Khi dạo bước trong vườn kinh đá, ta như lạc bước vào cõi hư không, lắng lòng nghe tiếng kinh xưa rũ bụi trần.
Tổ đình Phước Hậu (thường gọi chùa Phước Hậu) tọa lạc bên tả ngạn vàm sông măng thít (xã Ngãi Tứ, Tam Bình, Vĩnh Long). Bên kia vàm sông là thị trấn Trà Ôn (Trà Ôn, Vĩnh Long) nhộn nhịp khác hẳn với sự tĩnh lặng đến thâm nghiêm của bên này.
Vườn kinh đá độc nhất Việt Nam
Chùa Phước Hậu ẩn trong bóng mát xanh tươi của những cây sao dầu cổ thụ. Đây là ngôi chùa cổ, khởi nguyên là chiếc am lá nhỏ bé. Qua bao đời trụ trì, am dần được xây dựng bằng gỗ, mái ngói âm dương… đến nay được xây dựng khang trang gồm các công trình: chính điện, trung điện, hậu tổ, tàng kinh các, hệ thống bảo tháp… Chính điện chùa hình chữ “Sơn”, nhìn xuống dòng sông Bassac (một nhánh sông Hậu). Mặt tiền chùa xây theo kiểu cổ lâu, chính giữa trang trí mô hình ngôi tháp 7 tầng cao chót vót, uy nghiêm.
Phước Hậu cổ tự là tổ đình Phật giáo dòng Lâm Tế (Chúc Thánh) được Bộ VH-TT-DL công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1994. Chùa Phước Hậu có hai cổng. Một cổng quay mặt ra sông Bassac, cổng kia nằm trên Quốc lộ 1 cũ, nơi tiếp giáp với bến phà cũ qua thị trấn Trà Ôn. Từ cổng này, khách quá bộ vào khuôn viên rộng lớn của chùa, nơi thanh tịnh và trong lắng với những hồi chuông gió rung reo cùng tiếng gió nhẹ lướt qua những tàng cây cao êm thoát. Theo con đường lót đá phiến, khách chầm chậm ru hồn trong không gian thanh khiết của vườn kinh đá độc đáo nhất Việt Nam. Thầy Phước Cẩn, trụ trì, cho biết cơ duyên xây vườn kinh đá là do lần tham quan chùa ở Myanmar cách đây 4 năm, được đọc những bài kinh A Di Đà khắc chữ Pali trên đá.
Xúc động, thầy có ý định thực hiện một vườn kinh đá ở chùa Phước Hậu và ý tưởng này của thầy đã được nhiều Phật tử hưởng ứng, đặc biệt còn có sự tham gia của một nhà thiết kế… Vườn kinh Pháp cú thể hiện 26 phẩm trong kinh Pháp cú, gồm các phẩm: song yếu, không phóng dật, tâm, hoa, ngu, hiền trí, A la hán, ngàn, ác, hình phạt, già, tự ngã, thế gian, Phật đà, an lạc, hỷ ái, phẫn nộ, cấu uế, pháp trụ, đạo, tạp lục, địa ngục, voi, tham ái, tỳ kheo, Bà la môn. Tổng số có 500 trang kinh được khắc trên 250 phiến đá (hai mặt). Mỗi trang kinh đá dầy khoảng 8-9cm, rộng 1m, cao 1,3m, nặng khoảng 300kg. Tất cả được khắc vi tính chữ Việt chân phương, trong đó có những phiến kinh được khắcchữ Anh để du khách nước ngoài đến thăm dễ lĩnh hội ý nghĩa của vườn kinh trong chuyến hành hương đến chùa Phước Hậu.
Những lời Phật dạy
Đường kinh Pháp cú có hình 8 chiếc lá bồ đề bung xòe, rộng 6.000m2. Mô hình này còn thể hiện Bát chánh đạo của Phật giáo. Bát chánh đạo (Bát thánh đạo) là 8 con đường chính, là giáo lý căn bản của Đạo đế (trong Tứ đế) gồm 37 phẩm trợ đạo. Đây là những phương tiện hành trì phổ biến sâu rộng chung cho Ngũ thừa Phật giáo. Kinh Pháp cú được nhiều Hòa thượng Việt dịch từ tiếng Pali ra tiếng Hán. Tuy nhiên, bản kinh tiếng Việt chỉ duy nhất Hòa thượng Thích Minh Châu dịch và được chọn thực hiện vườn kinh đá. Kinh Pháp cú là những lời Phật dạy, được các vị tổ ở Ấn Độ trích diễm, tích lũy được 423 bài. Đây là tinh hoa Phật pháp, là tinh yếu hay nhất Phật giáo Nam truyền. “Nam truyền Phật giáo tuyển tinh hoa/Bài pháp bốn trăm hai lẻ ba/Hăm sáu phẩm kinh phân bổ rõ/Dạy tu từ thấp đến cao xa”. Đường kinh đá Pháp cú đi qua một số cây xanh trong khu vườn chùa.
Những cây xanh ấy buộc phải chặt bỏ một cách luyến tiếc. Là người yêu thiên nhiên, trong khuôn viên vườn kinh đá còn được thầy Phước Cẩn tìm kiếm một số cây quý đem về trồng, như cây ngô đồng. Cao hứng, thầy Phước Cẩn đọc câu thơ xưa: “Ngô đồng nhất lạc diệp/Thiên hạ cộng tri thu”. Độc đáo là cây hồng nhung do chư tôn trồng cả trăm năm nay. Lại còn các loại thảo dược giúp chúng sinh vượt qua những cơn bệnh… Thầy sẽ cho trồng thêm nhiều hoa kiểng và phủ cỏ giúp vườn kinh đá thêm phần xanh mát, ưa nhìn. Không chỉ chăm chút vườn kinh đá hoàn mỹ, thầy Phước Cẩn trụ trì đời thứ năm ngôi hơn trăm tuổi này còn thể hiện lòng tôn kính các chư tôn thế hệ trước. Bằng việc cộng thêm bốn phía vườn kinh đá bốn công trình. Phía Bắc xây núi Yên Tử để tưởng niệm Phật hoàng Trần Nhân Tông. Phía Đông làm núi Non Nước, tưởng niệm tổ Trí Thiền - vị chân sư miền Trung ẩn tu núi Tượng (Tri Tôn, An Giang). Phía Nam là dải cù lao Tân Quy (Cầu Kè, Trà Vinh), nối với Trà Ôn, nơi có chùa Phật Quang là nơi tổ Thiện Hoa (Viện trưởng Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, tác giả “Phật học phổ thông”, trụ trì đời thứ 3 chùa Phước Hậu).
Đây cũng là nơi Hòa thượng Thích Thanh Từ chuyển sang tu tập chùa Phước Hậu. Phía Tây là dãy Thất Sơn, tưởng niệm Hòa thượng Thích Trí Tịnh - vị sư dịch kinh Pháp hoa, Hoa nghiêm, Địa tạng. Đây cũng là quê gốc Hòa thượng Thích Huyền Diệu - vị sư có công xây dựng Việt Nam Phật quốc tự ở Ấn Độ, được thế giới ngưỡng mộ. Trung tâm Vườn kinh Pháp cú có núi Bốn Phật, nói lên Pháp tứ đế - pháp tu chánh yếu của Phật giáo Nam truyền… Vườn kinh đá là công trình văn hóa Phật giáo độc đáo ngoài trời có thể nói duy nhất trên thế giới, được khởi công ngày 25.3.2014 và sau 2 năm đã cơ bản hoàn thành. Nếu như ở Myanmar, những phiến đá khắc kinh A Di Đà được đặt trong những tháp nhỏ, muốn đọc phải khom người chui vào.
Còn với Vườn kinh Pháp cú, những phiến kinh ngang tầm mắt, giúp tha nhân lúc nào cũng nhẹ nhõm thân tâm khi tiếp cận, hoan hỉ - nói theo thầy Phước Cẩn là “vui vẻ”. Trong khuôn viên cây xanh chùa Phước Hậu rộng 10.000m2 còn có hai công trình kinh đá khác, là vườn kinh đá Bát truyền trích diễn với 15 phiến đá được dịch theo thể văn xuôi và vườn kinh đá A Di Đà với 31 phiến đá xếp theo hình đất nước Việt Nam. Dạo bước trong vườn kinh đá, khách như lạc bước vào cõi hư không. Đó là nơi khách lắng lòng nghe tiếng kinh xưa thẩm thấu. Đường kinh là con đường chân chính có tâm chí, giúp ta hướng đến một đời sống cao thượng, hạnh phúc; là phương tiện vi diệu đưa ta đến đời sống an lạc, rũ sạch bụi trần, giải thoát, tiến đến giác ngộ, dẫn đến an vui Niết bàn…
Phù Sa Lộc / Duyên dáng Việt Nam