Theo công ty nghiên cứu thị trường Rho Motion, doanh số bán ô tô điện đang tiếp tục tăng mạnh trên toàn cầu. Trong đó. Trung Quốc báo cáo doanh số bán ô tô điện hàng tháng kỷ lục vào tháng 10 bất chấp việc chấm dứt trợ cấp.
Trung Quốc đã chấm dứt chương trình trợ cấp kéo dài 11 năm cho việc mua ô tô điện vào năm 2022, nhưng một số chính quyền địa phương vẫn tiếp tục hỗ trợ hoặc giảm thuế để thu hút đầu tư cũng như trợ cấp cho người tiêu dùng.
Doanh số bán ô tô điện tại Trung Quốc, thị trường ô tô lớn nhất thế giới, đã tăng 29% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường ô tô điện toàn cầu cho thấy mức tăng trưởng doanh số 34% trong tháng 10.
Theo Rho Motion, Trung Quốc đang bước vào hai tháng cuối năm, thời kỳ thường là cao điểm cho việc bán ô tô.
Công ty nghiên cứu thị trường này cho hay: “Điều đáng chú ý về số liệu tháng 10 là nhu cầu ô tô điện ở Trung Quốc tiếp tục đạt mức cao kỷ lục dù trợ cấp đã bị cắt… 2023 được coi là một năm biểu tượng khác với Trung Quốc về doanh số bán ô tô điện”.
Theo Rho Motion, doanh số bán ô tô điện tăng 26% trong tháng 10 tại các thị trường châu Âu dù việc cắt giảm trợ cấp ảnh hưởng đến nhu cầu, như đã thấy ở Đức, nơi chương trình hỗ trợ của doanh nghiệp bị hủy bỏ vào tháng 9.
Rho Motion cho biết: “Trợ cấp là một yếu tố quan trọng tại thị trường Đức vì gần 2/3 số lần đăng ký ô tô là cho mục đích thương mại”.
Tesla, Mercedes Benz, Volkswagen đã cảnh báo lãi suất cao và thị trường trầm lắng trong khu vực châu Âu đang làm giảm sức hút với khách hàng.
Trong khi doanh số bán ô tô điện ở Bắc Mỹ đã tăng 78% trong năm nay.
Rho Motion cho biết: “Thị trường Bắc Mỹ tiếp tục có một năm 2023 phát triển mạnh mẽ, trong đó Tesla vẫn chiếm thị phần lớn về nhu cầu khi các nhà sản xuất ô tô truyền thống kiềm chế tham vọng mở rộng quy mô sản xuất”.
Song theo báo cáo từ công ty Cox Automotive vào tháng 10, thị phần của Tesla đã giảm xuống mức thấp kỷ lục khoảng 50% vào quý 3/2023 dù giảm giá trước đó.
Tesla có kế hoạch sản xuất chiếc ô tô điện trị giá 25.000 euro (26.838 USD) tại nhà máy của họ gần Berlin (thủ đô Đức), một nguồn tin am hiểu vấn đề này nói với hãng tin Reuters.
Đây là động thái được mong đợi từ lâu với Tesla, nhằm mục tiêu đưa ô tô điện của hãng vào tầm giá phù hợp cho đại đa số người tiêu dùng.
Nguồn tin giấu tên không cho biết khi nào quá trình sản xuất ô tô điện giá 25.000 euro sẽ bắt đầu. Tesla từ chối bình luận.
Các cuộc khảo sát người tiêu dùng cho thấy mức giá quá cao của ô tô điện cùng lãi suất cao là một trong nhiều yếu tố cản trở sự phát triển của công nghệ này ở châu Âu và Mỹ.
Theo hãng nghiên cứu ô tô JATO Dynamics, giá bán lẻ trung bình của một chiếc xe điện ở châu Âu trong nửa đầu năm 2023 là hơn 65.000 euro, so với chỉ hơn 31.000 euro ở Trung Quốc.
Elon Musk từ lâu đã lên kế hoạch chế tạo một chiếc ô tô điện có giá cả phải chăng hơn nhưng nói vào năm 2022 rằng ông vẫn chưa làm chủ được công nghệ và phải gác lại kế hoạch.
Tuy nhiên, các nguồn tin nói với Reuters hồi tháng 9 rằng Tesla đang tiến gần đến cải tiến cho phép hãng đúc gần như toàn bộ phần dưới của ô tô điện thành một mảnh, bước đột phá giúp tăng tốc độ sản xuất và giảm chi phí.
Việc mở rộng sang thị trường đại chúng là rất quan trọng để đáp ứng mục tiêu tăng số lượng ô tô điện được giao lên 20 triệu chiếc vào năm 2030 của Tesla, tạo sự khác biệt với các đối thủ cạnh tranh, gồm cả Volkswagen, vốn tránh đặt mục tiêu giao hàng và thay vào đó tập trung vào chiến lược bảo vệ tỷ suất lợi nhuận trong quá trình chuyển đổi sang ô tô điện.
Tesla có kế hoạch tăng gấp đôi công suất của nhà máy ở Đức lên 1 triệu ô tô điện mỗi năm, nhưng chưa cung cấp thông tin cập nhật về số lượng xe mà hãng sản xuất ở đó kể từ tháng 3. Thời điểm đó, công ty Mỹ cho biết đã sản xuất 5.000 ô tô điện trong một tuần, tương đương khoảng 250.000 xe mỗi năm.
Vào tháng 10, chính quyền Gruenheide cho biết đã yêu cầu Tesla gửi thêm thông tin về kế hoạch mở rộng của hãng sẽ tuân thủ luật bảo tồn thiên nhiên như thế nào và sau đó sẽ đưa ra quyết định liệu có phê duyệt chúng hay không mà không đưa ra khung thời gian.
Tesla cũng đã thông báo rằng tất cả nhân viên sẽ được tăng lương 4% từ tháng 11 trở đi, trong đó công nhân sản xuất ô tô điện sẽ nhận thêm 2.500 euro mỗi năm kể từ tháng 2.2024, tương đương với mức tăng lương 18% trong 1 năm rưỡi.
Vào năm 2022, Công đoàn IG Metall của Đức cho biết mức lương Tesla chi trả thấp hơn khoảng 20% so với mức lương được đưa ra theo thỏa thuận thương lượng tập thể tại các nhà sản xuất ô tô khác.
Tesla tăng giá Model 3, Model Y tại Trung Quốc dù doanh số bán hàng sụt giảm
Tesla tiếp tục tăng giá Model 3, Model Y của mình tại Trung Quốc bất chấp doanh số bán hàng tại thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới tiếp tục giảm trong tháng 10.
Trong một bài đăng trên Weibo, công ty Mỹ cho biết sẽ tăng giá phiên bản cơ bản Model 3 được sản xuất ở Thượng Hải thêm 1.500 nhân dân tệ (206 USD), tương đương 0,6%, lên 261.400 nhân dân tệ. Giá phiên bản cấp thấp của Model Y ở Trung Quốc đã tăng 2.500 nhân dân tệ, tương đương 0,95%, lên 266.400 nhân dân tệ. Việc điều chỉnh giá có hiệu lực ngay lập tức.
Thông báo này diễn ra sau hai đợt tăng giá trước đó của Tesla trong ba tuần qua. Tesla đã tăng giá phiên bản Model Y performance thêm 4% vào ngày 27.10, tiếp theo là tăng giá phiên bản range của Model 3 và Model Y thêm 0,8% vào ngày 9.11.
David Zhang, Giáo sư thỉnh giảng tại Trường Cao đẳng Khoa học và Công nghệ Hoàng Hà, nói: “Một số đối thủ cạnh tranh Trung Quốc sẽ được hưởng lợi từ việc Tesla tăng giá, điều này dự kiến sẽ thu hút một số người tiêu dùng rời bỏ xe Model 3 và Model Y”.
Theo Grace Tao - người đứng đầu bộ phận truyền thông và các vấn đề chính phủ cho Tesla tại Trung Quốc, công ty Mỹ thường xuyên điều chỉnh giá các loại xe được tạo ra trong nước này dựa trên chi phí sản xuất.
Theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc (CPCA), nhà máy của Tesla ở Thượng Hải đã giao 28.626 ô tô điện cho khách hàng Trung Quốc trong tháng 10, giảm 34,2% so với tháng trước. Con số này so với mức giảm 32,8% trong tháng 9.
Li Auto, Xpeng và Nio, ba công ty khởi nghiệp ô tô điện hàng đầu Trung Quốc, đã báo cáo doanh số bán ô tô điện tăng ở Trung Quốc vào tháng 10 nhờ các mẫu xe mới hiệu suất cao của họ.
Li Auto (có trụ sở tại thủ đô Bắc Kinh) đã phá kỷ lục của chính mình tháng thứ bảy liên tiếp trong tháng 10, giao 40.422 ô tô điện, cao hơn 12,1% so với tháng 9.
Xpeng (có trụ sở tại thành phố Quảng Châu) đã giao 20.002 chiếc ô tô điện trong tháng 10, tăng 30,7% so với tháng 9, đánh bại kỷ lục trước đó là 16.000 chiếc được thiết lập vào tháng 12.2021.
Nio (có trụ sở tại Thượng Hải) cho biết doanh số bán ô tô điện trong tháng 10 đã tăng 2,8% so với tháng 9 lên 16.074 chiếc. Tuy nhiên, con số này thấp hơn 21,4% so với mức cao kỷ lục của Nio là 20.462 chiếc trong tháng 7.
Tesla đã dẫn đầu trong phân khúc ô tô điện cao cấp của Trung Quốc kể từ khi nhà máy ở Thượng Hải, cơ sở sản xuất lớn nhất của công ty trên toàn thế giới, bắt đầu giao xe vào tháng 1.2020. Hiện Tesla chỉ sản xuất Model 3 và Model Y tại đây.
Tesla bắt đầu bán các phiên bản cải tiến của Model 3 được sản xuất ở Thượng Hải vào ngày 19.10, giao lô đầu tiên cho khách hàng Trung Quốc một tuần sau đó.
Theo CPCA, công ty của Elon Musk đã giao 378.800 ô tô điện tại Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 10.2023, tăng 62,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
CPCA dự đoán ngành công nghiệp ô tô điện của nước này sẽ đạt mức tăng trưởng doanh số 50% hàng năm vào năm 2023, cung cấp tổng cộng 8,5 triệu chiếc cho khách hàng Trung Quốc.