Việc rút khỏi TPP sau hơn một năm dường như đã khiến người dân Mỹ hiểu rằng điều đó cũng không khiến nền kinh tế và thương mại của nước này cải thiện thêm được bao nhiêu, và dường như đó là một sự hiểu lầm khủng khiếp.

Donald Trump sẽ sớm đưa nước Mỹ quay trở lại TPP?

06/03/2018, 06:33

Việc rút khỏi TPP sau hơn một năm dường như đã khiến người dân Mỹ hiểu rằng điều đó cũng không khiến nền kinh tế và thương mại của nước này cải thiện thêm được bao nhiêu, và dường như đó là một sự hiểu lầm khủng khiếp.

Đã đến lúc Tổng thống Donald Trump và người dân Mỹ thay đổi cái nhìn về TPP? - Ảnh: Internet

Ở thời điểm hiện tại, khi Donald Trump bước vào năm thứ hai trong nhiệm kỳ của mình, và đang có nguy cơ phải đương đầu với một cuộc chiến tranh thương mại không chỉ với Trung Quốc mà còn với các nền kinh tế lớn khác như Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản, thì Tổng thống Mỹ có lẽ mới nhận ra rằng ông đã quá vội vã trong việc rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Donald Trump đã gần như thừa nhận điều đó trong bài phát biểu ở Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos (Thụy Sĩ) đầu năm nay, rằng có thể sẽ trở lại nếu các điều khoản được chỉnh sửa theo hướng có lợi hơn cho Mỹ - điều lẽ ra cần được tiến hành sau khi ông nhậm chức chứ không phải việc ký sắc lệnh rút khỏi TPP. Điều đó, cùng với sự dần thay đổi về nhận thức của người dân Mỹ về hiệp định thương mại quan trọng này, có lẽ sẽ là cơ sở để Donald Trump sớm đưa nước Mỹ quay trở lại với TPP.

Ở một số góc độ, câu chuyện về thái độ của người dân và các chính trị gia Mỹ đối với TPP trong khoảng gần 2 năm vừa qua là điển hình cho một thực tế: chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về đám đông. Trong khoảng thời gian tranh cử, Donald Trump công kích TPP đã đành. Những người điều hành chiến dịch tranh cử cho Donald Trump khi đó đã nhấn mạnh vào những ký ức không mấy tươi đẹp mà tự do thương mại đem lại cho nước Mỹ trong thập niên 1980, khi các nhà sản xuất ô tô Đức và hàng điện tử Nhật Bản đã khuynh đảo thị trường Mỹ và các doanh nghiệp nội địa như thế nào. Điều tương tự cũng đang diễn ra với Trung Quốc, khi sự cạnh tranh của quốc gia Đông Á này được xem là lý do hàng đầu dẫn đến tình trạng mất việc làm với người lao động - một ký ức vẫn còn rất tươi mới đối với người dân Mỹ hiện tại.

Vì vậy, không có gì ngạc nhiên khi một trong những động thái đầu tiên sau khi nhậm chức của Donald Trump là rút Mỹ ra khỏi TPP. Nhưng giờ đây, sau hơn một năm, một vài tiếng nói có lý trí bắt đầu gợi ý rằng có lẽ Mỹ nên cân nhắc lại. Một trong những người đầu tiên là Bộ trưởng Tài chính Steve Mnuchin khi tuyên bố rằng Tổng thống Trump đang để ngỏ cánh cửa quay trở lại TPP. Bản thân ông Trump tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos hồi đầu năm nay cũng thừa nhận điều đó.

Sự thay đổi trong quan điểm này không chỉ từ phía các nhà lãnh đạo Mỹ, mà còn cả với người dân nước này, khi việc rút khỏi TPP sau hơn một năm dường như đã khiến người dân Mỹ hiểu rằng điều đó cũng không khiến nền kinh tế và thương mại của nước này cải thiện thêm được bao nhiêu, và dường như đó là một sự hiểu lầm khủng khiếp.

Trước hết, có một thực tế là những hệ quả như mất việc làm ở Mỹ chủ yếu xuất phát từ quan hệ thương mại với Trung Quốc bắt đầu từ những năm 2000, chứ không phải với tất cả các đối tác thương mại khác. Mà Trung Quốc thì lại không có mặt trong TPP. Cuộc cạnh tranh thương mại với Trung Quốc khác biệt hoàn toàn với cuộc cạnh tranh với tất cả các đối tác thương mại khác của nước Mỹ. Trung Quốc quá lớn và cuộc cạnh tranh diễn ra trong rất nhiều ngành công nghiệp khác nhau cùng một lúc, khiến cho công nhân trong các ngành bị thất thế ở Mỹ khó tìm được công việc thay thế trong các lĩnh vực khác. Sự tàn phá đó là ngoại lệ chứ không phải là thường lệ. Điển hình là sự cạnh tranh của các công ty Nhật Bản trong những năm 1980, dù một số ngành công nghiệp của Mỹ cũng thất thế nhưng lượng nhân công mất việc nhanh chóng tìm được việc làm mới ở lĩnh vực tương tự.

Thực tế thứ hai mà người Mỹ bắt đầu hiểu ra, đó là bắt đầu từ những năm 2000 trở đi, một trong những nguyên nhân khiến số lượng việc làm trong nền kinh tế giảm xuống là do sự kết hợp của cải tiến công nghiệp, tự động hóa và sụt giảm về nhu cầu hàng hóa sản xuất hơn là do sự cạnh tranh thương mại. Kể cả khi có rời khỏi TPP và thậm chí là cắt giảm thương mại với Trung Quốc đi nữa, thì số việc làm truyền thống về cơ bản vẫn sẽ giảm do yếu tố tự động hóa và công nghệ.

Thực tế thứ ba là, TPP không phải Trung Quốc, và cũng không tiềm ẩn những hiệu ứng bất lợi như mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Thương mại với các thành viên trong TPP sẽ làm tăng sức mạnh kinh tế của Mỹ bằng cách tạo ra thị trường cho xuất khẩu, cải thiện chuỗi cung ứng và cung cấp cho người tiêu dùng Mỹ nhiều sản phẩm đa dạng hơn - tất cả đều không đi kèm với sự cạnh tranh mang tính tàn phá với người lao động Mỹ. Nó cũng khuyến khích đầu tư và tạo việc làm ở Mỹ. Ở thời điểm hiện tại, Nhật Bản, Anh và Canada là 3 trong số các nhà đầu tư lớn nhất ở Mỹ.

Cũng không cần lo lao động từ các thành viên TPP sẽ lấy việc làm của người Mỹ. Philippines và Việt Nam dồi dào lao động nhưng lại không thuộc diện cạnh tranh với các công ty và nhà sản xuất Mỹ, mà thay vào đó các nước này sẽ cạnh tranh với Trung Quốc, do sự tương đồng về khá nhiều sản phẩm và lĩnh vực sản xuất. Hầu hết các lĩnh vực thâm dụng lao động có giá trị thấp ở Mỹ đã chuyển cơ sở sản xuất sang Trung Quốc từ những năm 2000, và nếu có chuyển sang Indonesia, Philippines hay Việt Nam giờ đây thì cũng sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến người lao động Mỹ.

Một điểm quan trọng khác là TPP sẽ giúp Mỹ tiếp tục giữ vị thế lãnh đạo trong việc thiết lập các quy tắc thương mại toàn cầu, một điều ngày càng được Tổng thống Trump nhận thức một cách rõ rệt về lợi ích mà nó đem lại, thay vì đặt nó vào tay Trung Quốc bằng cách rút Mỹ ra khỏi TPP. Nó cũng đồng nghĩa với sự gia tăng ảnh hưởng về chính trị và kinh tế của Trung Quốc ở Châu Á Thái Bình Dương. Đó là lý do vì sao Nhật Bản, vốn rất lo ngại sự thống trị của Trung Quốc, đã rất quyết tâm bảo vệ TPP kể cả khi không có sự tham gia của Mỹ. Việt Nam cũng chia sẻ điều đó với Nhật Bản.

Donald Trump đã tuyên bố trên twitter rằng Mỹ sẽ không có lý do để e sợ chiến tranh thương mại, Vì thế, cũng chẳng có lý do gì để e sợ một hiệp định thương mại sẽ đem lại rất nhiều lợi ích cho Mỹ như TPP.

Nhàn Đàm (theo Bloomberg)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
8 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Donald Trump sẽ sớm đưa nước Mỹ quay trở lại TPP?