Trong tuần này Bộ GD-ĐT mới công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu (điểm sàn) nhưng nhiều trường ĐH đã có những dự kiến về điểm nhận hồ sơ.

Điểm xét tuyển dự kiến của các trường

Theo Thanh Niên | 27/07/2016, 06:09

Trong tuần này Bộ GD-ĐT mới công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu (điểm sàn) nhưng nhiều trường ĐH đã có những dự kiến về điểm nhận hồ sơ.

Cao hơn năm ngoái

Theo GS-TS Nguyễn Hay, Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, trường dự kiến mức điểm xét tuyển 18 (cao hơn 1 điểm so với năm ngoái). Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, bổ sung: “Năm ngoái điểm sàn xét tuyển vào trường là 17 và điểm chuẩn các ngành từ 17 - 22,5. Trong đó có một số ngành điểm chuẩn chỉ bằng mức xét tuyển như: lâm nghiệp, chế biến lâm sản… Năm nay các ngành này dự kiến điểm chuẩn cũng ở mức 18 điểm. Ngược lại, một số ngành “nóng” thí sinh (TS) có tổng điểm 3 môn từ 20 trở lên mới nên nộp hồ sơ như: thú y, công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, công nghệ hóa học, môi trường…

Ngôn ngữ Anh năm ngoái điểm chuẩn 28 (tiếng Anh nhân hệ số 2), khả năng ngành này vẫn có sự cạnh tranh cao. Riêng 2 phân hiệu của trường tại Gia Lai và Ninh Thuận vẫn “dễ thở” với điểm chuẩn hầu hết các ngành chỉ bằng điểm sàn của Bộ (trừ ngành thú y và môi trường).

Giảm từ 1 - 2 điểm

Trong khi đó, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM dự kiến giảm điểm chuẩn xét tuyển vào trường. Về điểm nhận hồ sơ, thạc sĩ Nguyễn Văn Đương, Phó trưởng phòng Đào tạo, cho biết có thể chỉ cao hơn điểm sàn của Bộ GD-ĐT 2 điểm. Năm ngoái điểm sàn nhận hồ sơ là 17 nhưng điểm chuẩn chung các ngành 23,25 (trừ ngôn ngữ Anh). Theo thạc sĩ Đương, năm nay điểm chuẩn vào trường có khả năng sẽ giảm xuống theo xu hướng chung.

Tuy nhiên thạc sĩ Đương lưu ý, nếu năm ngoái trường xác định điểm chuẩn chung các ngành thì năm nay xác định mức điểm riêng cho 4 nhóm ngành. Trong đó, ngành hệ thống thông tin quản lý và kinh tế điểm chuẩn sẽ thấp hơn các ngành còn lại từ 1 - 2 điểm do không nhiều TS đăng ký xét tuyển. Còn ngôn ngữ Anh dự kiến vẫn sẽ “hút” TS nên điểm chuẩn có khả năng không giảm hoặc giảm không nhiều. Năm ngoái điểm chuẩn ngành này là 31,67 (môn tiếng Anh nhân hệ số 2), như vậy TS cần phải có gần 8 điểm/môn mới trúng tuyển.

Giảm điểm chuẩn so với năm ngoái cũng là dự báo của Trường ĐH Sư phạm TP.HCM. Thạc sĩ Trần Văn Châu, Phó trưởng phòng Đào tạo, phân tích: “Với phổ điểm năm nay, điểm trung bình mỗi môn theo từng tổ hợp khối A, A1 có thể thấp hơn năm ngoái từ 1 - 2 điểm. Điều này sẽ tác động đến điểm chuẩn các ngành của trường. Chẳng hạn, năm ngoái điểm chuẩn ngành sư phạm toán khối A (sau khi nhân hệ số) là 34,33 điểm. Năm nay điểm chuẩn tính theo điểm trung bình mỗi môn chỉ khoảng trên 7 điểm. Ngành công nghệ thông tin điểm chuẩn năm ngoái 20,25 nhưng năm nay khả năng có thể 18...”. Thạc sĩ Châu lưu ý ngành xét tuyển tổ hợp khối C có thể vẫn giữ nguyên mức điểm chuẩn khi điểm văn và địa phổ điểm cao hơn.

Cũng theo thạc sĩ Châu, những ngành có điểm chuẩn “mềm” hơn gồm: ngôn ngữ Pháp, ngôn ngữ Trung, giáo dục học, công nghệ thông tin, sư phạm tin… Điểm chuẩn các ngành này năm ngoái trung bình mỗi môn 6,25 thì năm nay có thể sẽ giảm 0,5 điểm. Ngược lại, với những ngành điểm chuẩn năm ngoái cao, mức độ giảm có thể nhiều hơn từ 1 - 2 điểm. Tuy nhiên, với những ngành có phương án tuyển thẳng TS có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và ngành mới như Hàn Quốc học sẽ là cơ hội cho TS khi xét tuyển vào trường năm nay.

Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM dự kiến điểm sàn xét tuyển vào trường 17 (năm ngoái 18). PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng nhà trường, dự báo một số ngành điểm chuẩn có thể không biến động như: công nghệ kỹ thuật cơ điện tử, công nghệ kỹ thuật ô tô... Các ngành còn lại điểm chuẩn có thể giảm từ 0,25 - 2 điểm tùy ngành.

Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM định mức điểm nhận hồ sơ dự kiến các ngành cơ điện tử, công nghệ vật liệu, công nghệ may, khoa học dinh dưỡng và ẩm thực, quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành và các ngành công nghệ chế tạo máy, kỹ thuật điện - điện tử... bằng điểm sàn của Bộ. Các ngành khác cao hơn sàn 1 điểm. Điểm trúng tuyển vào trường năm nay dự kiến từ sàn đến khoảng 20.

Không có điểm sàn riêng

Nhiều trường dù điểm chuẩn các năm ở mức cao nhưng dự kiến chỉ nhận hồ sơ với TS có điểm bằng sàn của Bộ. Tiến sĩ Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP.HCM, thông tin dù không có điểm sàn riêng nhưng điểm chuẩn ngành cao nhất năm ngoái lên tới 25,5 (nhóm ngành máy tính - công nghệ thông tin), năm nay điểm chuẩn sẽ giảm từ 1 - 1,5 điểm tùy theo ngành.

Tương tự, Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM cũng cho biết điểm sàn xét tuyển của trường chính là điểm sàn của Bộ. Thạc sĩ Trương Tiến Sĩ, Phó trưởng phòng Đào tạo, nhận định khả năng điểm chuẩn sẽ giảm từ 1 - 2 tùy ngành. Năm ngoái, điểm chuẩn ngành luật kinh tế 21,69; ngôn ngữ Anh 22,31 và nhóm ngành kinh tế - kinh doanh - quản lý 21,75 điểm.

PGS-TS Đồng Văn Hướng, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, cũng cho biết trường sẽ nhận hồ sơ bằng điểm sàn của Bộ.

Đại diện Trường ĐH Kiến trúc TP.HCM cho biết sẽ nhận hồ sơ đăng ký xét tuyển từ điểm sàn của Bộ (điểm môn năng khiếu phải từ 5 trở lên). Theo thống kê của trường, kết quả thi năng khiếu năm nay tốt hơn năm ngoái.

“Điểm sàn” không nên quá thấp

Ngày 26.7, Bộ GD-ĐT chính thức công bố phổ điểm các môn thi và khối thi của các cụm thi ĐH. Từ thống kê này, bước đầu có thể suy ra “điểm sàn” xét tuyển vào ĐH của các khối thi.

Tiến sĩ Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM, nhìn nhận: “Điểm ngoại ngữ rất thấp, chưa tới 60% bài thi đạt 3 điểm. Điểm bài thi môn lịch sử cũng khá thấp. Như vậy có khả năng điểm sàn và điểm chuẩn các tổ hợp có chứa các môn thi này sẽ thấp hơn”. Tuy nhiên, tiến sĩ Lý cho rằng, Bộ nên tính toán phương án để hạn chế việc hạ sàn nhằm đảm bảo chất lượng. Cũng không nên xác định mức sàn chung cho tất cả các tổ hợp như năm ngoái. Tiến sĩ Lý dự đoán có thể những tổ hợp môn có phổ điểm “đẹp” (gồm: khối A, B...) mức sàn 15 và với những tổ hợp có phổ điểm thấp hơn không dưới 14 điểm.

Tương tự, đại diện một trường cũng đề xuất điểm sàn không nên quá thấp vì thực tế các TS có điểm thi ở khoảng điểm sàn hầu như đều trúng tuyển vào các trường bằng kết quả xét tuyển học bạ.

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Phó giám đốc Trung tâm tuyển sinh và quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM, cho rằng nếu cộng dồn cơ học số lượng TS đạt ngưỡng tổ hợp 3 môn các khối truyền thống A, A1, D, B, C đạt mức từ 15 trở lên cũng không cao hơn nhiều so tổng chỉ tiêu của các trường. Từ đó có thể nhận định, điểm sàn sẽ tương đương năm 2015.

Hà Ánh - Thanh Niên
Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điểm xét tuyển dự kiến của các trường