Điền Gia Anh nằm trong nhóm “tú tài” gồm các thư ký đặc biệt của Mao Trạch Đông như Hồ Kiều Mộc, Trần Bá Đạt, Diệp Tử Long. Từ tháng 10-1948 đến tháng 5-1966 (tức từ 26 tuổi đến 44 tuổi), Điền là thư ký chính trị cho Mao Trạch Đông, sát cánh trong 18 năm và cũng là thư ký duy nhất tự sát trong Trung Nam Hải.

Điền Gia Anh-thư ký Mao Trạch Đông: Một cuộc đời oan nghiệt

02/10/2016, 05:57

Điền Gia Anh nằm trong nhóm “tú tài” gồm các thư ký đặc biệt của Mao Trạch Đông như Hồ Kiều Mộc, Trần Bá Đạt, Diệp Tử Long. Từ tháng 10-1948 đến tháng 5-1966 (tức từ 26 tuổi đến 44 tuổi), Điền là thư ký chính trị cho Mao Trạch Đông, sát cánh trong 18 năm và cũng là thư ký duy nhất tự sát trong Trung Nam Hải.

Mao Trạch Đông trên quảng trường Thiên An Môn ngày 3.11.1967

Trong đời của Mao Trạch Đông có sử dụng nhiều thư ký (cơ yếu, cận vệ, y tế…). Trong số đó không ít người tài hoa xuất chúng và Điền Gia Anh (4.1.1922 - 23.5.1966) là một người như vậy.

“Chỉ mong không có tội”

Lần đầu tiên khi Điền Gia Anh đến nhận công tác tại Phủ chủ tịch, Mao Trạch Đông hỏi: “Anh đến chỗ tôi làm việc có suy nghĩ gì không?”. Điền Gia Anh đáp: “Không dám cầu có công, chỉ mong không có tội”.

Câu trả lời của Điền Gia Anh rõ ràng không làm vừa lòng Mao Trạch Đông, nhưng đó là lời nói trong tâm khảm. Ai cũng biết làm thư ký chỗ Mao Chủ tịch đâu có dễ dàng, huống chi lúc ấy Điền Gia Anh chỉ mới 26 tuổi, anh biết rõ trách nhiệm nặng nề của mình.

Khi Mao chủ tịch mời Điền Gia Anh ăn cơm, Điền vốn tửu lượng rất khá, nhưng hôm ấy chỉ uống một chút đã say, điều này có thể thấy tâm lý căng thẳng của Điền.

Vừa về nhận công tác, Mao Trạch Đông đã gọi Điền Gia Anh đến truyền đạt ý kiến chỉ đạo miệng, yêu cầu Điền phải thảo ngay một bức điện báo và nộp tại chỗ. Đây là cuộc thi lần thứ nhất.

Sau đó, Mao lại yêu cầu Điền đi làm công tác điều tra tình hình vùng đông bắc nhưng không ra chỉ thị, đề mục cụ thể. Điền hỏi thì Chủ tịch bảo: “Anh cứ đi khắp nơi xem xét từ thành thị, thương phẩm, công xưởng, dân tình rồi trở về báo cáo”. Đây thực ra là một phương pháp khảo sát cán bộ đặc thù của Mao Trạch Đông. Điền Gia Anh trải qua lần thi thứ hai trót lọt.

Điền Gia Anh, thư ký chính trị của Mao Trạch Đông

“Đi khắp đường thiên hạ, đọc hết sách nhân gian”.

Điền Gia Anh tên thật là Tăng Chính Xương, người Thành Đô, Tứ Xuyên, mồ côi cha mẹ từ nhỏ, tự học mà thành tài, thuộc lòng cả bộ Tư trị thông giám, Sử ký và nhiều tác phẩm cổ điển Trung Hoa, được gọi là thần đồng. Trên đầu giường có viết câu liễn “Đi khắp đường thiên hạ, đọc hết sách nhân gian”.

Năm 1938, Điều gia nhập đảng Cộng sản Trung Quốc, học tại Học viện Mác Lênin ở Diên An, được giữ lại để nghiên cứu về vấn đề Trung Quốc.

Mao Trạch Đông chọn Điền Gia Anh làm thư ký là qua giới thiệu của Hồ Kiều Mộc. Năm 1941, Điền Gia Anh được chọn vào Ban Nghiên cứu chính trị trung ương. Năm 1943 ở Diên An, Điền Gia Anh được Hồ Kiều Mộc chuyển từ Ban Nghiên cứu chính trị trung ương sang Bộ Tuyên huấn trung ương, sau mới tiến cử đến Mao Chủ tịch.

Mao Trạch Đông chú ý đến Điền Gia Anh từ những bài viết của Điền đăng trên tờ Giải phóng Nhật báo tại Diên An. Có lần Điền Gia Anh giảng cổ văn cho cán bộ trong cơ quan nghe, Mao Trạch Đông tình cờ đi ngang nghe Điền giảng quá thu hút bèn đứng ngoài cửa sổ chăm chú nghe.

Năm 1946, Điền Gia Anh được Mao Trạch Đông chọn làm thầy giáo dạy cho con trai là Mao Ngạn Anh vừa từ ở Liên Xô về. Từ năm 1948, Điền trở thành thư ký chính trị của Mao Trạch Đông, hai người rất tâm đầu ý hợp, đều ham thích cổ văn, thư họa.

Năm 1954, Điền Gia Anh là phó chủ nhiệm Văn phòng Trung ương đảng, là người biên tập, chú giải “Tuyển tập Mao Trạch Đông” từ quyển 1 đến 4, tham gia biên soạn hiến pháp nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Mao Trạch Đông thi từ, viết diễn văn khai mạc đại hội đảng lần thứ 8 cho Mao Trạch Đông.

Điền Gia Anh (trái) và Mao Trạch Đông đàm đạo

Những suy nghĩa “cả gan” của Điền Gia Anh

Từ sau khi “đại nhảy vọt” bị thất bại, trong nội bộ đảng không ít người trăn trở một vấn đề: Chủ nghĩa xã hội rốt cuộc là phải làm thế nào? Trước đó thì vấn đề này chưa trở nên bức xúc, nhưng từ cuối năm 1958, nhất là sau hội nghị Lư Sơn vào hè năm 1958 thì ngày càng có nhiều đảng viên bắt đầu hoài nghi, Điền Gia Anh là một người trong số đó.

Lúc ấy có người đề xuất là phải nghiên cứu thật kỹ các trước tác của chủ nghĩa xã hội không tưởng, trước tác của Mác-Ăngghen để xem họ nói thế nào. Riêng Điền Gia Anh thì tự đi tìm câu trả lời từ trong thực tế.

Tư tưởng căn bản của Điền Gia Anh là: Chế độ xã hội chủ nghĩa là không thể thay đổi, nhưng phương pháp xây dựng thì có thể đa dạng, linh hoạt. Anh cho rằng Trung Quốc lúc ấy chưa giải quyết được vấn đề phương pháp xây dựng xã hội chủ nghĩa.

Tất nhiên lúc ấy Điền Gia Anh không thể đề xuất những khái niệm tầm cỡ như “mô thức Liên Xô” hay “mô thức Trung Quốc” mà phần lớn tư tưởng của Điền là từ góc độ cụ thể của người đi sâu sát trong quần chúng nhân dân và chưa hình thành một hệ thống tư tưởng. Mặc dù vậy, một số đề xuất và suy nghĩ “cả gan”của Điền Gia Anh cho đến bây giờ vẫn còn nguyên giá trị.

Chống lại sai lầm của phe tả khuynh

Chẳng hạn, về vấn đề dân chúng phải giàu có, Điền Gia Anh nói: “Mấy năm nay không cho xã viên làm kinh tế phụ, đó là sai lầm. Sự giàu có của một quốc gia trước hết phải xem dân chúng có giàu hay không. Mục đích của những người cộng sản chúng ta là phải làm cho dân chúng giàu có. Về vấn đề này nhiều đồng chí còn hiểu mơ hồ. Dân chúng giàu rồi thì quốc gia mới giàu, vì vậy việc xã viên làm kinh tế phụ để có thể phát triển kinh tế là đúng và không có gì phải sợ”.

Những lời nói trên được Điền Gia Anh phát biểu chống lại sai lầm của phe tả khuynh “thủ tiêu kinh tế phụ gia đình” từ sau năm 1958, tuy còn phiến diện nhưng đây là đòn phủ định tư tưởng xây dựng “chủ nghĩa xã hội bần cùng”: chỉ hướng đến “tích luỹ cao”mà coi thường công việc nâng cao đời sống cho công nhân, nông dân, trí thức.

Ngoài ra, đối với các vấn đề thương nghiệp, khoa học, quan hệ đảng-chính (đảng và chính quyền), Điền Gia Anh đều có những kiến giải và kiến nghị sâu sắc.

Anh chỉ rõ những bất cập trong quản lý kinh tế hiện thời do phong tỏa thị trường và phản đối quyết liệt cách lãnh đạo kinh tế bằng biện pháp hành chính đơn thuần, những yếu kém của lãnh đạo địa phương. Anh cũng đề nghị phải phân khai mối quan hệ giữa đảng và chính quyền, phát huy dân chủ trong đảng, chủ trương khoán sản phẩm cho nông dân.

Những gì Điền Gia Anh nói đã đi vào vấn đề mấu chốt của nền kinh tế và thể chế chính trị đương thời, rất đáng chú ý. Nhưng không ngờ đây cũng là mầm móng đưa đến cái chết oan uổng của Điền Gia Anh trong Cách mạng Văn hóa.

Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc

Trần Bá Đạt tâm địa hẹp hòi

Hai kẻ thù nguy hiểm của Điền Gia Anh là Trần Bá Đạt và Giang Thanh. Điền Gia Anh và Trần Bá Đạt quen nhau từ thời ở Diên An, lúc ấy Mao Trạch Đông kiêm chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu chính trị trung ương, Trần Bá Đạt là phó chủ nhiệm, Điền Gia Anh từ tổ kinh tế chuyển về làm nghiên cứu viên tổ chính trị.

Trần Bá Đạt có viết mấy cuốn sách, Điền Gia Anh giúp Đạt tìm kiếm tư liệu, lúc bấy giờ ở Diên An điều kiện rất khó khăn, việc sưu tầm tài liệu là rất khó. Đến khi sách viết xong, Đạt dương dương tự đắc hỏi Anh: “Cậu thì làm được gì?”.

Sau năm 1949, Điền Gia Anh và Đạt tiếp xúc với nhau nhiều do quan hệ công việc nên hiểu rõ con người Đạt.

Đạt vốn người giả dối, bên ngoài ra vẻ đạo đức nhưng kỳ thực tâm địa hẹp hòi, tham công người khác, che giấu dã tâm. Ai làm việc chỗ Mao Trạch Đông có thành tích, được khen thưởng là Đạt tìm cách chê bai, xúc xiểm. Điền Gia Anh nhiều năm được Mao Chủ tịch trọng dụng đã trở thành cái gai trong mắt Đạt. Tính Điền Gia Anh lại thẳng thắn, phát biểu không kiêng nể nên Đạt rất ghét.

Năm 1955, căn cứ theo đề nghị của Chủ tịch thành lập trở lại Phòng nghiên cứu chính trị trung ương, Trần Bá Đạt làm chủ nhiệm, Hồ Thằng, Điền Gia Anh làm phó chủ nhiệm, nhưng thực tế công việc chỉ có Hồ và Điền làm.

Đặt điều vu oan cho Điền Gia Anh

Từ sau năm 1962, trước những phát biểu thẳng thắn của Điền Gia Anh, Mao Trạch Đông dần dần lạnh nhạt và quan hệ không còn gắn bó như trước. Trần Bá Đạt thừa lúc này bèn “kể tội” Điền Gia Anh với Mao Trạch Đông, nói Điền là “kẻ độc đoán”, “nắm cả đại quyền”, “Bá Đạt không thể quản nổi”, toàn những điều bịa đặt.

Hồ Thằng và nhiều người trong Phòng Nghiên cứu đều chứng minh hoàn toàn không có những chuyện ấy, đáng tiếc là Mao Trạch Đông nghe lời sàm tấu và đem những lời Trần Bá Đạt nói về Điền Gia Anh phát biểu trong một hội nghị trung ương. Điền Gia Anh vốn thẳng tính lập tức gọi điện thoại yêu cầu Đạt đối chất cho rõ ràng nhưng Đạt ấp a ấp úng không trả lời được, tuy vậy Điền vẫn bị tiếng oan, Đạt càng tìm cách hãm hại.

Khi Cách mạng Văn hoá bắt đầu, thời cơ đã đến, Đạt là thân tín của Giang Thanh, cùng “bè lũ bốn tên” mưu đồ đại sự và được cất nhắc vào ủy viên thường vụ Bộ Chính trị. Trần Bá Đạt đến Viện nghiên cứu chủ nghĩa Mác yêu cầu vạch trần những “sai lầm” về tư tưởng của Điền Gia Anh.

Lúc ấy viện trưởng là Tử Mộc vốn biết Điền Gia Anh nên tìm cách che chở, hậu quả là bị liên lụy, bị Trần Bá Đạt chỉ mặt phê phán nói Tử Mộc là đệ tử của Điền Gia Anh, là “viện trưởng chuyên quyền”, cuối cùng bị bức hại đến chết.

Trong mắt Giang Thanh (ngoài cùng bên phải), Điền Gia Anh là kẻ thù “không đội trời chung”

Giang Thanh tàn độc, thâm hiểm

Kẻ thù nguy hiểm thứ hai của Điền Gia Anh là Giang Thanh vì Điền biết rõ thân thế cũng như những thủ đoạn tàn độc của bà ta. Trong mắt Giang Thanh, Điền Gia Anh là kẻ thù “không đội trời chung”.

Năm 1962, Điền Gia Anh chủ trương khoán sản phẩm đến từng hộ nông dân bị phê bình, Giang Thanh và Trần Bá Đạt bèn “chụp mũ chính trị”, cho Điền là “phần tử giai cấp tư sản”, một trong 4 loại phần tử phải phê đấu.

Đặc biệt là dựa vào lời phát biểu của Điền Gia Anh phản đối ý kiến của tư lệnh Lâm Bưu về Mao Trạch Đông (không đồng ý Lâm Bưu cho tư tưởng Mao Trạch Đông là tối cao; không đồng ý Lâm Bưu cho là phải học và vận dụng tất cả trước tác của Mao Trạch Đông; không đồng ý Lâm Bưu yêu cầu cắt những lời nói (ngữ lục) lấy ý nghĩa để học tập (sau đó là Mao tuyển), Điền Gia Anh cho rằng chỉ đọc thuộc ngũ lục là dung tục hóa tư tưởng Mao chủ tịch; không đồng ý Lâm Bưu nói tư tưởng Mao Trạch Đông là chủ nghĩa Mác sống nhất đương thời, vì chẳng lẽ chủ nghĩa Mác lại chia thành sống và chết?).

Tai họa dồn dập đến với Điền Gia Anh. Tháng 5-1966, cuộc đại loạn bắt đầu. Ngay trong các vách tường của phòng cơ yếu và phòng thư ký xuất hiện đầy các biểu ngữ và báo chữ lớn phản kháng Điền Gia Anh, nói Điền là hữu khuynh, không tôn trọng lãnh tụ, là thuộc phe của Bành Đức Hoài, Trương Văn Thiên ở hội nghị Lư Sơn trước đây.

Đến ngày 5-8-1966, Giang Thanh và Trần Bá Đạt đã hạ thủ với Điền Gia Anh, Chủ tịch nước Lưu Thiếu Kỳ cùng Bành Chân, Lục Định Nhất, Dương Thượng Côn, nói Điền là tuy làm thư ký của Mao Trạch Đông nhưng thực chất là người của bộ tư lệnh giai cấp tư sản Lưu-Đặng (Lưu Thiếu Kỳ và Đặng Tiểu Bình).

Trước những âm mưu, dã tâm, uy bức của những kẻ nắm đại quyền trong Cách mạng Văn hóa như Giang Thanh, Trần Bá Đạt, cuối cùng Điền Gia Anh đã phải chọn con đường mà đồng chí và bạn bè anh không muốn: Tự tử.

Lời cuối cùng Điền Gia Anh nói với vợ trước tối ra đi là: “Tôi bị Giang Thanh, Trần Bá Đạt hãm hại, thường nghe rằng thiện có thiện báo, ác có ác báo, tôi tin là loại người ác ấy sẽ không có kết cục tốt đâu”. Trong di ngôn để lại có hai câu: “Tin là đảng sẽ làm rõ vấn đề. Tin là sẽ không ngậm oan dưới mộ”.

Giang Thanh ra tòa năm 1980

Ác giả ác báo

Đúng 15 năm sau ngày Điền Gia Anh qua đời, bọn Giang Thanh, Trần Bá Đạt đã lãnh đúng ác báo. Ngày 25-1-1981, tại phiên tòa đặc biệt của Tòa án tối cao nước CHND Trung Hoa, bọn chúng đã bị xử tử hình (hoãn sau 2 năm).

Ngày 28.3.1980, Trung ương đảng đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu Điền Gia Anh tại lễ đường Khu Công mộ Bát Bảo Sơn, Bắc Kinh để bình phản, rửa oan cho ông.

Điền Gia Anh nhiều năm công tác bên Mao Trạch Đông, tình cảm hai người rất sâu đậm. Nhưng về sau do tư tưởng hữu khuynh của Điền đã khiến Mao trở nên lạnh nhạt, điều này làm cho Điền cảm thấy rất mâu thuẫn.

Trong năm 1963, Điền từng nói với La Quang Lộc rằng: “Tôi cảm cái ân tri ngộ của Chủ tịch, nhưng nếu cứ thế này thì có một ngày sẽ phải chia tay”. Mao Trạch Đông cuối cùng đã không bảo vệ người cộng sự thân tín của mình vì nghi ngờ. Đây cũng là một bi kịch của lịch sử.

Ngay sau Cách mạng Văn hóa kết thúc, Mao Trạch Đông nói rằng Điền Gia Anh: “Không có vấn đề gì”. Không biết lúc nói như thế tâm tình của Mao Trạch Đông như thế nào, là hối hận, là tưởng nhớ, hay là đánh giá lại Điền Gia Anh?

Thiên Tường (theo Nam thư ký trong bức tường đỏ-Quan Đông tác gia, Trung Quốc)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng đề nghị Mỹ xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường
Sáng 27.11, tại Hội nghị Thượng đỉnh Kinh doanh Việt Nam – Mỹ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị doanh nghiệp Hoa Kỳ tiếp tục tăng cường hợp tác, đầu tư vào Việt Nam, đồng thời đề nghị phía Mỹ khẩn trương xem xét công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điền Gia Anh-thư ký Mao Trạch Đông: Một cuộc đời oan nghiệt