Nông dân Dio Nurdin Setiawan sống tại tỉnh Đông Java phát hiện điều bất thường ở một con trong đàn bò của mình vào đầu tháng 5.
Ngoài sốt cao và sổ mũi, con vật còn thở nhanh, chán ăn và sùi bọt mép. Trong vòng vài ngày nhiều con khác cũng có triệu chứng tương tự, hơn nữa móng của chúng bắt đầu phồng rộp rồi sưng mủ.
Setiawan chưa từng thấy đàn bò bị như vậy. Đến ngày 5.5, cán bộ cơ quan chăn nuôi đến nói với ông rằng tất cả 20 con bò đều dương tính với bệnh lở mồm long móng (FMD).
“Bệnh lây lan rất nhanh. Sau khi một con mắc thì những con khác sẽ bị”, ông Setiawan cho biết.
Indonesia năm 1986 đã tuyên bố nước này “sạch bóng” FMD, vì vậy thông tin dịch bùng phát tại Đông Java là một cú sốc. Không lâu sau, đến lượt tỉnh Aceh ghi nhận trường hợp mắc bệnh.
Ngày 9.5, Tổng thống Joko Widodo ra lệnh cho Bộ Nông nghiệp Indonesia ban hành lệnh phong tỏa với bò ở khu vực bùng phát FMD, đồng thời yêu cầu lực lượng cảnh sát theo dõi chặt chẽ hoạt động vận chuyển gia súc từ khu vực có ca mắc, để ngăn dịch lan rộng.
Nhưng đến ngày 22.5 thì FMD lan ra 16 trên 34 tỉnh, lây nhiễm cho ít nhất 20.723 con bò. Tổng số bò tại khu vực bùng phát dịch ước tính 5,4 triệu con.
Nông dân có bò mắc FMD chịu thiệt hại vì họ phải giết chúng, hoặc chúng tự chết vì bệnh. Đã xuất hiện lo ngại sẽ không có đủ gia súc phục vụ lễ Idul Adha quan trọng của Hồi giáo (năm nay rơi vào đầu tháng 7), dịp để người theo đạo Hồi giết thịt gia súc rồi phát cho người nghèo.
Tổ chức Thú y thế giới (WOAH) xác định FMD là bệnh do vi rút gây ra dễ lây lan trên gia súc. Bệnh ảnh hưởng đến lợn, bò, cừu, dê và nhiều loài nhai lại có móng guốc khác. Triệu chứng thường gặp là sốt, nổi mụn nước giữa các ngón, móng, tuyến vú, môi hoặc lưỡi khiến con vật không thể đi đứng hoặc ăn uống.
Khả năng tử vong khi mắc FMD khá thấp ngoại trừ con non, hầu hết con trưởng thành đều hồi phục sau 2 - 3 tuần. WOAH ước tính bệnh lưu hành ở ít nhất 77% số gia súc toàn cầu – tại châu Phi, Trung Đông, châu Á cùng một số khu vực trên địa bàn Nam Mỹ. Đây là bệnh có thể lan ra nhiều nước, ảnh hưởng lớn đến chăn nuôi gia súc, làm gián đoạn hoạt động buôn bán động vật và sản phẩm từ động vật trong khu vực lẫn quốc tế.
Người đứng đầu Hiệp hội Chăn nuôi trâu bò Indonesia (PPSKI) Nanang Purus Subendro cho biết thời gian ủ bệnh thường vào khoảng 3 - 14 ngày. Giới chức nước này hiện chưa thể xác định nguồn gốc đợt dịch mới.
Theo Thống đốc Đông Java Khofifah Indar Parawansa, trường hợp mắc FMD đầu tiên của tỉnh được phát hiện vào ngày 28.4 tại vùng Gresik, sau đó Lamongan, Sidoardjo, Mojokerto cũng ghi nhận ca bệnh.
Tỉnh tiếp theo có ca bệnh là Aceh. Nông dân Abdurrahman Wahid nhận thấy gia súc của mình bị bệnh vào ngày 30.4.
“Bò của tôi bị bệnh nhưng không biết là bệnh gì. Chúng liên tục chảy nước dãi nhưng lại chán ăn. Chúng ngay lập tức bị sụt cân và trở nên gầy gò, sau đó bắt đầu đi khập khiễng, móng guốc thì phồng rộp. Tôi đã rất lo lắng vì suốt bấy nhiêu năm chăm sóc, đàn bò của tôi chừa từng bị bệnh”, ông Wahid kể lại.
Tất cả 25 con bò của ông Wahid đều mắc FMD, 2 bê con chết.
Thương nhân Jubairi tại tỉnh Bangka Belitung cũng phát hiện bò mà ông mua bán xuất hiện triệu chứng đáng ngờ vào dịp lễ Idul Fitri (ngày 1 và 2.5) nhưng giới chức Indonesia phải đợi đến một tuần sau lễ Hari Raya (ngày 3.5) mới có thể kiểm tra.
“Tôi nghi ngờ có điều không ổn khi nhiều bạn thương nhân nhận phải lời phàn nàn. Và khách mua bò của tôi cũng phàn nàn rằng chúng bị ốm”, ông Jubairi cho biết. Thương nhân này mua bò từ Đông Java, 150 con mắc bệnh, 6 con đã chết.
Nay ngoài khử trùng chuồng trại hàng ngày, ông Jubairi còn cho bò bổ sung vitamin cùng kháng sinh theo đúng quy định từ cơ quan chăn nuôi. Phần lớn đã hồi phục và chỉ khoảng 10% còn bệnh.
FMD đang gây ra thiệt hại kinh tế nặng nề.
Đây là lần đầu tiên thương nhân Jubairi trải qua chuyện này. Thông thường ông có thể bán khoảng 20 con bò mỗi ngày và kiếm lợi nhuận hàng ngày khoảng 20 triệu rupiah (tương đương 1.375 USD) trước thềm lễ Idul Adha một tháng rưỡi, khi giá gia súc tăng. Nhưng bây giờ lệnh phong tỏa với bò ở khu vực bùng phát FMD khiến hoạt động mua bán đình trệ, hơn nữa nhiều đang sợ ăn thịt.
Theo nông dân Setiawan: “Người chăn nuôi thua lỗ vì bò mắc FMD không muốn ăn nên sụt cân – khiến chúng rẻ hơn, ngoài ra còn phải tốn chi phí duy trì đàn. Tình huống xấu nhất là bò nặng hơn 600kg bị bệnh, những cái móng nâng đỡ trọng lượng khổng lồ như vậy bị thương tổn”.
“Nông dân đứng trước 2 lựa chọn: bán chúng với giá rẻ hoặc chữa trị cho chúng với rủi ro chúng gầy đi, thậm chí có thể chết”, ông nói thêm. Để điều trị cho 20 con bò trong 15 ngày, nông dân Setiawan tốn 10 triệu rupiah (gần 700 USD).
Theo PPSKI, đợt dịch FMD có thể khiến kinh tế Indonesia thiệt hại 1,37 tỉ USD/năm.