Bỏ ra từ 150 tới 800USD một tháng, bạn sẽ được đeo cả loạt đeo đồng hồ hạng sang.
Chúng ta đã có các dịch vụ chia sẻ như Uber trong lĩnh vực giao thông, Airbnb cho lưu trú. Vậy tại sao không có một dịch vụ tương tự cho đồng hồ hạng sang? Thay vì bỏ tiền ra mua, ta có thể thuê mỗi khi cần. Startup Eleven James đã biến ý tưởng đó thành sự thật.
Sau khi điền thông tin profile, chọn gói membership, bạn sẽ được một chuyên gia tư vấn của Eleven James gọi tới chào mừng. Chiếc đồng hồ bạn chọn thuê sẽ được gửi qua bưu điện trong hai ngày. Sau khi hết hạn thuê (thường là từ 3 tới 6 tháng tùy gói cước), bạn gửi lại cho hãng và nhận được chiếc tiếp theo.
Có một số cấp membership, rẻ nhất là 150USD và đắt nhất là 800USD một tháng. Bạn càng bỏ nhiều tiền thì càng được nhận những chiếc đồng hồ đắt hơn.
Người sáng lập của startup này là Randy Brandoff, cựu CMO của NetJets, công ty cung cấp dịch vụ cho thuê máy bay cá nhân. Tại đó, Brandoff thường gặp các khách hàng giàu có và họ có sở thích chung là rất mê đồng hồ, cũng giống như chính Brandoff.
“Sở thích của tôi vượt xa những gì tôi có thể đáp ứng. Bạn không còn phải mua máy bay riêng mới có thể hưởng dịch vụ xa xỉ này nhưng vẫn phải mua đồng hồ. Tôi có thể là khách hàng của một dịch vụ kiểu mới và không chỉ mình tôi có nhu cầu đó.” Khi gia đình tán thành, Brandoff rời NetJets và lập Eleven James.
Cần nhớ rằng Eleven James chỉ cung cấp đồng hồ cho giới sành chơi với giá cao, thiết kế đẹp, máy cơ phức tạp. Chúng dành cho những người thực sự mê đồng hồ. Theo Brandoff, bộ sưu tập của Eleven James đáng giá hàng chục triệu đô, gồm nhiều brand xa xỉ như Rolex, Patek Philippe, Audemars Piguet, IWC, Tag Heuer, Tudor, Breitling… và nhiều hơn nữa, trong đó có cả các model vintage.
Brandoff cho biết tất cả đồng hồ cuối cùng sẽ thuộc sở hữu của thành viên. Bằng việc trả đồng hồ đúng hạn, giới thiệu thành viên mới hoặc gia hạn thuê bao, thành viên sẽ nhận được điểm và có thể dùng điểm để mua đồng hồ của Eleven James.
Công ty đã hợp tác với một trong những nhà sửa đồng hồ tốt ở New York để bảo trì từng chiếc đồng hồ trước khi gửi cho khách hàng. Từ khi ra mắt năm 2014, số lượng thành viên đã tăng đều đặn và họ kỳ vọng sẽ đạt vài ngàn thành viên cuối năm nay. Họ nhận được 6,72 triệu USD tiền đầu tư Series A tháng 9 năm 2015, cùng với tiền seed fund khoảng 1,4 triệu USD từ trước đó. Cho tới giờ, startup này đã có 23 nhân viên fulltime.
Brandoff cho biết có 2 nhóm khách hàng chính. Khoảng 30% là giới trẻ, những người chưa quen với đồng hồ hạng sang. Họ vốn chủ yếu xem giờ bằng điện thoại và quen thuộc với các dịch vụ kiểu cho thuê. Nhờ Eleven James, họ có thể trải nghiệm trước khi bỏ ra 5.000$ cho một chiếc đồng hồ họ chưa hiểu rõ. 70% còn lại là những người đã có ít nhất 1 chiếc đồng hồ hạng sang và dùng dịch vụ này như một cách thử trước khi bỏ tiền mua. “Những ai từng có 1, 2 chiếc đồng hồ đều hiểu là họ có thể đổi ý rất nhanh và thứ ta thích trong cửa hàng chưa hẳn đã là thứ ta sẽ thích một tháng sau.”
Nhóm thứ ba hiện đang tăng dần là dùng dịch vụ này làm quà tặng trong doanh nghiệp. Tặng ai đó một gói thuê bao thế này rẻ hơn là mua đồng hồ thật trong khi người được tặng nếu thích có thể gia hạn thuê bao.
Thị trường đồng hồ hạng sang được định giá khoảng 40 tỷ USD và Brandoff cho rằng dịch vụ của mình sẽ hỗ trợ hơn là làm hại các hãng đồng hồ. Anh hy vọng sẽ có cơ hội cung cấp dữ liệu về xu hướng thuê đồng hồ cho các hãng để họ biết khi một người thích nhãn đồng hồ A, họ nhiều khả năng cũng thích nhãn B.
Để đảm bảo an toàn, Eleven James lọc rất kỹ các đơn đăng ký. Khoảng 10% sẽ bị đánh trượt và không được dùng dịch vụ. Thành viên sau đó được khuyến khích qua hệ thống cho điểm để trả đồng hồ đúng hạn và giữ gìn đồ. Ngoài ra, thành viên cũng phải mua một gói bảo hiểm đồng hồ.
Brandoff cũng tạo cơ hội để thành viên đóng góp đồng hồ của riêng mình vào bộ sưu tập chung, khi đó phí thuê bao của người chủ sẽ giảm hoặc thậm chí anh ta không mất phí. Họ cam kết sẽ trả lại đồng hồ ở tình trạng tốt cho chủ nhân.
Cho tới nay, Eleven James hầu như chưa gặp trường hợp ăn gian nào từ người dùng. Họ mới chỉ cung cấp dịch vụ tại Mỹ nhưng đang muốn mở rộng ở nhiều quốc gia khác. Brandoff cho rằng một trong những rào cản lớn nhất với doanh nhân khởi nghiệp là “cân bằng giữa mong muốn mở rộng thật nhanh ra quy mô toàn cầu và vẫn giữ được lời hứa của thương hiệu cũng như chất lượng ở mức cực kỳ cao.”