Nhiều doanh nghiệp mong muốn tiếp tục ngưng hiệu lực thi hành đối với 3 quy định của Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tuy nhiên Bộ Tài chính không đồng ý.
Tài chính và đầu tư

DN muốn tiếp tục ngưng 3 quy định tại Nghị định 65 về TPDN, Bộ Tài chính... 'lắc đầu'

Lam Thanh 29/11/2023 18:40

Nhiều doanh nghiệp mong muốn tiếp tục ngưng hiệu lực thi hành đối với 3 quy định của Nghị định 65 về trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tuy nhiên Bộ Tài chính không đồng ý.

Dư nợ TPDN riêng lẻ khoảng 1 triệu tỉ đồng

Theo Công ty chứng khoán MB (MBS), trong tháng 11 tổng giá trị TPDN phát hành thành công tăng 9 lần so với cùng kỳ, song giảm 32% so với tháng trước. Lũy kế 11 tháng năm 2023, tổng giá trị phát hàng tăng 8% so với cùng kỳ.

Lũy kế từ đầu năm đến nay, khoảng 197.660 tỉ đồng TPDN đã được mua lại trước hạn, tăng 13% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tính đến ngày 21.11, đã có khoảng 100 doanh nghiệp thông báo về việc chậm/hoãn thanh toán gốc, lãi trái phiếu. Ước tính tổng giá trị TPDN chậm các nghĩa vụ thanh toán vào khoảng 192 nghìn tỉ đồng.

Theo Bộ Tài chính, từ khi Nghị định 08 có hiệu lực, có 68 DN phát hành riêng lẻ với khối lượng 189,7 nghìn tỉ đồng. Dư nợ TPDN riêng lẻ tại thời điểm cuối tháng 10.2023 là khoảng 1 triệu tỉ đồng, chiếm 10,5% GDP năm 2022, bằng 8% tổng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

trai-phieu.jpg
Từ khi Nghị định 08 có hiệu lực, có 68 DN phát hành riêng lẻ với khối lượng 189,7 nghìn tỉ đồng

Tuy nhiên, theo số liệu của HoREA, giá trị TPDN đáo hạn trong năm 2024 lên đến 329.500 tỉ đồng, gấp 1,21 lần giá trị đáo hạn trong năm 2023 (271.400 tỉ đồng) và gấp 2,28 lần giá trị đáo hạn trong năm 2021 (144.500 tỉ đồng).

Trong khi đó, việc thu xếp dòng tiền để giải quyết trái phiếu đáo hạn, cộng với áp lực trả nợ vay ngân hàng và nhu cầu vốn đầu tư đang là bài toán khó với nhiều DN.

Thị trường vẫn chủ đạo gam màu xám

Trao đổi với phóng viên Một Thế Giới, chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân cho rằng các quy định tại Nghị định 08 giúp các DN “dễ thở” hơn, giảm được áp lực nợ. Tuy nhiên, khó khăn còn ở phía trước và khi việc tạm ngưng hiệu lực một số quy định tại Nghị định 65 kết thúc, các DN vẫn phải đối mặt với khó khăn.

“Các DN buộc phải thay đổi, tích cực tái cơ cấu, minh bạch để lấy lại niềm tin của nhà đầu tư”, ông Nhân nói.

tp-2.jpeg
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Bá Chí Nhân

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA cho rằng tháng 3.2023, Chính phủ đã ban hành Nghị định 08/2023/NĐ-CP, trong đó quy định “ngưng hiệu lực thi hành” đối với quy định về điều kiện nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp; thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt phát hành; kết quả xếp hạng tín nhiệm đối với DN phát hành trái phiếu của Nghị định 65 đến hết ngày 31.12.2023.

Theo ông Châu, thời điểm kết thúc hiệu lực của Điều 3 Nghị định 08 đã cận kề, nhưng điều kiện thị trường vẫn còn nhiều khó khăn. Do đó, đề nghị tiếp tục tạm ngưng hiệu lực các quy định này.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng giai đoạn hiện nay chỉ có rất ít đơn vị xếp hàng tín nhiệm độc lập, trong khi một lượng rất lớn DN phát hành, nên rất khó khăn.

Ngoài ra, quy định mua bán trái phiếu hiện nay rất khó, phải là nhà đầu tư chuyên nghiệp, có vốn đầu tư thường xuyên là 2 tỉ đồng trở lên, đồng thời phải nắm giữ trái phiếu 6 tháng liên tục. Chưa kể, giá trị trái phiếu rất cao, có thể lên tới 100 triệu đồng/trái phiếu, là con số không hề nhỏ và trái với mong muốn của nhà đầu tư cũng như DN. Theo đó, không nhiều nhà đầu tư có thể đáp ứng.

Bộ Tài chính… "lắc đầu"

Bộ Tài chính không đồng ý tiếp tục ngưng hiệu lực thi hành đối với 3 quy định của Nghị định 65.

Theo lý giải của Bộ Tài chính, Nghị định 65 quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỉ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.

Để duy trì nhu cầu mua TPDN của các nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính nhưng chưa tích lũy đủ thời gian 180 ngày theo quy định tại Nghị định số 65 và thị trường có thêm thời gian điều chỉnh, Nghị định 08 quy định ngưng thực hiện quy định nêu trên đến hết ngày 31.12.2023.

Đến nay, sau hơn 8 tháng triển khai, nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân đã tích lũy đủ thời gian 180 ngày để đáp ứng quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Do đó, không cần thiết kéo dài thời gian ngưng hiệu lực thi hành quy định này.

ch.jpeg
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi

Ngoài ra, theo Bộ Tài chính, pháp luật chứng khoán còn quy định các cách khác để xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cá nhân đang được thực hiện như: Có chứng chỉ hành nghề chứng khoán, có thu nhập chịu thuế năm gần nhất tối thiểu 1 tỉ đồng...

“Việc thực hiện quy định xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp tại Nghị định 65 sẽ giảm thiểu rủi ro phân phối, chào mời nhà đầu tư cá nhân không phải là nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu, tăng cường tính an toàn và bền vững của thị trường TPDN”, Bộ Tài chính nêu.

Bộ Tài chính cũng đề xuất không kéo dài thời gian ngưng quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc đối với TPDN riêng lẻ.

Từ ngày 1.1.2023, TPDN chào bán ra công chúng đã thực hiện quy định về xếp hạng tín nhiệm đối với các đợt chào bán bắt buộc phải có xếp hạng tín nhiệm. Các DN phát hành ra công chúng năm 2023 đều không thuộc trường hợp bắt buộc xếp hạng tín nhiệm.

Đối với phát hành riêng lẻ, từ khi Nghị định 08 có hiệu lực thi hành đến 3.11.2023, nếu áp dụng quy định của Nghị định 65 thì có ít doanh nghiệp thuộc trường hợp phải xếp hạng tín nhiệm theo quy định.

Như vậy, theo quy định tại Nghi định 65, tương tự như trái phiếu phát hành ra công chúng, chỉ một số trường hợp đáp ứng đủ các điều kiện thì phải bắt buộc xếp hạng tín nhiệm nên số đợt phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm dự kiến còn hạn chế. Do vậy, việc tiếp tục thực hiện quy định tại Nghị định 65 sẽ không có vướng mắc.

Hiện nay, Bộ Tài chính cũng đã cấp phép thêm 1 DN, tổng số DN có thể cung cấp dịch vụ xếp hạng tín nhiệm là 3 DN trên tổng số cho phép tối đa là 5 DN xếp hạng tín nhiệm, trong đó có một DN có liên doanh với tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế.

Bộ Tài chính cũng cho rằng Nghị định 65 quy định thời gian phân phối trái phiếu của từng đợt chào bán không vượt quá 30 ngày. Mục tiêu của quy định này là nhằm hạn chế việc DN lợi dụng thời gian phân phối trái phiếu dài, chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ không phải nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp mua trái phiếu.

Trước đây, để góp phần hỗ trợ DN cân đối và huy động các nguồn lực để thanh toán nghĩa vụ nợ đến hạn, Nghị định 08 quy định ngưng thực hiện quy định về giảm thời gian phân phối trái phiếu đến hết ngày 31.12.2023.

“Đến nay, thanh khoản của thị trường đã ổn định trở lại, đồng thời để hạn chế rủi ro đối với thị trường TPDN, hạn chế tình trạng DN lợi dụng chào mời nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ nên không cần thiết kéo dài quy định này”, Bộ Tài chính nêu.

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đồng ý phương án nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 9 ngày liên tục
6 giờ trước Sự kiện
Thủ tướng đồng ý với phương án Bộ LĐ-TB-XH đề xuất nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 9 ngày liên tục.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
DN muốn tiếp tục ngưng 3 quy định tại Nghị định 65 về TPDN, Bộ Tài chính... 'lắc đầu'