệu đồng, sản phẩm sản xuất ra đến đâu tiêu thụ hết đến đó.
Ngày 12.6,Công ty Cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex) đãphát động đợt thi đua 180 ngày đêm vận hành an toàn, hiệu quả phân xưởng sản xuất sợi Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ. Dự kiến trong tháng 6 này, PVTex sẽ đưa vào sản xuất 6 dây chuyền của phân xưởng kéo sợi Filament.
Hiện PVTex và Tổ hợp APH (bao gồm Công ty Cổ phần An Phát Holdings, Công ty Fortrec Chemical và Reliance Pte.Ltd) đang tập trung thương thảo, hoàn thiện các nội dung để có thể đi đến ký kết hợp đồng hợp tác và sản xuất kinh doanh trong tháng 6.
Chủ tịch HĐQT PVTex Đào Văn Ngọc cho biết, đến thời điểm hiện tại, nhiều nội dung của dự thảo hợp đồng hợp tác và sản xuất kinh doanh giữa hai bên đã được “chốt”, trong đó có điều khoản là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) và PVTex phải đảm bảo ổn định, an toàn về pháp lý để APH có thể yên tâm, tin tưởng hợp tác và đầu tư vốn khôi phục sản xuất và kinh doanh của toàn bộ nhà máy.
"Việc hợp tác giữa PVTex và APH sẽ từng bước đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ vào sản xuất hiệu quả bởi APH không chỉ có năng lực quản lý sản xuất trong lĩnh vực nhựa công nghiệp, còn có năng lực tài chính đủ mạnh để vận hành lại toàn bộ nhà máy", Chủ tịch PVTex cho hay.
Thêm vào đó, hai đối tác nước ngoài đều là những doanh nghiệp hàng đầu thế giới trong lĩnh vực hóa dầu và xơ sợi với mạng lưới cung cấp nguyên liệu đầu vào cho sản xuất xơ sợi cũng như tiêu thụ sản phẩm. Hai đối tác cũng sẽ giúp PVTex sản xuất xơ sợi chất lượng loại A với tỷ lệ cao nhất, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
PVTex là một trong số 5 dự án thua lỗ nghìn tỉ thuộc PVN của ngành Công Thương. Dự án này bắt đầu cuối năm 2008 với tổng vốn đầu tư khoảng 325 triệu USD (7.200 tỉ đồng). Tháng 5.2014, PVTex đã chính thức vận hành thương mại với công suất 236 tấn xơ sợi một ngày, đạt 48% công suất thiết kế. Kinh doanh thua lỗ khiến PVTex phải dừng vận hành từ 17.9.2015 đến nay, nhiều nhân sự phải nghỉ việc tạm thời.
Năm 2015, PVTex lỗ 1.255 tỉ đồng, âm vốn chủ sở hữu 504 tỉ đồng. Trước đó, trong năm 2014, doanh thu của nhà máy này cũng chỉ đạt 992 tỉ đồng, lỗ 1.085 tỉ đồng. Năm 2016 nhà máy dự định vận hành trở lại nhưng không thành công và đóng cửa từ đó đến nay. Phương án cho phá sản nhà máy từng được cấp có thẩm quyền tính tới nếu việc cổ phần hoá, thoái vốn tại doanh nghiệp này không thành công.
Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh mới đây cho biết, sẽ xem xét để tiếp tục thực hiện các biện pháp thoái vốn Nhà nước ra khỏi dự án Nhà máy xơ sợi Đình Vũ khi hoạt động kinh doanh bắt đầu có hiệu quả.
Theo Bộ trưởng, đây là một dự án rất đau đầu, đã phải xem xét đến trách nhiệm hình sự trong vụ án của những cá nhân liên quan. Đến nay doanh nghiệp đã ký hợp đồng để bao tiêu sản phẩm của nhà máy với các đối tác nước ngoài và đã đưa nhà máy vận hành trở lại hoạt động. Từ nay đến cuối năm sẽ từng bước đưa cả ba dây chuyền đi vào hoạt động. Như vậy, sẽ bù được biến phí và hoạt động có hiệu quả.
Tuyết Nhung