Cả tuần nay, nhiều hộ nông dân nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đã kéo đến đòi nợ Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu. Bởi từ 2 – 3 tháng qua, Công ty Sông Hậu thiếu họ gần 40 tỉ đồng tiền mua cá tra, không trả đúng cam kết và nay lại tuyên bố hết khả năng. 

Doanh nghiệp hại nông dân

Một Thế Giới | 03/10/2013, 11:09

Cả tuần nay, nhiều hộ nông dân nuôi cá tra ở đồng bằng sông Cửu Long đã kéo đến đòi nợ Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Sông Hậu. Bởi từ 2 – 3 tháng qua, Công ty Sông Hậu thiếu họ gần 40 tỉ đồng tiền mua cá tra, không trả đúng cam kết và nay lại tuyên bố hết khả năng. 

           

Cụ thể, hội đồng quản trị công ty Sông Hậu đã cam kết đến ngày 15.9 thanh toán 20% tiền nợ cho bà con nuôi cá tra. Phần còn lại sẽ được thanh toán làm nhiều đợt, chậm nhất đến Tết nguyên đán dứt điểm. Thế nhưng, đến ngày 28.9, công ty này chỉ trả được 5% số nợ và tuyên bố hết khả năng.

Trước đây đã từng có vụ việc tương tự của Công ty Thủy sản An Bình gây xôn xao dư luận. Đó chỉ là hai trong số nhiều trường hợp các công ty chế biến, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp làm ăn chụp giật để cuối cùng người nông dân phải gánh chịu hậu quả nặng nhất. 

Đấu trộn gạo xuất khẩu

Dù ở vị trí nước xuất khẩu gạo lớn thứ 2 toàn cầu nhưng giá gạo của Việt Nam thuộc loại thấp nhất thế giới. Áp lực tồn kho lớn dẫn đến nhu cầu giải phóng hàng cao nên xảy ra tình trạng “xé rào” chào bán giá thấp.

Trả lời phỏng vấn báo Sài Gòn Giải Phóng, ông Phạm Kiêm Sa, Phó Giám đốc Sở Công thương Đồng Tháp, nhìn nhận: “Nhiều năm qua, chúng ta xuất khẩu gạo nhiều nhưng không có thương hiệu. Tình trạng trộn lẫn gạo phẩm cấp thấp vào gạo chất lượng cao với tỉ lệ rất lớn rất phổ biến. Vì thế việc giảm chất lượng, uy tín là không thể tránh khỏi… Nhất thiết Việt Nam phải xây dựng thương hiệu gạo, làm ăn căn cơ, bài bản hơn”…

Ông Nguyễn Minh Nhị, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, đã từng khẳng định các doanh nghiệp xuất khẩu gạo rất “chảnh”, chơi trò ú tim với nông dân trồng lúa, nhất là lúa phẩm cấp thấp (IR50404). Khi xuất được họ mua nhiều về trộn với gạo chất lượng cao, bán giá cao. Còn khi không xuất được thì không thèm mua, đổ thừa hết cho nông dân.

“Phá giá” bán cá tra

Trong khi đó, ông Trần Văn Hùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Hùng Cá (Đồng Tháp), bức xúc: “Tình trạng chất tăng trọng, bơm nước vào cá nguyên liệu, sản phẩm phi lê hiện nay đáng báo động. Chỉ cần kiểm tra các lô hàng bất thường với giá dưới 2 USD/kg sẽ biết ngay, vì các lô hàng khác được bán tới giá 3,1 – 3,2 USD/kg, thậm chí 3,6 USD/kg”.

Ông Nguyễn Văn Kịch, Tổng giám đốc Công ty Cafatex, nhìn nhận sự tăng trưởng nóng của ngành cá tra những năm qua đã tạo ra tình trạng dư thừa rất lớn. Sản lượng cá tra tăng 10 lần trong vòng 10 năm, từ 120.000 tấn năm 2002 đến gần 1,3 triệu tấn vào năm 2012. Số lượng nhà máy cũng tăng đột biến, hàng loạt doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu ra đời.

Cả đồng bằng sông Cửu Long hiện có 70 nhà máy nhưng lại có hơn 400 – 500 đơn vị xuất khẩu và 300 – 400 nhà nhập khẩu. Vì thế, làm sao không xảy ra chuyện tranh mua – tranh bán, hạ giá? Hậu quả, ngành cá tra đang lâm vào khủng hoảng, giá xuất khẩu hạ thấp nhất từ trước đến nay. Hàng loạt doanh nghiệp sản xuất cầm chừng, phá sản.

Và thiệt thòi nhất vẫn là người nuôi cá vì giá bán dưới giá thành từ 1.000 – 4.000 đồng/kg…

Bao giờ liên kết?

Phó Trưởng ban chỉ đạo Tây Nam bộ Huỳnh Minh Đoàn nhìn nhận: “Việc cạnh tranh không lành mạnh thời gian qua thể hiện đạo đức kinh doanh của các doanh nghiệp chúng ta chưa tốt, cần phải sớm chấm dứt. Cung cách làm ăn như thế thì chính doanh nghiệp đã gây hại cho nông dân…”.

Theo ông Võ Hùng Dũng, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ, tiềm năng xuất khẩu thủy sản đang lớn hơn lúa gạo và thời gian tới sẽ còn tăng. Tuy nhiên, khó khăn là do việc gia tăng diện tích và sản lượng (mặt hàng cá tra) khiến giá đầu vào (thức ăn) tăng cao, trong khi giá xuất khẩu lại giảm, mặt khác, hệ thống thông tin trong toàn ngành chưa được thực hiện, các doanh nghiệp chỉ có thông tin nội bộ của chính mình dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm, cạnh tranh không lành mạnh.

Ông Dũng cho rằng với tình hình xuất khẩu như hiện nay chưa thể giúp đồng bằng sông Cửu Long làm giàu. Cần phải có chiến lược đảm bảo sự phát triển lâu dài, ổn định; đảm bảo an ninh lương thực, đời sống và lợi ích của nông dân; cải thiện để nâng cao chất lượng, xây dựng và quảng bá hình ảnh lúa gạo, thủy sản; tiếp cận và lựa chọn thị trường chiến lược cho ngành nông – thủy sản; quan tâm nhiều hơn đến sự thay đổi khi Việt Nam ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên thái bình dương TPP.

Nguồn: Sài Gòn Giải Phóng

           
Bài liên quan
Đổi mới sáng tạo là chìa khóa để thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong ngành thủy sản
Ngày 22.11, tại Cần Thơ, Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức GIZ phối hợp với Cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) tổ chức hội thảo khởi động dự án “Cải thiện hệ thống tuần hoàn nước phục vụ nuôi trồng thủy sản bền vững và Tham vấn các giải pháp đổi mới sáng tạo ngành tôm Việt Nam nhằm thúc đẩy kinh tế tuần hoàn” (viết tắt là Dự án).

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
9 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp hại nông dân