Do toàn thế giới tập trung vào những gì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ làm trong năm 2022, có một câu hỏi quan trọng đã bị lãng quên: Ai sẽ là người thay thế Thủ tướng Lý Khắc Cường? Nhà phân tích Andrei Lungu vừa có bài viết trên báo The Diplomat về chủ đề này.

Điểm mặt các ứng cử viên thay thế thủ tướng Lý Khắc Cường

06/08/2020, 16:03

Do toàn thế giới tập trung vào những gì Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ làm trong năm 2022, có một câu hỏi quan trọng đã bị lãng quên: Ai sẽ là người thay thế Thủ tướng Lý Khắc Cường? Nhà phân tích Andrei Lungu vừa có bài viết trên báo The Diplomat về chủ đề này.

Chủ tịch Tập Cận Bình và Thủ tướng Lý Khắc Cường - Ảnh: Internet

Những ngày ông Lý làm Tổng lý Quốc vụ (thủ tướng) không còn nhiều, thực tế chỉ còn dưới 1.000 ngày, khi Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (quốc hội) sửa đổi hiến pháp Trung Quốc năm 2018 để xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ đối với các vị trí chủ tịch và phó chủ tịch, nhưng giới hạn hai nhiệm kỳ đối với vị trí Tổng lý Quốc vụ vẫn không thay đổi. Ông Lý sẽ phải nghỉ hưu sớm một chút (ông sẽ qua tuổi 67 tại Đại hội Đảng lần thứ 20 năm 2022, độ tuổi mà các chính trị gia Trung Quốc cấp Bộ Chính trị thường nhận nhiệm kỳ 5 năm mới) hoặc chuyển sang một vị trí khác, ví dụ như chủ tịch của Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc hoặc Hội nghị Tham vấn chính trị nhân dân Trung Quốc, tương tự những gì ông Lý Bằng đã làm vào năm 1998. Do toàn thế giới tập trung vào những gì ông Tập Cận Bình sẽ làm trong năm 2022, một câu hỏi quan trọng đã bị lãng quên: Ai sẽ là người thay thế Lý Khắc Cường?

Thông thường, rất hiển nhiên chuyện ai là người sẽ trở thành Tổng lý Quốc vụ Trung Quốc tiếp theo: Phó tổng lý thứ nhất hiện tại, cũng là thành viên của Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị. Nhưng khi Ủy ban này bãi bỏ bất kỳ người kế nhiệm nào để thay thế ông Tập làm lãnh đạo đảng tại Đại hội Đảng 2017, họ cũng đã bãi bỏ người kế nhiệm cho ông Lý. Ông Hàn Chính, Phó tổng lý thứ nhất hiện tại, sẽ qua tuổi 68 vào năm 2022, chính là tuổi nghỉ hưu truyền thống. Vì ông Hàn không phải là đồng minh thân thiết của ông Tập, chắc hẳn ông ta sẽ không được thăng chức sau tuổi ấy. Điều này làm khuấy đục dòng nước, nhưng đồng thời làm tăng khả năng của ông Tập Cận Bình.

Một số người có thể cho rằng danh tính của Tổng lý Quốc vụ Trung Quốc tiếp theo là không quan trọng, bởi vì họ sẽ chỉ mang chức vụ bù nhìn. Tổng lý Quốc vụ có thể bị ảnh hưởng hạn chế đối với việc xây dựng khung chính sách chung, nhưng đóng vai trò quan trọng trong việc thực thi chính sách. Cuộc tranh luận về các quầy hàng trên đường phố đã làm rõ rằng Tổng lý Quốc vụ vẫn nắm giữ quyền lực quan trọng và việc ai là người đứng đầu vị trí này cũng quan trọng. Nếu ông Lý là đồng minh trung thành của Tập Cận Bình, cuộc tranh luận này và những căng thẳng liên quan, giống như các vụ việc khác trước đây, sẽ không bao giờ xảy ra.

Và quan trọng nhất là Tổng lý Quốc vụ tiếp theo cũng có thể sẽ là chính trị gia quyền lực thứ nhì trong đảng Cộng sản Trung Quốc, vì vậy trong trường hợp có điều gì đó bất ngờ xảy ra với ông Tập, giả sử ông ấy vẫn nắm quyền trong 5 hoặc 10 năm tới, thì người này sẽ có địa vị tốt nhất để nắm quyền kiểm soát đảng. Việc họ có thể giữ quyền lực hay không sẽ phụ thuộc hoàn toàn vào các kỹ năng chính trị, quan hệ bạn-thù và các trò chơi quyền lực không lường trước được, nhưng rõ ràng bất cứ ai trở thành Tổng lý Quốc vụ Trung Quốc tiếp theo sẽ trở thành tâm điểm trên sân khấu nếu có chuyện gì xảy ra với Tổng bí thư. Đây là lý do tại sao lòng trung thành với ông Tập có thể sẽ là một tiêu chí quan trọng đối với Tổng lý Quốc vụ tiếp theo.

Tất cả các Tổng lý Quốc vụ Trung Quốc trong thời kỳ cải cách và mở cửa trước đây đã từng phục vụ, thậm chí chỉ trong vài tháng, với tư cách là phó tổng lý. Thậm chí đã từng có tiền lệ cho một phó tổng lý, không phải là thành viên Ủy ban Thường vụ Bộ Chính trị, trở thành Tổng lý Quốc vụ: đó là ông Ôn Gia Bảo vào năm 2002-2003. Quen thuộc với cách thức hoạt động của Quốc vụ viện là một điều kiện tiên quyết. Nếu tiền lệ này tiếp tục diễn ra, thì chỉ có 5 ứng cử viên: Uông Dương, Hàn Chính, Tôn Xuân Lan, Hồ Xuân Hoa và Lưu Hạc (còn ông Vương Kỳ Sơn, Phó tổng lý từ năm 2008 đến 2013 và Phó chủ tịch nước hiện tại, sẽ qua tuổi 74 tại đại hội đảng tiếp theo, vì vậy khó có khả năng ông ta sẽ được xem xét cho bất kỳ vị trí nào khác). Nếu thêm vào đó là tiền lệ của tuổi nghỉ hưu 68, thì chỉ còn hai lựa chọn: Uông Dương và Hồ Xuân Hoa. Điều này gây hạn chế nghiêm trọng phạm vi của các lựa chọn, vì vậy trong khi có thể một trong hai người này sẽ trở thành Tổng lý Quốc vụ tiếp theo của Trung Quốc, rất có thể ông Tập và các đồng minh sẽ xem xét một danh sách ứng viên dài hơn.

Gần như chắc chắn, trừ khi ông Tập đưa ra một quyết định hoàn toàn chưa từng có trước đây (và khá liều lĩnh), Tổng lý Quốc vụ tiếp theo sẽ là một ai đó từ Bộ Chính trị hiện tại.

Theo sự lựa chọn truyền thống, bình thường cho Tổng lý Quốc vụ Trung Quốc thì sắp tới sẽ là Hồ Xuân Hoa, hiện là Phó tổng lý thứ 3. Ông Hồ là một phần của thế hệ lãnh đạo thứ 6 và sẽ qua tuổi 59 tại đại hội Đảng năm 2022, nên ông ấy sẽ có thể phục vụ hai nhiệm kỳ, bất kể truyền thống nghỉ hưu có thay đổi hay không. Nhưng ông Hồ không phải là đồng minh thân cận của ông Tập, ngược lại, ông ấy thân với cựu chủ tịch và lãnh đạo đảng Hồ Cẩm Đào, và cả với Lý Khắc Cường, tất cả đều thuộc phe được gọi là Đoàn thanh niên. Ông Hồ Xuân Hoa đã thể hiện lòng trung thành với ông Tập và có thể làm tốt công việc thực hiện tầm nhìn của ông Tập, nhưng không chắc là hai người có sự liên kết đặc biệt nào hay liệu ông Tập sẽ trông cậy vào ông Hồ để bảo vệ các cộng sự của mình và thúc đẩy tầm nhìn của ông ấy nếu ông Tập không thể hoàn thành nhiệm vụ hoặc từ trần khi còn đang tại vị.

Điều này dẫn đến 2 sự lựa chọn hấp dẫn hơn (và nhiều khả năng hơn) cho ông Tập: giữ và thăng cấp Lưu Hạc (người sẽ qua tuổi 70 vào năm 2022) hoặc thăng cấp nhà lãnh đạo thế hệ thứ 6 khác, Trần Mẫn Nhĩ, hiện đứng đầu Trùng Khánh.

Ông Lưu sẽ là một lựa chọn cấp tiến, nhưng hợp lý. Điều này sẽ phá vỡ tiền lệ vì ông Lưu cao tuổi hơn ông Tập và sẽ già hơn Vương Kỳ Sơn khi ông ta được bổ nhiệm làm phó chủ tịch. Tuy nhiên, ông Lưu rất thân với ông Tập, là một nhà kinh tế được đánh giá cao và có năng lực, có kinh nghiệm làm phó tổng lý, nên sự thăng tiến cũng hợp lý.

Ông Trần Mẫn Nhĩ cũng là một lựa chọn khả quan dựa trên tuổi tác và sự gần gũi với ông Tập. Ông ấy sẽ là một đồng minh trung thành và có thể phục vụ hai nhiệm kỳ dưới chức danh Tổng lý Quốc vụ. Nếu có điều gì đó xảy ra với ông Tập, ông Trần có thể dễ dàng tham gia với tư cách là người kế vị, và về mặt lý thuyết, giành được sự ủng hộ của phe đồng minh ông Tập. Nhưng ông Trần không có kinh nghiệm với Hội đồng Nhà nước và tương đối ít kinh nghiệm với nền kinh tế. Ông là một thành viên của đảng, nhiều kinh nghiệm tuyên truyền, sẽ là một lựa chọn hợp lý hơn cho vị trí Tổng bí thư hơn là Tổng lý Quốc vụ. Điều này sẽ làm giảm cơ hội mà ông sẽ được chọn để lãnh đạo Quốc vụ viện.

Trước khi xem xét nhân sự trong Bộ Chính trị, ông Tập cũng có thêm 3 sự lựa chọn (bất thường) trong Ban Thường vụ Bộ Chính trị hiện tại: Uông Dương (67 tuổi vào năm 2022), Vương Hỗ Ninh (67 tuổi vào năm 2022) và Triệu Lạc Tế (65 tuổi vào năm 2022). Uông Dương là thành viên Bộ Chính trị từ năm 2007 và cũng là người duy nhất trong số 3 người có kinh nghiệm trong Quốc vụ viện (ông là Phó tổng lý từ năm 2013 đến 2018). Sự lựa chọn này sẽ hợp lý, nếu không tính đến việc ông Uông không phải là đồng minh của ông Tập, và có rất ít người có vinh dự là thành viên Bộ Chính trị 4 nhiệm kỳ.

Vương Hỗ Ninh và Triệu Lạc Tế đều được coi là đồng minh của ông Tập, nhưng họ thiếu kinh nghiệm làm Quốc vụ viện. Vương Hỗ Ninh thậm chí chưa từng lãnh đạo một chính quyền tỉnh, trong khi ông Triệu chỉ đứng đầu đảng ở Thanh Hải (một tỉnh có khoảng 5 triệu dân) và Thiểm Tây (một tỉnh khoảng 37 triệu dân). Câu hỏi đặt ra không phải là liệu họ có khả năng lãnh đạo chính phủ Trung Quốc hay không, mà là liệu ông Tập có chấp nhận rủi ro hay không. Nếu ông Tập làm vậy, thì đó là một dấu hiệu cho thấy các lựa chọn của ông bị hạn chế (không thể thăng tiến cho Lưu Hạc hoặc thăng cấp nhảy vọt cho ai khác từ Bộ Chính trị) và không muốn chọn người mà ông không hoàn toàn tin tưởng.

Cũng còn vài gương mặt trong Bộ Chính trị. Thái Kỳ (Bí thư Thành ủy Bắc Kinh), Lý Cường (Bí thư Thành ủy Thượng Hải), Lý Hi (Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông), thậm chí là Đinh Tiết Tường (Chủ nhiệm Văn phòng Trung ương Đảng), Hoàng Khôn Minh (Trưởng ban Tuyên giáo) có thể được xem xét. Họ đều là đồng minh của ông Tập, nhưng ngoại trừ ông Đinh, không ai có thể phục vụ 2 nhiệm kỳ nếu tuổi nghỉ hưu 68 không thay đổi. Đinh và Hoàng cũng thiếu kinh nghiệm trong việc lãnh đạo, kể cả với một tỉnh. Nhưng một trong hai ông Lý, hai nhà lãnh đạo của Thượng Hải và Quảng Đông, có thể là lựa chọn chấp nhận được đối với ông Tập.

Tất nhiên, việc dự đoán ai sẽ lãnh đạo Quốc vụ viện sau năm 2023, đặc biệt là khi còn quá nhiều thời gian, tất nhiên là không thể, nhưng có những giá trị trong việc phân tích các sự lựa chọn, bởi vì kết quả cuối cùng sẽ nói lên điều gì đó về động lực bên trong của giới lãnh đạo Trung Quốc. Nếu ông Tập vẫn nắm quyền trong nhiệm kỳ thứ 3, nhưng đặt Hồ Xuân Hoa làm Tổng lý Quốc vụ, điều này cho thấy rằng vẫn còn giới hạn đối với quyền lực của ông, hoặc ít nhất là ông muốn giữ hình ảnh của một bộ máy lãnh đạo không hoàn toàn được thống trị bởi cá nhân ông, mà vẫn kết hợp nhiều người từ các phe phái khác. Mặt khác, nếu ông Tập đặt Lưu Hạc làm Tổng lý Quốc vụ và là người quyền lực thứ nhì trong đảng thì điều này cho thấy ông hoàn toàn kiểm soát và đã từ bỏ việc giữ vẻ bề ngoài. Việc thăng tiến ai đó từ Ban Thường vụ Bộ chính trị, như Vương Hỗ Ninh hay Triệu Lạc Tế, cũng cho thấy có những giới hạn đối với quyền lực của ông Tập, vì ông ấy không thể thăng tiến các đồng minh phù hợp hơn trong Bộ Chính trị.

Sự lựa chọn Tổng lý Quốc vụ tiếp theo rất quan trọng đối với Trung Quốc, không chỉ vì kỹ năng và khả năng cai trị đất nước của người đó, mà thông qua biểu tượng đó sẽ là hình ảnh của Trung Quốc. Nếu Lưu Hạc làm Tổng lý Quốc vụ kế tiếp, sẽ báo hiệu sự quan tâm nhiều hơn đến việc tiếp tục cải cách kinh tế và sẽ được các doanh nhân, nhà đầu tư nước ngoài, thị trường tài chính đón nhận. Nhưng nếu Vương Hỗ Ninh được thăng tiến làm Tổng lý Quốc vụ, kết quả sẽ ngược lại.

Bất cứ ai trở thành Tổng lý Quốc vụ của Trung Quốc vào năm 2023 sẽ gánh nhiệm vụ khó khăn phía trước, dẫn dắt đất nước vượt qua giai đoạn đầy thách thức khi cải cách phải tăng tốc, tình trạng bất bình đẳng phải được giải quyết, trong khi tăng trưởng kinh tế sẽ chậm lại, nợ nần tiếp tục ám ảnh nền kinh tế, môi trường bên ngoài trở nên khắc nghiệt hơn, và quan trọng nhất là phản ứng dữ dội của công chúng và giới thượng lưu đối với 10 năm tăng cường kiểm soát của đảng Cộng sản Trung Quốc. Những gì đã từng là một kết quả có thể dự đoán được, danh tính của Tổng lý Quốc vụ kế tiếp, giờ đã trở thành một trò chơi “đoán mò”. Trong môi trường chính trị không chắc chắn này, Tổng lý Quốc vụ sắp tới của Trung Quốc hoặc trở thành thư ký dán tem bù nhìn, hoặc có thể là nhân vật thời đại nắm trong tay vận mệnh Trung Quốc.

Hoàng Phương (dịch)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Thủ tướng: Cơ chế, chính sách phù hợp sẽ nhân đôi, nhân ba sức mạnh
1 giờ trước Sự kiện
Trong chương trình kỳ họp thứ 8, sáng 23.11, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp và dự án Luật Công nghiệp công nghệ số. Thủ tướng Phạm Minh Chính tham gia thảo luận tại tổ 8, gồm đại biểu Quốc hội các địa phương Vĩnh Long, Điện Biên, Kon Tum, Cần Thơ.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Điểm mặt các ứng cử viên thay thế thủ tướng Lý Khắc Cường