17% công ty tham gia khảo sát đã sắp xếp hoặc đang trong quá trình thu xếp việc mua vắc xin COVID-19 thay cho nhân viên của họ. Hơn một nửa doanh nghiệp đang cân nhắc thực hiện việc thu xếp mua.

Doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tiêm vắc xin COVID-19 cho nhân viên và người thân

Tú Viên | 16/06/2021, 21:17

17% công ty tham gia khảo sát đã sắp xếp hoặc đang trong quá trình thu xếp việc mua vắc xin COVID-19 thay cho nhân viên của họ. Hơn một nửa doanh nghiệp đang cân nhắc thực hiện việc thu xếp mua.

Trong chuyển biến tăng cao các ca nhiễm COVID-19 và tin tức cập nhật thường xuyên về việc chuẩn bị vắc xin cho Việt Nam từ chính phủ, ngày càng có nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam tìm kiếm thông tin để xây dựng kế hoạch và chuẩn bị cho việc tiêm phòng COVID-19 cho lực lượng lao động của mình.

Một cuộc khảo sát gần đây được thực hiện bởi Willis Towers Watson (NASDAQ:WLTW), công ty tư vấn và môi giới hàng đầu thế giới và Câu lạc bộ nhân sự Việt Nam (VNHR) với 172 doanh nghiệp tham dự cho thấy có 17% đã hoặc đang sắp xếp mua vắc xin cho nhân viên của mình. Hơn một nửa doanh nghiệp được hỏi đang cân nhắc việc thu xếp mua vắc xin và 28% còn lại thì chưa có kế hoạch.

Ngoài ra, 70% doanh nghiệp được hỏi cũng cho biết họ có kế hoạch thu xếp mua vắc xin cho vợ chồng và con cái của nhân viên. Khoảng một nửa số doanh nghiệp được hỏi cho biết sẽ thu xếp mua vắc xin cho cha mẹ của nhân viên và cha mẹ của vợ/chồng của nhân viên.

50% doanh nghiệp cho biết sẽ chi trả hoàn toàn chi phí tiêm phòng COVID-19 cho nhân viên. Một phần tư (25%) sẽ trợ cấp một phần chi phí. Một phần tư còn lại (25%) chưa có quyết định trợ cấp chi phí này.

Đối với người phụ thuộc của nhân viên, khoảng một phần ba doanh nghiệp cho biết sẽ chi trả hoàn toàn cho việc tiêm phòng COVID-19. Tuy nhiên, phần lớn doanh nghiệp chỉ hỗ trợ một phần chi phí hoặc không chi trả cho nhóm này.

Có 25% doanh nghiệp được hỏi đã chi trả chi phí tiêm chủng (nói chung) cho nhân viên của họ. Trong số những doanh nghiệp chưa chi trả chi phí này, 73% cho biết sẽ xem xét đưa chi phí tiêm chủng COVID-19 vào chương trình phúc lợi của họ từ năm tới. Về việc xem xét lại chương trình phúc lợi, 57% doanh nghiệp cho biết sẽ bổ sung chi phí tiêm phòng COVID-19 thành một chương trình phúc lợi độc lập, 37% sẽ thêm vào chương trình Bảo hiểm sức khỏe hiện tại của họ.

Khi được hỏi về “Hộ chiếu vắc xin”, phần lớn (81%) doanh nghiệp ủng hộ việc triển khai sáng kiến này.

“Đại dịch đang có dấu hiệu suy giảm ở châu Âu và châu Mỹ, nhưng các ca nhiễm vẫn đang tiếp tục tăng ở một số khu vực của châu Á. Một trong những lý do chính là các nước châu Á dường như đang đi chậm hơn trong chiến lược tiêm chủng. Chúng ta đều biết rằng tiêm phòng là giải pháp chính yếu để đẩy lùi dịch bệnh. Ngoài việc dựa vào chính sách của chính phủ, người sử dụng lao động cũng có thể đóng góp tích cực vào chiến lược này giúp đẩy nhanh chương trình tiêm chủng ở Việt Nam. Song song với việc chuẩn bị kế hoạch tiêm phòng, việc chăm sóc sức khỏe và tinh thần của người lao động cũng là điều mà các doanh nghiệp đang hết sức quan tâm và áp dụng như một phần của phúc lợi”, theo bà Bùi Thị Hoàng Yến - Giám đốc bộ phận Sức khỏe và Phúc lợi của Willis Towers Watson Việt Nam.

“Bằng cách truyền thông kịp thời, cùng với bổ sung các quyền lợi và tạo khả năng tiếp cận việc tiêm phòng vắc xin COVID-19, người sử dụng lao động có thể hỗ trợ nhân viên được tiêm chủng sớm nhất. Đây là một vai trò quan trọng mà người sử dụng lao động có thể đóng góp để giúp bảo vệ nhân viên của họ và hạn chế sự lây lan của coronavirus”, bà Yến cho biết.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp Việt Nam mong muốn tiêm vắc xin COVID-19 cho nhân viên và người thân