Doanh nghiệp Việt Nam có chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng tạo ra các sản phẩm tốt, chất lượng, có mong muốn xây dựng thương hiệu Việt, nhưng thiếu nguồn vốn thực hiện.

Doanh nghiệp đói vốn, khó bứt phá

Tuyết Nhung | 24/11/2023, 08:46

Doanh nghiệp Việt Nam có chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng tạo ra các sản phẩm tốt, chất lượng, có mong muốn xây dựng thương hiệu Việt, nhưng thiếu nguồn vốn thực hiện.

Doanh nghiệp đói vốn

Đó là thực trạng chung trong việc tiếp cận nguồn tài chính của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn còn nhiều khó khăn. Thiếu đơn hàng từ đầu năm đến nay khiến nhiều ngành hàng "mất ăn mất ngủ" để duy trì sản xuất và xuất khẩu. Trong đó, ngành gỗ là một minh chứng rõ ràng nhất khi đơn hàng sụt giảm mạnh, hoạt động cầm chừng, nhất là các doanh nghiệp nội địa. Thực tế ghi nhận cho thấy chỉ có 10% doanh nghiệp còn 50% đơn hàng, có 50% doanh nghiệp còn 30 - 40% đơn hàng, các doanh nghiệp còn lại là không có đơn hàng. Do đó, hàng tồn kho tăng cao, thiếu dòng tiền.

img_9387.jpg.jpg
Doanh nghiệp ở nhiều ngành sản xuất chủ lực đang đối mặt với những khó khăn. Đó là tình trạng đơn hàng sụt giảm mạnh, cạn kiệt dòng tiền

Trong lĩnh vực bất động sản, hiện rất khó khăn và có xu hướng đi vào suy thoái. Sự ngưng trệ của thị trường bất động sản đã kéo theo sự ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan. Đơn cử, ngành vật liệu xây dựng đang ghi nhận sụt giảm nghiêm trọng cả trên thị trường trong và ngoài nước.

Cụ thể, giá thép giảm do lượng cung quá lớn trong khi nhu cầu giảm, sản lượng xuất khẩu thép giảm; nhà máy xi măng ế ẩm, xuất khẩu giảm, thị trường trong nước cũng sụt giảm do đầu tư công và dự án bất động sản đóng băng...

Cùng chung cảnh ngộ, tình hình thị trường của các doanh nghiệp thủy sản cũng không mấy khả quan. Khảo sát của cho thấy, trong quý 2/2023, doanh nghiệp không có đơn hàng, nguyên liệu cũng không dồi dào. Thị trường khó khăn, sản xuất nguyên liệu trong nước bị chững lại, cả nông ngư dân và doanh nghiệp đều thiếu vốn để duy trì nuôi trồng, khai thác và chế biến.

Bà Nguyễn Thị Lan Phương - Phó trưởng phòng WTO và FTA (Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương) nhìn nhận quá trình tận dụng FTA vừa qua còn rất nhiều những vấn đề tồn tại. Thứ nhất, quá trình tận dụng FTA, mặc dù đã đạt được một số kết quả và những tín hiệu tích cực nhất định, song tỷ trọng xuất khẩu tại các thị trường FTA còn rất là khiêm tốn. Ví dụ như năm 2022 thì tỷ trọng của xuất khẩu sang EU trong tổng xuất khẩu chung chỉ đạt khoảng 12%.

Thứ 2, tỷ lệ tận dụng FTA tại các thị trường đối tác FTA của Việt Nam cũng còn chưa đạt được kỳ vọng. Ví dụ EU là một thị trường mà tỷ lệ tận dụng tương đối cao cũng chỉ đạt ở mức khoảng 26%. Doanh nghiệp cũng chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

"Những tồn tại như vậy có rất nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến quá trình thực thi có những hạn chế, nhưng chúng tôi đánh giá rằng là một trong những nguyên nhân rất quan trọng và có thể đóng vai trò rất then chốt chính là việc tiếp cận các nguồn vốn và nguồn tài chính của doanh nghiệp", bà Lan Phương chỉ rõ.

Một báo cáo của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính) cho thấy khó khăn về dòng tiền, bao gồm vốn lưu động và vốn đầu tư trung-dài hạn, đang đặt doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, vào những tình thế hết sức cấp bách, khó khăn. Báo cáo nhận định, việc tiếp cận nguồn vốn để duy trì sản xuất, kinh doanh là thách thức lớn nhất, đặc biệt với khu vực doanh nghiệp tư nhân.

Đối với một số thị trường khó tính, do những cải tiến về quy mô, cam kết về bảo vệ môi trường và chất lượng sản phẩm, khách hàng đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư máy móc, công nghệ mới. Nhưng do thiếu vốn, doanh nghiệp cũng không thể đáp ứng yêu cầu này, dẫn tới nguy cơ không thể duy trì vị trí trong chuỗi.

Báo cáo mới đây của Bộ Công Thương về tình hình thực thi các hiệp định CPTPP, EVFTA và UKVFTA cũng chỉ ra, một trong những hạn chế khi triển khai các FTA là nhiều doanh nghiệp Việt Nam có chuyên môn, kinh nghiệm và khả năng tạo ra các sản phẩm tốt, chất lượng, có mong muốn xây dựng thương hiệu Việt nhưng thiếu vốn để thực hiện. Các chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp nhằm tận dụng cơ hội xuất khẩu từ các FTA chưa phát huy được hiệu quả tối đa để đáp ứng nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam năm 2022, khó khăn lớn nhất mà các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đang gặp phải đó là tiếp cận tín dụng. Cụ thể trong năm 2022 khi khảo sát doanh nghiệp có đến 55,6% than thở rằng họ khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng, trong khi con số này ở những năm 2019 chỉ là 34,8%, năm 2020 là 40,7% và đến năm 2021 là 46,9%.

Trong khi đó, Tổ chức quốc tế IFC cũng đánh giá rằng 70% doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam khó và không thể tiếp cận được vấn đề tài chính. "Ở Việt Nam chúng tôi cho rằng tỷ trọng cho vay không dựa trên bất động sản còn rất khiêm tốn so với các thị trường thế giới. Nó chỉ dao động ở mức từ 25 - 30%, trong khi hơn 70% các khoản vay còn lại phải dựa trên cam kết bảo đảm bằng bất động sản. Trong khi đó, doanh nghiệp của Việt Nam với điều kiện quản trị, điều kiện quản lý dòng tiền, hệ thống tài chính, công nghệ còn rất hạn chế thì việc chứng minh những điều kiện đó rất khó khăn", bà Nguyễn Thị Lan Phương nhấn mạnh.

Khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp

Đưa ra giải pháp khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp xuất khẩu, chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực phân tích tại Việt Nam hiện có 6 nguồn vốn dành cho doanh nghiệp, gồm: ngân sách; vốn nước ngoài; huy động từ thị trường vốn; đối tác; vốn tín dụng, bảo lãnh và cho thuê tài chính; vốn tự có, vốn góp. Trong đó, vốn tín dụng vẫn là kênh huy động lớn nhất của các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm 48,71% còn lại được huy động từ các nguồn khác.

Ông Lực cho rằng, hiện nay, xuất khẩu bắt đầu có dấu hiệu phục hồi, một số doanh nghiệp dệt may, gỗ, điện tử bắt đầu có đơn hàng quay trở lại tuy chưa thường xuyên và chưa lớn. Để có thể có thể bắt kịp đơn hàng mới, doanh nghiệp cần chuẩn bị nhanh một số điều kiện, trong đó vốn là rất quan trọng. "Phương thức hỗ trợ vốn trên nền tảng công nghệ số tương đối mới và phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay. Thông qua nền tảng công nghệ, chi phí chiết khấu sẽ giảm và công khai minh bạch hơn", ông Lực nói.

Ở góc độ ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng thư ký, Phó chủ tịch Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết hiện nay các tổ chức tín dụng đang dư thừa về thanh khoản, lượng thanh khoản rất dồi dào, trong khi đó tăng trưởng tín dụng thì ở mức thấp, rất thấp, thấp nhất trong 10 năm qua.

Về lĩnh vực xuất nhập khẩu, ngân hàng phải dành nguồn lực để đầu tư cho lĩnh vực xuất nhập khẩu. Đặc biệt, với doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang 16 thị trường có FTA với Việt Nam, lãi suất cho vay thấp nhất là 4%, thấp hơn cả lãi suất USD. Dù được ưu tiên, nhưng theo ông Nguyễn Quốc Hùng, doanh nghiệp không đáp ứng đủ điều kiện thì ngân hàng cũng không thể cho vay được.

Để có thể nâng khả năng tiếp cận cũng như hấp thụ vốn, ông Nguyễn Hoài Nam - Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng thị trường vốn lành mạnh là trợ lực rất lớn cho những ngành sản xuất. Thị trường tín dụng, vốn phải nhìn dưới dạng win - win để nền kinh tế, chuỗi ngành hàng phát triển bình thường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần gia tăng sức mạnh, cải thiện chính mình, điều chỉnh công nghệ sản xuất, giảm chi phí và duy trì sự đồng hành của tín dụng với lãi suất phù hợp.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, hiện vẫn còn dư địa lớn để cải cách các quy định liên quan đến kinh doanh, có tác động đến cộng đồng doanh nghiệp. Trong điều kiện kinh doanh thuận lợi hay khi có những bất ổn của thị trường thì câu chuyện tín dụng luôn có vai trò quan trọng và là dòng máu để duy trì sản xuất.

Đặc biệt, các bộ ngành cần tiếp thu ý kiến từ cộng đồng doanh nghiệp để đáp ứng những yêu cầu của thị trường, đảm bảo tiêu chí các văn bản quy phạm pháp luật phù hợp ở từng thời điểm.

Về phía Bộ Công Thương, bà Nguyễn Thị Lan Phương chia sẻ, thời gian vừa qua, Bộ Công Thương đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết quả thực thi các FTA thế hệ mới và một trong số những kiến nghị là giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan để xây dựng những biện pháp hỗ trợ cho các doanh nghiệp tiếp cận những nguồn vốn tín dụng để tận dụng các FTA tốt hơn. Trong đó, đặc biệt lưu ý hơn đến với những doanh nghiệp mà họ muốn nâng cao năng lực để phát triển bền vững, trong đó có chuyển đổi xanh và phát triển những sản phẩm có trách nhiệm hơn với xã hội.

"Chúng tôi cũng rất muốn nhấn mạnh rằng cho dù chúng ta thiết kế ra bất cứ một biện pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được tín dụng thì vẫn phải tuân thủ các cam kết quốc tế vì những vấn đề như trợ cấp xuất khẩu sẽ không được phép vi phạm, tức là những tiêu chuẩn tín dụng phải đảm bảo vì chúng ta cần phải đảm bảo an toàn hệ thống", bà Lan Phương nói.

Đối với các doanh nghiệp, cần phải có sự định vị lại chính mình, phải cơ cấu lại, tập trung vào những ngành hàng tự mình xác định là thế mạn. Nếu cứ dàn trải thì không có ai sẵn sàng cho vay hay có thể tiếp cận được những nguồn vốn tín dụng.

"Bộ Công Thương đang trong quá trình xây dựng hệ sinh thái FTA để phát triển ngành hàng tại các tỉnh thành, và phần giải pháp nguồn tín dụng là một cấu phần liền kề, rất quan trọng để đảm bảo sự thành công của các hệ sinh thái ở các tỉnh", bà Phương khẳng định.

Bài liên quan
Dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ đội vốn giải phóng mặt bằng hơn 200 tỉ đồng
Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và Quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long, cho biết dự án cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hiện đội vốn giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng hơn 200 tỉ đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
4 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Doanh nghiệp đói vốn, khó bứt phá