Sự lo lắng, sợ hãi về dịch bệnh COVID-19 khiến nhiều người bị stress, từ đó làm phát sinh bệnh vảy nến hoặc làm căn bệnh này tiến triển nặng nề hơn.
Sau giãn cách xã hội, nhiều người đang bình thường khỏe mạnh bất ngờ bị mắc vảy nến với những biểu hiện như da tay, chân và cơ thể nổi nhiều mảng đỏ, sần sùi gây ngứa ngáy; còn những người đã từng mắc bệnh này thì vảy nến tiến triển nặng hơn. Điều này khiến không ít người bệnh cảm thấy hoang mang, lo lắng.
Anh N.T.Đ. (42 tuổi, ngụ quận 12, TP.HCM), cho biết trước đây da đầu anh cũng thường có vảy trắng, đi khám bệnh viện gần nhà, bác sĩ nói bị gàu, viêm da đầu. Thời gian gần đây do ảnh hưởng dịch bệnh, anh là lao động chính trong nhà nhưng lại bị mất việc nên thường xuyên bị căng thẳng và mất ngủ. Sau hơn 1 tuần, vùng da ở tay, chân anh bắt đầu xuất hiện nhiều mảng đỏ, sần sùi trên tay, chân, thân mình, da đầu ngứa ngáy, khó chịu, có những lớp vảy trắng, bong tróc…
Sau đó, anh Đ. đến bệnh viện kiểm tra thì bác sĩ kết luận bị vảy nến, khiến anh cảm thấy hoang mang.
Trong khi đó, chị T.N.H. (22 tuổi, quê Tiền Giang) đến Bệnh viện Da Liễu TP.HCM khám trong tình trạng bị bệnh vảy nến nghiêm trọng. “Tôi bị vảy nến mấy năm qua, điều trị đã ổn. Tuy nhiên, trong thời gian dịch bệnh chị rất sợ nhiễm COVID-19, sợ đến ám ảnh, mỗi lần ra ngoài về là phải sát khuẩn tay, chân bằng cồn. Một thời gian sau da tay, chân bong tróc, vảy nến bùng lên lại”, chị H. chia sẻ.
Ths.BS Phạm Thị Uyển Nhi – Phòng kế hoạch tổng hợp, Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết, sau thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19 thì những ngày gần đây bệnh viện tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân bị khởi phát bệnh vảy nến hoặc bệnh nhận bị bệnh vảy nến nhưng tiến triển nặng hơn.
Nhiều bệnh nhân cho biết do giãn cách xã hội, không được đi ra ngoài, bị mất việc làm, mất thu nhập, gia đình có người thân mất vì COVID-19… khiến tâm lý không ổn định và thường xuyên bị stress. Ngoài ra, nhiều bệnh nhân do sử dụng chất sát khuẩn, khử khuẩn nhiều cũng làm khô da khiến bệnh nặng hơn.
Bác sĩ Nhi nhận định, dịch bệnh COVID-19 chính là tác nhân khiến bệnh vảy nến xuất hiện và bùng phát nặng.
“Nhiều người dân, trong đó có người bệnh vảy nến có “nỗi sợ COVID -19”. Chính sự lo lắng, sợ hãi về dịch bệnh khiến nhiều người bị stress từ đó làm khởi phát vảy nến hoặc làm bệnh bùng phát. Ngoài ra, do giãn cách xã hội ảnh hưởng đến việc tiếp cận dịch vụ y tế của người bệnh, nhiều người không đi khám được, phải ngưng điều trị cũng làm bệnh nặng hơn. Việc sử dụng chất tẩy rửa, sát khuẩn nhiều khiến cho cho da bị khô cũng làm nặng hơn tình trạng vảy nến”, bác sĩ Nhi lý giải.
Để phòng tránh bệnh vảy nến và không để bệnh tiến triển nặng hơn trong thời kỳ COVID-19, bác sĩ Nhi khuyến cáo các bệnh nhân cần phải duy trì điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ da liễu. Trong trường hợp không thể đến khám bệnh, nên nhờ hỗ trợ sự tư vấn của bác sĩ da liễu bằng các hình thức trực tuyến để có những lời khuyên đúng đắn và kịp thời.
“Người dân nên lựa chọn xà phòng dành cho da nhạy cảm, không có chất tẩy rửa mạnh nhằm giúp kiểm soát, không làm bùng phát vảy nến cũng như lây lan COVID -19; sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm thường xuyên để tránh khô da; nghỉ ngơi thoải mái, tránh stress bằng cách tạm dừng đọc, xem tin tức về dịch bệnh; dành thời gian cho các hoạt động thư giãn như đi bộ, tập thở sâu, ngồi thiền; cố gắng ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dưỡng chất và tránh lạm dụng chất chứa cồn, thuốc lá hoặc các chất khác”, bác sĩ Nhi nói.