TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.
Nhịp đập khoa học

Doanh nghiệp Việt chưa đầu tư và hưởng lợi nhiều từ chuyển đổi số - chuyển đổi xanh

Hoài Lam 16/10/2024 17:45

TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng CIEM cho rằng cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Chiều 16.10, tại Diễn đàn Kinh tế mới 2024 với chủ đề “Khởi tạo nền kinh tế mới: Cách mạng trong chuyển đổi số - chuyển đổi xanh và vai trò tiên phong của doanh nghiệp” do VnEconomy tổ chức, TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) cho hay, đến giữa tháng 7.2024, toàn quốc có gần 940 nghìn doanh nghiệp đang kinh doanh, còn khoảng cách so với mục tiêu 2 triệu doanh nghiệp vào năm 2030.

Các doanh nghiệp hầu hết đều có quy mô siêu nhỏ, nhỏ và vừa; số doanh nghiệp có quy mô lớn, có năng lực tham gia, dẫn dắt các công đoạn quan trọng trong chuỗi cung ứng còn tương đối hạn chế.

Theo bà Minh, trong bối cảnh ấy, doanh nghiệp đã “khó lại thêm khó” khi nhiều thị trường đang gia tăng các quy định về phát triển bền vững và dữ liệu, chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) hay quy định về bảo mật dữ liệu cá nhân, qua đó tác động đến hoạt động nhập khẩu, trong đó có hàng hóa từ Việt Nam.

anh-man-hinh-2024-10-16-luc-17.10.40.png
TS Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM)

Viện trưởng CIEM cho hay Việt Nam đang đứng trước những xu thế mới, gắn liền với Cách mạng Công nghiệp 4.0, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

“Không ít quốc gia, cơ quan, tổ chức đã từng rất dè dặt khi tiếp cận chính sách đối với những lĩnh vực này, do lo ngại về các vấn đề địa chính trị, chi phí chuyển đổi cho cộng đồng doanh nghiệp... Tuy nhiên, giai đoạn kể từ năm 2021 đã chứng kiến nhiều nỗ lực “số hóa”, “xanh hóa” cuộc sống và hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp; nhiều chuyển biến “chưa từng có tiền lệ” của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI)”, bà Minh nói.

Bà Minh cho rằng trong bối cảnh ấy, Việt Nam đã có không ít nỗ lực, đặc biệt là ở góc độ ban hành các chính sách cho chuyển đổi số và chuyển đổi xanh. Tư duy, giải pháp chính sách cho chuyển đổi số, chính phủ số, kinh tế số, xã hội số đã sớm được xây dựng, cụ thể hóa.

Mặc dù vậy, bà Minh cho rằng cộng đồng doanh nghiệp chưa hiểu nhiều, chưa đầu tư nhiều, chưa triển khai nhiều và chưa hưởng lợi nhiều từ quá trình chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

“Đối với các cơ quan hoạch định chính sách, đây chính là một thực tế đáng lo ngại, không chỉ về chất lượng của các văn bản mà còn về việc thiếu các thực tiễn ở cấp độ doanh nghiệp để xây dựng các chính sách cụ thể, “sát sườn” hơn”, bà Minh nói.

Theo lãnh đạo CIEM, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh cần được nhìn như một quá trình, trong đó điều kiện tiên quyết là phải có quan hệ đối tác lành mạnh, thực chất và bền chặt giữa các cơ quan hoạch định chính sách, cộng đồng doanh nghiệp và các viện nghiên cứu.

Theo PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương, nền kinh tế mới mà Việt Nam muốn kiến tạo trước hết là nền kinh tế có thu nhập cao theo định hướng xã hội chủ nghĩa hay đây là nền kinh tế lấy con người làm trung tâm và không để ai bị bỏ lại phía sau, đảm bảo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”; là nền kinh tế có cơ cấu hiện đại với mô hình tăng trưởng mới, dựa chủ yếu vào hiệu quả các nguồn lực, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo…

“Để xây dựng được nền kinh tế mới này, chúng ta đang thực hiện hai cuộc chuyển đổi lớn. Một là, chuyển đổi sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa gắn với hội nhập quốc tế. Hai là, chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh (hay chúng ta thường gọi là chuyển đổi kép). Cả hai quá trình chuyển đổi này đều mang tính cách mạng”, ông Sơn nhấn mạnh.

anh-man-hinh-2024-10-16-luc-17.16.26.png
PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Phó trưởng ban Kinh tế Trung ương

Lưu ý cả hai quá trình chuyển đổi này đều chưa có tiền lệ, còn phải tiếp tục nghiên cứu, vừa làm, vừa hoàn thiện, ông Sơn cho rằng đòi hỏi đầu tiên của cả hai quá trình chuyển đổi này là đổi mới về tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám nghĩ, dám làm; đổi mới về thể chế, cơ chế, chính sách, về quản lý, quản trị và điều hành ở cả tầm vĩ mô (chính phủ) và vi mô (doanh nghiệp)…

Ông Sơn đề nghị cần làm rõ một số vấn đề như các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò như thế nào trong việc góp phần đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh? Góp phần thế nào cùng với Nhà nước tạo dựng các thể chế, cơ chế, chính sách mới, phát triển nguồn nhân lực mới và thu hút nguồn tài chính mới như tài chính xanh cho chuyển đổi số gắn với chuyển đổi xanh?

Nói cách khác, làm thế nào để doanh nghiệp có thể góp phần giúp Nhà nước phát huy được vai trò kiến tạo cho phát triển nói chung và cho chuyển đổi số, chuyển đổi xanh nói riêng?

Ngoài ra, các doanh nghiệp sẽ đóng vai trò như thế nào trong đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển công nghệ, nhất là công nghệ số, tới làm chủ được công nghệ, nhất là công nghệ số, giúp Việt Nam đảm bảo được an toàn, an ninh mạng? Làm thế nào để có thể giải quyết được một cách tối ưu mối quan hệ giữa hiệu quả và chi phí trong quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, đặc biệt là trong bối cảnh năng lực và trình độ của doanh nghiệp chưa cao; đa số các doanh nghiệp của chúng ta là doanh nghiệp vừa và nhỏ? Cần có những giải pháp gì để Nhà nước có thể hỗ trợ hiệu quả cho các doanh nghiệp chuyển đổi số, chuyển đổi xanh thành công trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn hẹp và đảm bảo các cam kết quốc tế…?

Bài liên quan
Dự án chính quyền số TP.Hải Phòng: Gia tăng sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp
UBND TP.Hải Phòng vừa khai trương Dự án Chính quyền số TP.Hải Phòng - một trong những dự án quan trọng trong phát triển kinh tế số, xã hội số.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
15 phút trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp Việt chưa đầu tư và hưởng lợi nhiều từ chuyển đổi số - chuyển đổi xanh