Đại dịch COVID-19 được xem là một thời điểm kiểm tra tinh thần “chiến lang” - hay còn gọi là tinh thần chiến đấu của các nhà ngoại giao Trung Quốc nhằm bào chữa cho vấn đề điều hành yếu kém trong lúc đầu dịch này bùng nổ.

Dịch COVID-19: Khi nhà ngoại giao Trung Quốc trở thành những ‘chiến lang’

12/04/2020, 19:59

Đại dịch COVID-19 được xem là một thời điểm kiểm tra tinh thần “chiến lang” - hay còn gọi là tinh thần chiến đấu của các nhà ngoại giao Trung Quốc nhằm bào chữa cho vấn đề điều hành yếu kém trong lúc đầu dịch này bùng nổ.

Ông Triệu Lập Kiên gây tranh cãi, khi ông chia sẻ một giả thiết âm mưu rằng có thể quân đội Mỹ đã đem virus gây dịch COVID-19 đến Vũ Hán

Theo báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng (SCMP) ngày 12.4, trước khi được chọn làm lãnh đạo Vụ Thông tin thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh đã lên tiếng phê bình sự thiếu tinh thần đấu tranh của giới ngoại giao nước nhà, và bà thừa nhận Trung Quốc gặp phải rất nhiều vấn đề trong việc tuyên truyền đường lối, vào lúc sự bất đồng với Mỹ gia tăng cũng như quốc tế cảnh giác các tham vọng toàn cầu của Bắc Kinh trong một thế giới ngày càng rối loạn.

Vẫn theo tờ báo Hồng Kông này, vào tháng 7.2019, bà Hoa Xuân Oánh vừa trải qua khóa học về các chính sách đối nội, đối ngoại của Chủ tịch-Tổng Bí thư Tập Cận Bình. Lời góp ý trên của bà trong một bài báo đăng trang nhất của tạp chí Thời đại Nghiên cứu của Trường Đảng Trung ương. Bài viết mang thông điệp chính của người phát ngôn chính của Bộ Ngoại giao Trung Quốc: từ đầu năm 2019, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc và các nhà ngoại giao đã liên tục nhắc nhở các đảng viên phải sẵn sàng cho một “cuộc đấu tranh trường kỳ và gian khổ”.

Từ sự cho phép của lãnh đạo cấp cao…

Theo nhà nghiên cứu cấp cao Triệu Thông của Trung tâm Chính sách toàn cầu Carnegie-Đại học Thanh Hoa (Bắc Kinh), những lời kêu gọi "tinh thần chiến đấu" đã dẫn đến quan điểm chính thức này: đã đến lúc Trung Quốc đứng lên chống lại sự thù địch của phương Tây.

Ông nói: “Từ sự chấp thuận của lãnh đạo cấp cao, các nhà ngoại giao đã tự chuyển mình thành các chiến lang”, từ ngữ mượn từ bộ phim “Chiến Lang” cổ động tinh thần chiến binh Trung Quốc.

Vài năm qua, lực lượng “chiến lang” này dưới quyền ông Dương Khiết Trì và người kế nhiệm Vương Nghị, đã tỏ ra rất quyết liệt khi Trung Quốc cần bào chữa cho việc tuyên bố chủ quyền Biển Đông, cho các chính sách đối với người đòi dân chủ ở đặc khu hành chính Hồng Kông (thuộc Trung Quốc) và với cộng đồng Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Và dịch COVID-19 cũng chính là thời khắc để kiểm tra tinh thần “chiến lang”. Bắc Kinh có thêm một số nhà ngoại giao trẻ Trung Quốc đã thể hiện rõ sự cứng rắn và kiên quyết, gây bất ngờ cho những người đồng nhiệm của các nước khác.

Hồi tháng 3, người phát ngôn Triệu Lập Kiên gây tranh cãi, khi ông chia sẻ một giả thiết âm mưu rằng có thể quân đội Mỹ đã đem virus gây dịch COVID-19 đến Vũ Hán, lúc họ tham dự Đại hội thể thao các lực lượng vũ trang của thế giới (Military World Games) ở thành phố này năm 2019.

Chính quyền Mỹ đã bác bỏ cáo buộc này và chọc ngoáy bằng cách gọi là “Virus Vũ Hán” (Ngoại trưởng Mike Pompeo) và “Virus Trung Quốc” (Tổng thống Mỹ Donald Trump).

Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ông Thôi Thiên Khải đã bác bỏ cáo buộc thiếu chứng cứ của ông Triệu Lập Kiên, gọi đó là một “tuyên bố điên rồ chỉ làm hỏng quan hệ đã bị tổn thất giữa hai bên”, theo SCMP.

Bà Hoa Xuân Oánh phát biểu tại một cuộc họp báo - Ảnh: Tân Hoa Xã

Thế hệ “chiến lang” hưởng lợi và thăng tiến sự nghiệp

Bà Tôn Vân, một nhà nghiên cứu và là chủ nhiệm chương trình Trung Quốc ở Trung tâm Stimson (một tổ chức nghiên cứu ở Washington) nói: “Điều chắc chắn là chính sách ngoại giao cứng rắn này, gồm giả thiết âm mưu quân đội Mỹ gieo rắc virus ở Trung Quốc, đã được lãnh đạo cấp cao phê duyệt”.

Nhà nghiên cứu Triệu Tông cảnh báo từ việc lãnh đạo Trung Quốc cho phép, các nhà ngoại giao cấp cao cần phải biết rằng “họ đang phá hoại hình ảnh quốc tế của Trung Quốc nhiều hơn cả khả năng của nước ngoài. Rất có thể họ không quan tâm, vì thái độ cứng rắn của họ ở vũ đài quốc tế sẽ giúp sự nghiệp trong nước của họ được thăng tiến, trong một bộ máy đã có nhiều thay đổi trong những năm gần đây”.

Chuyên gia đối ngoại Bàng Trung Anh thuộc Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS, Singapore) cảnh báo thế hệ “chiến lang” không giúp Trung Quốc có thêm bạn bè trên thế giới: “Thật thất vọng khi thấy những nhà ngoại giao này hưởng lợi và sự nghiệp thăng tiến từ một trật tự thế giới tự do”.

Nhưng các nhà ngoại giao Trung Quốc vẫn quyết liệt bảo vệ trước bất kỳ sự chỉ trích rằng Trung Quốc xử lý kém dịch COVID-19. Tuần trước bà Hoa Xuân Oánh viết Twitter: “Trung Quốc mà biến đại dịch này thành một thứ vũ khí địa-chính trị ư? Liệu người lính đang chiến đấu mãnh liệt có nghĩ đến phần thưởng? Tất cả những gì chúng ta hiện quan tâm là cứu được nhiều người hơn, giúp đỡ nhiều hơn”.

Theo SCMP, Bắc Kinh đã mở mặt trận tuyên truyền quyết liệt, nhằm khôi phục uy tín bị mất từ việc chính quyền Trung Quốc xử lý kém lúc dịch mới bùng phát ở thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc hồi tháng 12.2019.

Ngoài việc gởi tặng những bộ kit xét nghiệm, máy thở cùng các phương tiện y tế đến 120 quốc gia, Trung Quốc cũng cử 100 chuyên viên đến Ý, Serbia, Iran, Pakistan, Venezuela cùng nhiều nước châu Á, theo giới truyền thông nhà nước và ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc ở Washington.

Vào lúc Trung Quốc và phương Tây không tin lẫn nhau, các quan chức Mỹ và châu Âu cùng các học giả đã cảnh báo: chính sách ngoại giao y tế của Bắc Kinh nhằm tranh thủ lợi thế từ tổn thất của họ, và lấp đầy khoảng trống quyền lực vốn do Mỹ dẫn đầu.

Nhà nghiên cứu John Seaman thuộc Viện Quan hệ Đối ngoại Pháp nói cho đến nay, Mỹ và châu Âu thất bại trong cuộc kiểm soát dịch COVID-19 đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh thể hiện khả năng áp đặt các biện pháp khẩn cấp để kiểm soát dịch, đồng thời gieo rắc sự nghi ngờ của người dân các nước khác vào chính phủ của họ.

Mỹ Trinh (theo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng)

Bài liên quan

(0) Bình luận
Nổi bật Một thế giới
Vui buồn nghề muối Bạc Liêu - Bài 2: Ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới
một giờ trước Kinh tế - đầu tư - dự án
Để làm giàu trên chính đồng muối của gia đình, nhiều diêm dân ở Bạc Liêu đã mạnh dạn đầu tư vật tư, thiết bị cơ giới hóa để sản xuất muối theo hướng công nghệ cao. Hướng đi mới đã khẳng định được hiệu quả, góp phần nâng cao sản lượng lẫn chất lượng hạt muối.
Đừng bỏ lỡ
Mới nhất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO
Dịch COVID-19: Khi nhà ngoại giao Trung Quốc trở thành những ‘chiến lang’