Trần Thái Tông ngoài chuyện không thể truyền ngôi cho Quốc Khang thì đối xử với người con hờ cũng khá tốt. Dù có sự e ngại nhất định nhưng vẫn cho người con hờ nắm binh quyền một cõi quan trọng. Đây là điểm mà nếu đối chiếu lịch sử trong không gian và thời gian gần đó thì thấy rất giống cách Thành Cát Tư Hãn đã làm.
Trong vở kịch để Trần Thái Tông phải bỏ Lý Chiêu hoàng và lấy Thuận Thiên công chúa (người là chị ruột của Lý Chiêu hoàng và cũng là chị vợ, chị dâu của Trần Thái Tông) thì có rất nhiều người chịu thiệt thòi. Trần Liễu, chồng của Thuận Thiên công chúa tức giận mang quân làm phản nhưng bị Trần Thủ Độ dẹp, Trần Thái Tông định bỏ lên núi đi tu vì thấy áy náy, Lý Chiêu hoàng sống cô quạnh suốt 20 năm. Thuận Thiên công chúa chắc cũng chẳng vui vẻ gì vì khi bị ép duyên với Trần Thái Tông thì bà đang mang thai 3 tháng. Và người thiệt thòi hơn cả trong câu chuyện này chính là người con trong bụng của Thuận Thiên công chúa khi đó.
Sử chép: Năm Thiên Ứng Chính Bình thứ 6 (1237), Thuận Thiên công chúa được lập làm Hoàng hậu, giáng Chiêu Thánh hoàng hậu làm Công chúa. Bấy giờ Chiêu Thánh không có con, mà Thuận Thiên đã có mang được 3 tháng. Thái sư Trần Thủ Độ và Thiên Cực công chúa (tức Linh Từ quốc mẫu) bàn kín với Thái Tông là nên mạo nhận lấy để làm chỗ dựa về sau, cho nên có lệnh ấy.
Người con mà Thuận Thiên công chúa sau đó sinh ra là Trần Quốc Khang, được tính là con đầu của Trần Thái Tông nhưng thực tế lại là cốt nhục của Trần Liễu. Nói cách khác thì Trần Thái Tông chính là chú ruột của Trần Quốc Khang. Và sau khi về chung sống với Trần Thái Tông 3 năm thì Thuận Thiên công chúa sinh ra Trần Hoảng.
Dù Quốc Khang được tính là "con trưởng" nhưng không được lập làm thái tử vì tất cả đều biết đó không phải là cốt nhục trực hệ của Trần Thái Tông. Thay vào đó, "người con thứ hai" là Trần Hoảng được phong làm thái tử và được truyền ngôi tức là Trần Thánh Tông.
Câu chuyện về Trần Thái Tông - Thuận Thiên công chúa tuy nhạy cảm nhưng được sử quan ghi rõ thì chắc là Quốc Khang cũng biết về thân phận của mình. Do vậy, Quốc Khang cũng chấp nhận bình thản việc mình tuy là con trưởng nhưng không được truyền ngôi. Với con người rơi vào hoàn cảnh như vậy, nhất là trong gia đình hoàng gia thì nỗi buồn khó mà tả hết.
Sử chép: năm 1263, Bổ dụng Chiêu Minh đại vương là Quang Khải (em ruột Trần Thánh Tông) làm Thái úy. Người anh nhà vua là Quốc Khang nhiều tuổi, nhưng vì tài trí tầm thường không dùng được, nên dùng Quang Khải làm tướng.
Ở vị trí nhạy cảm như Quốc Khang nếu tỏ ra tài năng thì dễ uy hiếp vị trí của Trần Thánh Tông nên việc ông phải tỏ ra tầm thường cũng dễ hiểu. Nên nhớ là các em cùng cha của Quốc Khang là Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, Hưng Ninh Vương Trần Quốc Tung (hay Tuệ Trung Thượng Sĩ) và các em cùng mẹ của Quốc Khang là Trần Thánh Tông, Trần Quang Khải đều là những bậc tài trí trên đời. Nếu Quốc Khang có được địa vị không nhạy cảm và có thể thi thố hết tài năng thì chắc sử khó chép 2 chữ tầm thường cho ông.
Một chuyện nữa bị coi là vết đen trong cuộc đời Quốc Khang được sử chép như sau: Tháng 9 (1269), Cho Tĩnh quốc vương là Quốc Khang làm Phiêu kỵ đô thượng tướng quân, giữ việc cai trị Diễn Châu. Quốc Khang đi nhận chức Tri Diễn Châu mới được 6 tháng, liền lập nhà riêng ở Diễn Châu, xung quanh làm hành lang giải vũ rất là lộng lẫy. Nhà vua nghe tin, cho người đi dò xét, Quốc Khang sợ, mới dùng nhà riêng ấy làm nơi thờ Phật.
Quốc Khang có phải là kẻ ăn chơi không? Chúng ta không thể quay lại quá khứ để đánh giá sự việc. Nhưng có một chuyện cần phải nói là thời phong kiến, những người bị nghi ngờ có dã tâm thường dùng việc ăn chơi xa hoa như cách để chứng minh mình chỉ muốn hưởng thụ cuộc sống phú ông, không mộng ôm ngai vàng. Đầu têu việc này chắc phải là Quản Trọng nước Tề thời Xuân Thu sau khi giúp Tề xưng bá thì xây nhà dựng cửa nguy nga tráng lệ đến mức Bão Thúc Nha phải trách móc. Nhưng Bão Thúc Nha không hiểu Quản Trọng vốn nắm binh quyền nên phải làm thế thì Tề Hoàn Công mới yên tâm. Sau cuối thời Chiến quốc, đại tướng Vương Tiễn khi thống lĩnh mấy chục vạn quân đi đánh Tề thì sợ Tần Thủy Hoàng không yên tâm. Vì thế, Vương Tiễn đòi ban thưởng rất nhiều, lại xây phủ đệ nguy nga để Tần Thủy Hoàng không nghi ngờ Vương Tiễn làm phản. Suy nghĩ và cách hành xử của thời phong kiến trong việc bảo vệ quyền lực rất kỳ lạ.
Trần Thái Tông khi cho Quốc Khang đi trấn thủ Diễn châu thì có hoài nghi không? Có lẽ là có thì mới cho người dò la. Và khi biết Quốc Khang mải lo phủ đệ thì Thái Tông cũng không xử phạt gì. Quốc Khang được tiếp tục giữ trấn thủ miền biên viễn hơn 30 năm cho đến tận khi qua đời vào năm 1300. Sau đó, con cháu của Quốc Khang tiếp tục thay ông trấn giữ vùng đất này. Liệu Quốc Khang tầm thường hay giả ngu ngơ để hưởng thái bình? Liệu Quốc Khang là người ăn chơi xa hoa hay bắt chước việc Quản Trọng, Vương Tiễn? Tùy mỗi người có suy nghĩ riêng.
Thêm một chi tiết nữa để nói về cái khéo của Quốc Khang được Khâm định Việt sử thông giám cương mục chép: "Nhà vua (Trần Thánh Tông) với Quốc Khang thường đùa bỡn ở trước mặt Thượng hoàng (Trần Thái Tông). Quốc Khang múa điệu múa của người rợ mọi, Thượng hoàng cởi áo bông trắng đương mặc ban cho. Nhà vua thấy thế, cũng múa điệu múa người rợ mọi để đòi thưởng áo bông. Quốc Khang nói: "Quý nhất là ngôi hoàng đế, tôi đã không tranh với chú hai rồi, nay vua cha cho tôi vật nhỏ mọn này mà chú hai lại muốn cướp lấy hay sao?" Thượng hoàng cười ầm lên, vẫn để cho Quốc Khang cái áo ấy, rồi cùng nhau vui đùa chán mới thôi".
Đại Việt sử ký toàn thư mô tả câu chuyện này còn sống động hơn: "Mùa đông, tháng 10, vua cùng anh là Tĩnh Quốc Đại Vương Quốc Khang cùng vui đùa trước mặt Thượng hoàng. Thượng hoàng lúc bấy giờ mặc áo vải bông trắng. Tĩnh Quốc múa điệu múa của người Hồ, Thượng hoàng cởi áo ban cho Quốc Khang. Vua cũng múa điệu múa của người Hồ để xin chiếc áo ấy. Quốc Khang nói: "Cái quý nhất là ngôi hoàng đế, hạ thần còn không tranh với chú hai. Nay đức chí tôn ban cho thần một vật nhỏ mọn mà chú hai cũng muốn cướp lấy chăng?"
Thượng cả cười nói:" Thế ra mày coi ngôi vua với cái áo xoàng này chẳng hơn kém gì nhau". Khen ngợi hồi lâu rồi [thượng hoàng] cho Tĩnh Quốc chiếc áo ấy. Trong chỗ cha con, anh em hòa thuận vui vẻ như vậy đấy".
Trần Thái Tông ngoài chuyện không thể truyền ngôi cho Quốc Khang thì đối xử với người con hờ cũng khá tốt. Dù có sự e ngại nhất định nhưng vẫn cho người con hờ nắm binh quyền một cõi quan trọng. Đây là điểm mà nếu đối chiếu lịch sử trong không gian và thời gian gần đó thì thấy rất giống cách Thành Cát Tư Hãn đã làm.
Ngay sau khi Bột Nhi Thiếp lấy Thiết Mộc Chân (sau này gọi là Thành Cát Tư Hãn), Bột Nhi Thiếp bị một số thành viên của bộ lạc Miệt Nhĩ Khất bắt cóc. Bà bị giao cho một người có tên là Chilger Boke, em trai của thủ lĩnh bộ lạc này, như là một chiến lợi phẩm. Bà ở lại trong nơi ở của Chilger Boke vài tháng trước khi được Thiết Mộc Chân giải cứu. Chỉ một thời gian ngắn sau đó bà sinh ra Truật Xích. Thành Cát Tư Hãn vẫn coi Truật Xích như con trai đầu tiên của mình.
Dù sau này không truyền ngôi cho người con hờ này mà truyền cho Oa Khoát Đài (con trai thứ ba) nhưng Thành Cát Tư Hãn vẫn cho Truật Xích được tung hoành. Thành Cát Tư Hãn phân chia đế quốc của mình cho 4 người con trai từ khi ông còn sống. Truật Xích được giao cho phần xa nhất về phía tây của đế quốc, khi đó nằm giữa hai con sông là sông Ural và sông Irtysh. Năm 1229 sau khi Thành Cát Tư Hãn đã chết, hậu duệ của Truật Xích đã được thoải mái mở rộng vùng đất ở miền tây "xa tới khi vó ngựa của người Mông Cổ có thể đi tới".
Anh Tú
Đọc thêm:
Trần Khánh Dư bị mang tiếng oan là tham quan?
Trần Khánh Dư dùng khổ nhục kế trong cuộc đấu trí với Ô Mã Nhi
Hưng Đạo vương là danh tướng số 1 thì Trần Khánh Dư xếp thứ mấy?
Trần Thủ Độ chấp nhận mang tiếng ác vì cơ nghiệp nhà Trần
Thử giải mã chuyện Trần Thủ Độ ép Trần Thái Tông lấy chị dâu
Vua Trần Thái Tông và nỗi oan tình chơi hoa rồi lại bẻ cành bán rao
(Mọi trao đổi, độc giả có thể gửi ở mục bình luận bên dưới hay email: [email protected])